• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”

Thời sự 26/10/2017 06:41

(Tổ Quốc) -Chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật An ninh mạng.

Thực tế trên không gian mạng đang đặt ra yêu cầu cấp thiết

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Do vậy dự án Luật An ninh mạng nhằm góp phần phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.

Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật An ninh mạng. Ảnh: Nam Nguyễn.

Thứ hai, phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, phòng, chống chiến tranh mạng khi hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, chiến tranh mạng là một trong những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Những vấn đề trên đòi hỏi phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, có phương án và sự chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thứ ba, phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, sử dụng không gian mạng để chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng…

Tờ trình dự án luật cũng cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, âm mưu này được triển khai dưới nhiều phương thức thức khác nhau. Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta.

Đối mặt với các cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn, cường độ cao; mất kiểm soát về an ninh, an toàn thông tin mạng…

Một số đối tượng sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phá hoại

Được biết, dự thảo Luật có sự tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia về an ninh mạng, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Úc...

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho hay, Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển CNTT, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.

Ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia (ANQG), trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.

“Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết, vừa để bảo vệ ANQG, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới”- Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8) của dự thảo, báo cáo thẩm tra cho biết, có ý kiến cho rằng hành bị nghiêm cấm còn quy định chung chung, nhất là quy định tại khoản 1 và khoản 6, đề nghị quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi; có ý kiến đề nghị chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm ngoài các hành vi đã được bộ luật hình sự quy định.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị rà soát và bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng: cấm các hành vi xâm phạm, phá hoại, tấn công hệ thống thông tin quan trọng về ANQG; cấm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội xâm phạm ANQG, TTATXH; cấm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, không gian mạng để xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Việc quy định về các tình huống an ninh mạng trong dự thảo Luật là rất cần thiết nhằm xây dựng cơ chế phòng ngừa, xử lý các tình huống cơ bản xảy ra trên không gian mạng. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho biết, để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Quốc phòng, An ninh đề nghị rà soát, đối chiếu với các quy định Hiến pháp và các đạo luật có liên quan, quy định rõ ràng cơ chế, trách nhiệm giải quyết, xử lý các tình huống.

Trong ngày 25/10, Quốc hội cũng nghe trình dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ trưởng Bộ Công an trình bày./.

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ