• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ 3 – Đối đầu với bóng đá Thái Lan: Vẫn cần "chân đế" là đào tạo trẻ

Thể thao 04/04/2019 14:00

(Tổ Quốc) - Để tiếp tục duy trì những thành tích tốt, bóng đá Việt Nam cần tập trung vào công tác đào tạo trẻ.

Những thành công của bóng đá Việt Nam đã cho ra những quả ngọt bằng các chiến thắng trước nền bóng đá của đối thủ "truyền kiếp" Thái Lan nói riêng và những danh hiệu trên đấu trường quốc tế nói chung.

Tuy nhiên, để duy trì được vị thế đỉnh cao của nền bóng đá Việt Nam thì một vấn đề tối quan trọng mà các CLB cùng các cơ quan quản lý cần phải làm là công tác đào tạo trẻ. Theo chuyên gia bóng đá Đặng Phương Nam, cựu cầu thủ ĐTQG Việt Nam, bóng đá trẻ chính là gốc rễ cốt lõi cho sự phát triển nền tảng bóng đá một quốc gia.

"Tôi nghĩ rằng những thành quả đã đạt được trong thời gian trước đây như VCK U23 Châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018… không phải may mắn mà là thành quả của sự tập trung đào tạo lâu dài cho bóng đá trẻ"- chuyên gia Đặng Phương Nam khẳng định.

Chính đào tạo trẻ đã sản sinh ra các lứa cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam, mang về những thành tích lớn

Theo cựu cầu thủ ĐTQG Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, không nhiều đơn vị quan tâm đến bóng đá trẻ bởi bóng đá trẻ không mang lại nhiều lợi nhuận. Ngoài những đơn vị như Viettel, PVF, Hà Nội T&T, HAGL…và có thời điểm là SLNA thì hầu như không có nhiều đơn vị đầu tư để ý đến công tác đào tạo trẻ.

Lấy ví dụ về lứa cầu thủ U23 vừa qua, chuyên gia người Nam Định cho rằng, để có được 23 cầu thủ của U23 Việt Nam vừa rồi cần phải tuyển chọn từ một "chân đế" gồm hàng nghìn, hàng chục nghìn cầu thủ nhỏ ở lứa tuổi khác nhau để có được 23 cầu thủ tinh túy như vậy. Nhưng hiện tại "chân đế" của nền bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự tốt. ở Việt Nam hiện tại chỉ có 1 vài địa phương làm bóng đá phong trào và bóng đá nhi đồng tốt ví dụ như SLNA hay Hải Dương. Nếu xét riêng về nguồn lực thì các lò đào tạo trẻ của SLNA không bao giờ thiếu bởi xứ Nghệ sở hữu cả giải nhi đồng, giải tiểu học. Hai hệ thống giải này mang về cho SLNA nguồn lực dồi dào.

"Tôi nghĩ làm huấn luyện ở SLNA rất sướng vì chỉ cần ngồi quan sát cả hai giải đấu cũng có thể nhặt ra hàng chục cầu thủ U10 có chất lượng. Hoặc Hải Dương cũng vậy, dù họ không có bóng đá đỉnh cao nhưng họ có bóng đá trẻ. Đội bóng U13 của họ cực kỳ tốt vì họ cũng có hệ thống giải bóng đá học đường chất lượng. Rõ ràng từ U10 đã có những phong trào như vậy thì sẽ dễ phát triển đến thành công"- chuyên gia Đặng Phương Nam cho biết.

phudong_01
phudong_01
AZ4A0430
AZ4A0430
AZ4A0397
AZ4A0397
AZ4A0348
AZ4A0348

Công tác đào tạo trẻ của Việt Nam sẽ cần chú ý nhiều hơn để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng (Ảnh: VFF)

Còn nhớ, ngôi vị Á quân của giải đấu U23 Châu Á mà lứa cầu thủ U23 mang về hồi đầu năm 2018 đã tạo ra bước ngoặt cho nền bóng đá Việt Nam sau một thời gian dài "ngụp lặn". Đa phần là những cầu thủ trong đội hình này có xuất phát điểm là lứa tuổi U19 của ĐTQG Việt Nam cách đó 3, 4 năm thi đấu rất thành công, mang lại cho người hâm mộ nhiều cảm xúc. Theo chuyên gia Đặng Phương Nam, việc đầu tư cho bóng đá trẻ là việc lâu dài bền vững. Cho dù bóng đá ở đâu cũng vậy, đất nước nào cũng thế, bóng đá trẻ luôn là gốc rễ, cốt lõi phát triển.

"V-League có thể rất hay, ĐTQG có thể rất mạnh nhưng nếu chúng ta không có được một hệ thống đào tạo trẻ tốt thì chúng ta cũng chỉ có một vài khoảnh khắc thăng hoa thôi. Nếu lứa cầu thủ này rất hay chúng ta thành công nhưng lứa cầu thủ sau đó làm không tốt chúng ta lại sa sút. Cái đó chính là gốc rễ của bóng đá trẻ. Ví dụ như lứa cầu thủ U23 giành ngôi vị Á quân tại VCK U23 Châu Á 2018 vừa qua, dù  chưa được ở trên đỉnh cao nhưng tiếp nối quãng thời gian đó, các em có cơ hội được phát triển, được trưởng thành như Công Phượng, Xuân Trường được ra nước ngoài thi đấu rồi Quang Hải, Duy Mạnh… được thường xuyên tiếp xúc thi đấu ở những môi trường cao nhất. Tôi nghĩ các em có thể tiếp tục phát triển nếu xác định được đúng hướng đi"- cựu cầu thủ ĐTQG cho hay.

Để có được những lứa cầu thủ tốt kế cận cho lứa đàn anh hiện tại thì công tác đào tạo trẻ tương lai của bóng đá Việt Nam càng cần phải có những sự quan tâm sát sao hơn, chuyên gia Đặng Phương Nam bày tỏ mong muốn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ có một phương án nào đó để tổ chức thi đấu nhiều hơn cho các cầu thủ. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ nếu thực sự quan tâm, yêu bóng đá trẻ có thể hỗ trợ tổ chức các giải đấu.

Nhat-Ban
Nhat-Ban
VFF_4655
VFF_4655

Các giải giao hữu sẽ giúp các cầu thủ trẻ phát triển tốt hơn (Ảnh: VFF)

Tại Nhật Bản, công tác đào tạo trẻ luôn được đề cao để tìm kiếm những lứa cầu thủ tài năng là nguồn cung cho các cấp độ đội tuyển quốc gia. Theo chuyên gia Đặng Phương Nam kể lại, các cầu thủ trẻ của đất nước xứ sở mặt trời mọc bắt đầu tập chơi bóng trong giai đoạn từ năm 6 tuổi, đến năm 9 tuổi, các cầu thủ này tập trung nghiêm túc vào các vấn đề tập luyện và phát triển bóng đá và hoàn thành đào tạo cơ bản về mặt kĩ thuật, chiến thuật vào năm 13 tuổi. Sau đó, Nhật Bản đưa các cầu thủ trẻ này bước vào thi đấu. Thông qua các trận đấu trực tiếp, các cầu thủ này sẽ phát triển và trưởng thành hơn.

"Lứa tuổi U13 của Nhật Bản thi đấu từ 35-40 trận/năm. Họ cũng có giải League trẻ cho các cầu thủ này. Giải này thi đấu vào các ngày Chủ Nhật, trong 1 tuần sau đó, các đội bóng sẽ tập luyện và rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Họ theo chu kỳ vòng quay là thi đấu, rút kinh nghiệm, tập luyện chuẩn bị cho trận tiếp theo. Thì cái guồng quay đó giúp họ thi đấu liên tục giúp cầu thủ phát triển, nhận ra các vấn đề khác để từ đó họ trưởng thành hơn"- chuyên gia Đặng Phương Nam cho hay.

Trong khi đó, ở Việt Nam các cầu thủ trẻ không được cọ xát quá nhiều, thậm chí, có những cầu thủ chỉ được thi đấu vỏn vẹn 10 trận tập trung trong tháng 1 và tháng 2 rồi sau đó chỉ tập luyện, không thi đấu trong 10 tháng còn lại. Họa chăng, nếu CLB có tổ chức giao hữu thì tính chất cũng không thể bằng thi đấu được.

Bên cạnh đề xuất đối với VFF và các cấp cơ quan quản lý, chuyên gia Đặng Phương Nam cũng cho rằng, chính CLB cũng cần có những động thái quan tâm hơn tới công tác đào tạo trẻ thông qua việc tổ chức các giải thi đấu nhỏ chia theo cụm Bắc, Trung, Nam rồi đá vòng chung kết thay vì tổ chức một giải League tốn kém. Điều này sẽ phù hợp hơn với kinh phí của các CLB, đồng thời tạo thêm động lực cho cầu thủ phấn đấu./.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ