• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hỏa lực Iran sẵn sàng đương đầu chiến tranh ủy nhiệm với Mỹ, Israel

Thế giới 26/06/2018 10:44

(Tổ Quốc) - Căng thẳng giữa Israel và Iran tại Syria đang nóng lên - kéo theo nguy cơ xung đột bùng lên giữa các cường quốc tại Trung Đông.

Một cố vấn quân sự hàng đầu của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cảnh báo rằng, các lực lượng vũ trang của nước này đang được chuẩn bị để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, thậm chí là hành động quân sự của Hoa Kỳ, Israel và các đồng minh.

Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi – từng là một thành viên cấp cao trong lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran đã đưa ra tuyên bố trên hôm Chủ nhật trong khi phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Shiraz, tỉnh Fars, Iran.

Iran lường trước kế hoạch Mỹ, Israel

Ông tuyên bố Iran sẽ phản ứng trước các mối đe dọa quân sự và phi quân sự từ Mỹ và Israel- hai nước đều đang cáo buộc Iran gây bất ổn cho Trung Đông thông qua việc phát triển tên lửa và hỗ trợ cho các lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite ở Iraq và Syria.

"Người Mỹ và người Zion (Israel) là những mối đe dọa lớn và họ có thể chi trả tiền để tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực", Safavi cho biết, theo hãng thông tấn bán chính thức Mehr. "Một cuộc chiến ủy nhiệm là một khả năng, và chúng tôi đã học được để xem xét các kịch bản khác nhau và có một kế hoạch cho mọi mối đe dọa có thể xảy ra.

"Các cường quốc lớn ngoài khu vực đang ở giữa một cuộc cạnh tranh chiến lược và địa chính trị cho Tây Á, và dự kiến khu vực này sẽ là khu vực nhạy cảm nhất trong 12 năm tới", ông nói thêm.

Quân đội Iran đã sẵn sàng cho mọi kịch bản xung đột với Mỹ và Israel.

Theo Newsweek, Mỹ đã tiến quân vào Iraq năm 2003 và lật đổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Tuy nhiên, đã để lại thời cơ cho lực lượng nổi dậy Hồi giáo Sunni – nhóm Nhà nước Hồi giáo IS - mạnh mẽ phát triển và lan rộng sang cả Syria. Đến năm 2014, IS đã chiếm khoảng một nửa lãnh thổ của Iraq và Syria. Cả Mỹ và Iran đã phải chủ động tham gia vào cuộc chiến chống lại lực lượng này thông qua hỗ trợ trực tiếp tại chiến trường và cả các lực lượng đồng minh địa phương.

Các đồng minh địa phương được Mỹ và Iran hỗ trợ, đã sát cánh cùng nhau tại Iraq, nhưng lại rơi vào hai phe đối lập trong cuộc chiến tại Syria. Trước khi IS hiện diện tại Syria, tình hình tại đây vốn đã phức tạp bởi sự đối đầu của lực lượng nổi dậy -  được sự ủng hộ của phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Vịnh Ả Rập -nhằm chống lại quân đội chính phủ Syria từ năm 2011.

Việc Iran nắm quyền huy động hầu hết các lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite tới tham chiến tại Syria đã khiến Israel đặc biệt giận dữ. Israel coi động thái trên của Tehran là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của chính họ.

Quân đội Mỹ đã nhiều lần tấn công quân đội Syria để đáp trả các vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học, trong khi cũng oanh tạc các tay súng ủng hộ chính quyền Syria với lí do là để phòng vệ. Về phần mình, Israel đã lặng lẽ thực hiện một số cuộc tấn công phủ đầu chống lại những gì họ nói là các cơ sở hạ tầng quân sự Iran đang phát triển ở nước láng giềng Syria. Các lực lượng thân Iran tháng trước được cho là đã phản ứng lại – điều khiến Israel leo thang hàng loạt cuộc không kích nhằm vào các vị trí quân sự Syria – những nơi được cho là có tài sản quân sự của Iran hoặc của lực lượng thân Iran.

Khả năng đối đầu vũ trang của Israel với Iran là rất cao và Mỹ cùng các đồng minh có thể theo sau động thái này, Mylene Doublet O'Kane, một nhà phân tích độc lập về học thuật và chính trị cho biết.

Nga ra tay hòa hoãn

Trong bối cảnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang bắt đầu chiếm lại một số vùng đất cuối cùng của đất nước nằm trong tay phe nổi dậy ở gần Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng, các cường quốc liên quan - bao gồm cả Nga, Mỹ và Jordan - đã cố gắng đạt được một thỏa thuận sẽ không để Iran và các lực lượng dân quân được Tehran bảo trợ tham gia nhằm tránh gia tăng căng thẳng hơn nữa với Israel. Các thông tin về việc thực hiện một thỏa thuận như vậy đã xuất hiện, tuy nhiên cũng có nhiều tuyên bố rằng nó đã bị vi phạm khi quân đội Syria nhanh chóng tiến quân chống lại lực lượng nổi dậy.

Iran đã tuyên bố sẽ không rời khỏi Syria trừ khi được chính phủ Syria yêu cầu. Còn chuyên gia O’Kane cũng bày tỏ sự nghi ngờ về cam kết của Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng “không có sự hiện diện quân sự nước ngoài nào” còn cần thiết sau khi mối đe dọa (tại Syria) được xóa bỏ. Theo Kane, "Iran không có kế hoạch rút lui khỏi lãnh thổ Syria" – chỉ ra “công sức và tiền bạc Iran đã đầu tư để tăng cường ảnh hưởng của họ ở Trung Đông”.

Còn Tổng thống Assad cho đến nay coi Iran là một đối tác hợp pháp trong cuộc chiến chống lại IS và các nhóm chống chính phủ khác. Còn Moscow đã nói, tất cả các lực lượng ngoại quốc cuối cùng sẽ rời Syria, bao gồm Iran, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ. Ông Assad đã kêu gọi Hoa Kỳ, các cường quốc liên minh khác và Thổ Nhĩ Kỳ rời đi ngay lập tức.

Trong bài phát biểu hôm Chủ Nhật, Safavi cũng nhắm vào một đồng minh hàng đầu khác của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Khi được hỏi những gì Iran sẽ làm để đối phó với một cuộc tấn công tiềm năng từ đối thủ Saudi Arabia, tướng lĩnh này cho biết "Cung điện hoàng gia ở Riyadh sẽ ngay lập tức bị bao trùm bởi 1.000 tên lửa", theo Radio Farda, một chi nhánh của Đài tự do châu Âu – cơ quan phát thanh được chính phủ Mỹ tài trợ.

Israel và Saudi Arabia là hai trong số ít các quốc gia thúc đẩy Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, một thỏa thuận năm 2015 yêu cầu Washington dở bỏ các biện pháp trừng phạt trị giá hàng tỷ USD đối với Iran để đổi lấy việc Tehran cắt giảm sản xuất hạt nhân. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi tháng trước, bất chấp các nhà ký kết khác là Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Vương quốc Anh đều cố gắng dàn xếp thỏa thuận này thông qua các cuộc đàm phán mở rộng với Iran sau khi Mỹ ra đi.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ