• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng Biển Đỏ: Châu Á tiếp cận các giải pháp khắc phục "điểm nghẽn lương thực"

Thế giới 21/03/2024 15:10

(Tổ Quốc) - Sự gián đoạn ở Biển Đỏ đang làm trì hoãn các chuyến hàng và gia tăng giá lương thực nhập khẩu ở các quốc gia châu Á. Đã đến lúc cần phải có những giải pháp ứng phó trong khu vực.

Theo trang Asia Times, trong những năm gần đây, an ninh lương thực toàn cầu phải hứng chịu những cuộc khủng hoảng chồng chéo do xung đột, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung lương thực nghiêm trọng.

Khủng hoảng Biển Đỏ: Châu Á tiếp cận các giải pháp khắc phục "điểm nghẽn lương thực" - Ảnh 1.

Ảnh: Unsplash

Tình trạng gián đoạn này càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số "điểm nghẽn lương thực" chẳng hạn như ở Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen đã nhiều lần tấn công vào các tàu buôn, gây ra tình trạng bất ổn trong các chuyến hàng thực phẩm qua Kênh đào Suez.

Lưu lượng lương thực vận chuyển qua Kênh đào Panama cũng giảm do hạn hán cũng ảnh hưởng đến hệ thống giao thông đường sông như sông Mississippi và sông Rhine.

Do hệ thống lương thực toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào sự di chuyển lương thực từ một số khu vực xuất khẩu lớn đến các khu vực thiếu hụt lương thực trên khắp thế giới – thường phải đi qua các "điểm nghẽn lương thực" – nên sự phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển cụ thể càng tăng thêm áp lực lên an ninh lương thực toàn cầu.

Điều đó cũng tác động đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, lịch trình giao hàng cũng như sự sẵn có và giá cả của lương thực. Thời gian vận chuyển dài hơn cũng khiến thực phẩm dễ hư hỏng, trong khi sự gián đoạn vận chuyển như thay đổi lịch trình vận chuyển đang gây căng thẳng cho các lĩnh vực xử lý hàng hóa và vận tải đường bộ. Tất cả tạo nên sự chậm trễ lớn.

Rào cản đối với các quốc gia châu Á

Đối với các nước xuất khẩu và nhập khẩu lương thực, những thách thức phía trước đang trở nên rõ ràng hơn. Các nước xuất khẩu có thể phải đối mặt với áp lực biên lợi nhuận, ép các nhà sản xuất giảm giá trong khi các nước nhập khẩu phải vật lộn với khả năng chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến giá lương thực cao hơn, biến động giá lớn hơn và mô hình tiêu dùng thay đổi.

Khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á hiện phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng cao do phụ thuộc vào thị trường châu Âu và Biển Đen về các sản phẩm nông nghiệp và phân bón quan trọng.

Cuộc khủng hoảng vì thời tiết khắc nghiệt (Pakistan), xung đột (Bangladesh và Myanmar), bất ổn kinh tế (Sri Lanka)..., lạm phát giá lương thực làm trầm trọng cũng đang gây thêm tình trạng nghèo đói, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế xã hội.

Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cao hơn, đe dọa đảo ngược tiến trình phát triển hàng thập kỷ ở châu Á.

Gián đoạn thương mại

Diễn biến căng thẳng ở Biển Đỏ gần đây khó có thể giải quyết ngay lập tức sự gián đoạn thương mại và lạm phát giá lương thực.

Sự gián đoạn liên tục của chuỗi cung ứng cùng với căng thẳng địa chính trị leo thang, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung cấp lương thực và phân bón.

Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tái diễn, việc cải cách khẩn cấp hệ thống lương thực là rất cần thiết. Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải ưu tiên chuẩn bị sẵn sàng và xây dựng khả năng phục hồi ở cấp quốc gia và khu vực để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực và giảm thiểu tác động trong tương lai.

Đối với nhiều quốc gia nhập khẩu ròng lương thực ở châu Á, ngoài việc tăng dự trữ quốc gia, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách nên đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một ví dụ điển hình là Singapore, mặc dù nhập khẩu hơn 90% lương thực nhưng đã giảm được nguy cơ bị tổn thương trước những biến động về giá lương thực và nguồn cung thông qua mối liên hệ với hơn 180 quốc gia và khu vực.

Chiến lược này hầu hết đã thành công, giúp Singapore được hưởng nền ẩm thực có giá cả phải chăng thứ hai trên thế giới, sau Úc. Một hộ gia đình trung bình ở Singapore chi ít hơn 10% chi phí hàng tháng cho thực phẩm, so với 38% của Philippines.

Ngoài ra, Philippines - quốc gia có mức thâm hụt lương thực lớn - có khả năng chi trả thấp, nhập khẩu gần 80% lượng nông sản. Lạm phát lương thực ở Philippines lên tới 8% vào năm 2023.

Tạo điều kiện tiếp cận lương thực

Chính phủ nhiều nước ở châu Á hiện phải thực hiện các kế hoạch hành động sớm và củng cố mạng lưới an toàn xã hội để giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Các sáng kiến như cứu trợ lương thực, hỗ trợ tiền mặt và chương trình phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp có thể giúp giảm bớt gánh nặng. Các khoản trợ cấp và biện pháp thuế cũng mang lại sự cứu trợ tạm thời cũng có thể được xem xét.

Trước tình trạng các hộ gia đình trung bình chi hơn 1/3 thu nhập cho thực phẩm ở các quốc gia như Philippines hay những hộ gia đình có thu nhập thấp như ở Indonesia phải chi tiêu tới 64% thu nhập cho nhu cầu thực phẩm hàng tháng, việc giải quyết lạm phát giá thực phẩm là rất quan trọng để bảo vệ các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp hơn.

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn cung cấp lương thực, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả, chính phủ các nước châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực có thể ký thỏa thuận với các nước xuất khẩu nông sản trong khu vực như các cường quốc ngũ cốc và hạt như Australia và New Zealand. Làm như vậy có thể tránh được rủi ro do các điểm "thắt cổ chai" gây ra gián đoạn nguồn lương thực.

Ngoài ra, việc tập trung nhiều hơn vào thương mại nội vùng cũng có thể được khuyến khích, chẳng hạn như ở Đông Nam Á, nơi có các nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp quan trọng bao gồm gạo (Việt Nam và Thái Lan) và dầu cọ (Malaysia và Indonesia).

Thương mại nội vùng là thương mại tập trung vào trao đổi kinh tế chủ yếu giữa các quốc gia trong cùng khu vực hoặc khu vực kinh tế.

Thương mại nội vùng tăng lên có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực trong khu vực đồng thời tăng khả năng tiếp cận lương thực trong khu vực, ổn định thị trường và phát triển kinh tế. Điều này có thể được hỗ trợ bởi các sáng kiến nhằm khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp trong khu vực nhằm tăng cường sản xuất các mặt hàng chủ lực khác (như lúa mì) và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đối với chính phủ các nước và các nhà hoạch định chính sách châu Á, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra ở Trung Đông là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của nguồn cung cấp thực phẩm và hệ thống nông sản thực phẩm quốc gia và khu vực.

Trong bối cảnh lạm phát giá lương thực tiếp tục diễn ra, các quốc gia phải tìm cách giải quyết những mối lo ngại liên kết này ở cấp quốc gia và khu vực trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Bằng cách thực hiện các biện pháp chính sách như đa dạng hóa nhập khẩu thực phẩm và tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, khu vực này có cơ hội tốt hơn để chuẩn bị cho những thách thức an ninh lương thực trong tương lai./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ