• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

KHƠI DẬY HỆ GIÁ TRỊ - CHUẨN MỰC CON NGƯỜI VIỆT NAM THỜI ĐẠI MỚI - Bài 3: Hệ giá trị thanh niên góp phần quan trọng tăng “sức đề kháng” văn hóa

Văn hoá 03/04/2023 07:46

(Tổ Quốc) - Với những đặc tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, luôn cập nhật, thích ứng với trào lưu và xu hướng mới trong xã hội hiện đại nên những biểu hiện văn hóa, giá trị sống của thanh niên thường mang tính động và ít ổn định. Vì vậy, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam cần quan tâm đến hệ giá trị của thanh niên- coi đó là một thành tố quan trọng cấu thành hệ giá trị con người Việt Nam.

Trong vấn đề phát triển con người, Báo cáo Chính trị và các văn kiện Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, coi đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước, cần được giáo dục, bồi dưỡng toàn diện, song cũng là lớp người dễ bị tổn thương, cần được quan tâm bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa. Những nội dung được nhấn mạnh trong giáo dục, bồi dưỡng con người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng là "lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội; "nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam".

Định hướng giá trị của thanh niên hiện nay

Bác Hồ đã từng nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Mùa xuân là mùa đầu tiên của một năm, đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn mới, sự tươi trẻ căng tràn sức sống của mùa xuân đã được Bác so sánh như tuổi trẻ trong cuộc đời của mỗi con người. Thanh niên đã và đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thanh niên Việt Nam ngày nay mang trên vai trọng trách lịch sử, đó là phải trở thành lực lượng lao động có trí tuệ và có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cường tráng để đưa Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thanh niên đang tự khẳng định mình là thế hệ vượt lên hơn so với các thế hệ thanh niên đi trước và đang dần xóa bỏ ranh giới tụt hậu để sánh vai ngang bằng với thanh niên các nước trên thế giới.

Để hệ giá trị thanh niên góp phần tăng "sức đề kháng" văn hóa - Ảnh 1.

Thanh niên Việt Nam ngày nay mang trên vai trọng trách lịch sử, đó là phải trở thành lực lượng lao động có trí tuệ và có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cường tráng để đưa Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) cho biết, khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên trên 1.022 thanh niên đại diện cho các nhóm: học sinh, sinh viên; cán bộ, công chức; nông dân; công nhân; ngành nghề kinh doanh, dịch vụ tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương đã phản ánh một số biểu hiện về văn hóa và định hướng giá trị của thanh niên Việt Nam hiện nay.

Một số hoạt động và hoạt động văn hóa của thanh niên trong thời gian rỗi: kết quả điều tra phản ánh các hoạt động mà đại đa số thanh niên làm nhiều nhất là nói chuyện với người thân (88,8%, trong đó với tần suất thường xuyên là 42%, thỉnh thoảng là 35,1% và hiếm khi là 11,7%), hoạt động đọc sách, báo, tin tức (85,7%, trong đó với tần suất thường xuyên là 25%, thỉnh thoảng là 42,9% và hiếm khi là 17,8%); nghỉ ngơi (83,9%, trong đó với tần suất thường xuyên là 39,8%, thỉnh thoảng là 35,3% và hiếm khi là 8.8%); nấu ăn, chăm sóc nhà cửa (83,3%, trong đó với tần suất thường xuyên là 34,9%, thỉnh thoảng là 32,9% và hiếm khi là 15,5%); xem phim, nghe nhạc (82,4%, trong đó với tần suất thường xuyên là 18,9%, thỉnh thoảng là 42% và hiếm khi là 21,5%); sử dụng mạng xã hội (80,7%, trong đó với tần suất thường xuyên là 40,7% thỉnh thoảng là 29% và hiếm khi là 11%).

Bên cạnh đó, nhóm giá trị thuộc về con người, văn hóa, xã hội cũng được thanh niên rất quan tâm, coi trọng và tin tưởng. Điển hình là các giá trị về chân - thiện - mỹ (74,6%), giá trị văn hóa dân tộc (74,4%), đây là những giá trị cao đẹp mà con người Việt Nam từ xưa đến nay luôn hướng tới với các triết lý đơn giản nhưng rất giàu tính nhân văn, như: "thương người như thể thương thân", "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", "lá lành đùm lá rách"….., thể hiện tinh thần yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động hiếu học và tinh thần cầu tiến vươn lên...

Để hệ giá trị thanh niên góp phần tăng "sức đề kháng" văn hóa - Ảnh 2.

Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam cần quan tâm đến hệ giá trị của thanh niên- coi đó là một thành tố quan trọng cấu thành hệ giá trị con người Việt Nam

Một số giá trị khác còn lại được đa số thanh niên (chiếm trên 50%) coi trọng và tin tưởng đó là: ý nghĩa về cuộc sống nói chung (72,6%), ý nghĩa của tình bạn, tình yêu (70,5%), những điều tốt đẹp mà mọi người mang lại cho mình (64,0%), vật chất rất quan trọng và quyết định mọi việc (61,7%), lời nói và hành động của mọi người xung quanh (59,9%), tin tưởng mọi người đều có số mệnh (56,9%), tin tưởng những hình mẫu, thần tượng mình kỳ vọng (53,6%), tin chuyện tâm linh: trời, phật, thánh thần (50,21%).

Mức độ không tin tưởng của thanh niên có tỷ lệ khá cao: 19,6% không tin vào những hình mẫu, thần tượng mình kỳ vọng; 19,5% không tin vào trời, phật, thánh thần; 15,9% thanh niên không tin mọi người sống đều có số mệnh; 15,3% không tin vật chất quan trọng và quyết định mọi việc... Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn khoảng trên dưới 10% thanh niên tỏ ra nghi ngờ hoặc chưa tin tưởng vào chủ trương, chính sách, những việc tích cực, tiến bộ, các mối quan hệ với mọi người, ý nghĩa cuộc sống...

TS Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, đây là những chỉ báo rất đáng quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và làm công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, giáo dục lý tưởng, đạo đức pháp luật, công tác tuyên truyền, vận động thanh niên trong thời gian tới.

Hệ giá trị của thanh niên

Các chuyên gia chỉ ra một số hệ giá trị của thanh niên hiện nay cần có gồm: Thứ nhất: Sống có lý tưởng, tự tin, hoài bão. Đây là vấn đề không thể thiếu đối với thanh niên, nhất là khi nguy cơ "Một bộ phận thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng, vọng ngoại, chủ nghĩa cá nhân". Lý tưởng, hoài bảo chính là động lực và cũng chính là đích đến trong mỗi hành động, mỗi việc làm của thanh niên.

Thứ hai: Thanh niên cần có sức khỏe tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Khỏe để công tác tốt, muốn công tác tốt phải có sức khỏe". Có sức khỏe tốt mới đảm bảo cho thanh niên có đủ điều kiện để học tập, lao động. Có sức khỏe thanh niên mới phát huy được sức trẻ vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba: phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trung thực, thẳng thắng, có ý chí tiến thủ và khiêm tốn. Thanh niên ngày nay phải thẳng thắng lên án những hành vi, những hiện tượng vi phạm chuẩn mực xã hội. Thanh niên cần có đức tính khiêm tốn, nhã nhặn, biết ứng xử khéo léo, không tự mãn, không quá tự đề cao mình, đồng thời cũng phải là người công dân gương mẫu tôn trọng và chấp hành pháp luật. Thanh niên cần phải am hiểu pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật; không ngừng tuyên truyền, vận động gia đình, người thân chấp hành đúng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư: Tích cực, chủ động nghiêm cứu, học tập, biết sáng tạo, nhạy bén với cái mới, tích cực học hỏi, chủ động hội nhập.

Thứ năm: có tinh thần tự giác, tình nguyện, trách nhiệm trong công việc và giúp đỡ mọi người.

Để hệ giá trị thanh niên góp phần tăng "sức đề kháng" văn hóa - Ảnh 3.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, thanh niên là một trong những lực lượng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch một cách hiệu quả

Cũng theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh, mặc dù văn hóa thanh niên là tiểu văn hóa trong hệ thống cấu trúc văn hóa chung, tuy nhiên với những đặc tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, luôn cập nhật, thích ứng với trào lưu và xu hướng mới trong xã hội hiện đại nên những biểu hiện văn hóa, giá trị sống của thanh niên thường mang tính động và ít ổn định. Vì vậy, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam cần quan tâm đến hệ giá trị của thanh niên- coi đó là một thành tố quan trọng cấu thành hệ giá trị con người Việt Nam.

Bên cạnh những mặt tích cực, cũng có không ít những vấn đề đặt ra trong sự phát triển của văn hóa thanh niên. Trong một thế giới phát triển truyền thông đa chiều và đa phương tiện mạnh mẽ như hiện nay, một mặt cần tôn trọng giá trị văn hóa tích cực của thanh niên, mặt khác việc tuyên truyền, định hướng văn hóa, giá trị lành mạnh cho thanh niên dù đây là công việc khá khó khăn khi chủ nghĩa thực dụng, vị kỷ, coi trọng đồng tiền, tự do cá nhân, phương châm hành xử bạo lực và các khuôn mẫu lệch chuẩn khác tác động khá nhiều đến nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của thanh niên, lứa tuổi đang trong giai đoạn xã hội hóa quan trọng, cần học hỏi, hoàn thiện nhân cách lối sống để có thể trở thành một công dân tốt cho xã hội.

Chúng ta không chỉ cần phải nghiên cứu nắm bắt tâm tư, tình cảm, xu hướng văn hóa trong thanh niên, đề xuất những giải pháp cụ thể để quản lý, củng cố môi trường xã hội hóa từ gia đình, nhà trường đến môi trường công việc, giao tiếp xã hội lành mạnh, tích cực cho thanh niên mà còn cần củng cố hệ thống các chuẩn mực văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhân loại, đặc biệt tăng cường nêu gương "người tốt, việc tốt" và các giá trị, đạo đức xã hội hướng tới phòng, chống nguy cơ lệch chuẩn văn hóa và phản văn hóa cho giới trẻ. Có như vậy chúng ta mới có thể bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng văn hóa, khuyến khích phát triển các loại hình văn hóa, giá trị mới, hiện đại và phù hợp với thanh niên Việt Nam, đồng thời tăng "sức đề kháng" của hệ giá trị thanh niên với những xu hướng ngoại lai tiêu cực xâm nhập thông qua quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ