• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hoài nghi và bối rối hành trình Trump đột phá Israel- Palestine

Thế giới 04/05/2017 12:53

(Tổ Quốc) - Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để thúc đẩy nền hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để thúc đẩy nền hòa bình giữa Israel và Palestine khi ông đón tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng vào ngày 3/5.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump có thể khôi phục tiến trình đàm phán đang bị trì hoãn kéo dài, Reuters cho biết.

Trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ, ông Trump đã kêu gọi ông Abbas và các nhà lãnh đạo Palestine “cất lên tiếng nói đoàn kết chống lại sự kích động” bạo lực và nói rằng "Tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết ... Tôi rất thích làm nhà hòa giải, một trọng tài viên hoặc một nhà điều phối, và chúng tôi sẽ làm được điều này".

Ông Trump và ông Abbas tại Nhà Trắng ngày 3/5. (Nguồn: Reuters)

Còn ông Abbas tái khẳng định mục tiêu bao trùm về việc hình thành một nhà nước Palestine, nói rằng họ phải có thủ đô ở Đông Jerusalem và biên giới dựa vào hiện trạng trước năm 1967. Israel trước đó đã bác bỏ mọi yêu cầu thực thi đường biên giới trước năm 1967 – coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh của mình.

Cuộc gặp của ông Trump tại Nhà Trắng với ông Abbas theo sau chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Mỹ vào tháng hai, người đã có động thái xích lại mối quan hệ với Mỹ sau khi dấy lên nhiều bất đồng với nhà lãnh đạo tiền nhiệm của nước Mỹ Barack Obama.

Theo Reuters, ông Trump hiện phải đối mặt với sự hoài nghi sâu sắc cả trong và ngoài nước về những cơ hội hướng tới một bước đột phá ngoại giao nhanh chóng về tiến trình hòa bình Israel – Palestine trong khi cho tới nay, chính quyền của ông vẫn chưa đưa ra một chiến lược nào để khởi động lại tiến trình hòa bình bị đình trệ.

David Makovsky, một thành viên cao cấp trong nhóm đàm phán của Obama tham gia vòng đàm phán Israel – Palestine cuối cùng đã sụp đổ vào năm 2014 nói rằng "(Tiến trình đàm phán) rất khó khăn."

Đã có lúc ông Trump dấy lên những lời chỉ trích quốc tế khi ông dường như từ bỏ sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước và nói rằng ông sẽ để cho các bên tự quyết định. Mục tiêu hình thành nhà nước Palestine là lập trường được các chính quyền Mỹ và cộng đồng quốc tế ủng hộ từ nhiều năm nay.

Hiện tại, cuộc gặp với ông Abbas, người đứng đầu chính quyền Palestine được phương Tây ủng hộ, là một thử thách nữa đối với ông Trump – thể hiện rằng ông có thực sự nghiêm túc hay không trong việc theo đuổi một nền hòa bình toàn diện – điều nhiều người tiền nhiệm chưa làm được.

Cố vấn an ninh quốc gia của Trump, McMaster, mô tả cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng là “đột phá” - nói rằng những cách thức phi thường của ông Trump có thể tạo ra cơ hội để giúp ổn định Trung Đông.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về việc Trump chọn con rể Jared Kushner là người giám sát tiến trình hòa bình, cùng với ông Jason Greenblatt, vốn là một luật sư hàng đầu cho doanh nghiệp của ông, làm nhà đàm phán đặc biệt về vấn đề xung đột Israel – Palestine.

Trong khi đó, các kế hoạch vẫn đang được xây dựng để ông Trump gặp Netanyahu ở Jerusalem và có thể gặp Abbas ở Bờ Tây, dự kiến vào ngày 22 và 23/ 5, theo những nguồn tin thân cận cho biết. Điều này đang đặt ra sự suy đoán về một cuộc họp ba bên. Các quan chức Mỹ và Israel từ chối xác nhận chuyến thăm này.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ