• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2018): Bác Hồ với các nghệ sĩ sân khấu

19/05/2018 07:00

(Cinet) - Từ hiểu, từ yêu, từ tình cảm chân thành nhất, Người đã mang đến cho những người “nghệ sĩ” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật những chỉ bảo tận tình, những quan tâm chia sẻ để họ làm tốt nhất công việc sáng tạo của mình.

(Cinet) - Đúng như nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ “Không ai hiểu và yêu quý giới văn học nghệ thuật, báo chí như Bác”. Và có lẽ từ hiểu, từ yêu, từ tình cảm chân thành nhất, Người đã mang đến cho họ những người “nghệ sĩ” trên từng mặt trận những chỉ bảo tận tình, những quan tâm chia sẻ để họ làm tốt nhất công việc sáng tạo của mình. Từ âm nhạc, thi ca, mỹ thuật, điêu khắc, sân khấu... loại hình văn học nghệ thuật nào cũng đầy ắp những kỷ niệm về Bác. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả xin mang đến một góc nhìn về hình ảnh, về tình cảm của Người với các nghệ sĩ sân khấu.

Nhắc đến những nghệ sĩ được vinh dự gặp Bác được diễn cho Bác xem, không thể không nhắc tới nghệ sĩ chèo Kim Liên. Bà đã vinh dự bốn lần được gặp Bác và được Bác tặng chiếc thước kẻ do tự tay Người làm. Lần đầu tiên, bà gặp Bác năm 1963 ngay trên sân khấu ở thành phố Nam Định. Hôm ấy, Bác xem đoàn chèo của tỉnh biểu diễn vở “Chị Tâm Bến Cốc” của tác giả Tào Mạt. Chị đóng vai cô Tâm là vai chính, được Bác lên sân khấu tặng một bó hoa tươi. Bác nói: “Cô Tâm múa dẻo, hát hay. Cháu cố gắng học tập, làm được như cô Tâm nhé!”.

Đặc biệt nhất, là vào dịp Tết Kỷ Dậu 1969, bà đã vinh dự được Bác chọn ngâm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác. Cho đến hôm nay, đó vẫn là một niềm vui mà bà nhớ suốt đời.

Bác Hồ với các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, biểu diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (Năm 1955 ). Ảnh tư liệu.

Nhân dịp kỷ niệm 128 năm sinh nhật Bác năm nay, tôi cũng được nghe một câu chuyện cảm động về Người từ NSND Tuấn Hải – nguyên là đạo diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Chuyện kể rằng, năm 1955, sau khi Hà Nội vừa được giải phóng (1954 ). Liên đoàn Ca kịch kháng chiến (sau được đổi thành Đoàn Cải lương nhân dân Trung ương – và ngày nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) vừa từ chiến khu (Khu 4 Thanh Hóa ) trở về tiếp quản Thủ đô, xây dựng chương trình nghệ thuật mới để phục vụ nhân dân và công chúng Hà Nội.

Tiết mục chủ đạo và ăn khách lúc đó là vở Cải lương “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”. Hầu như tất cả các Đoàn nghệ thuật của miền Bắc lúc đó đều xin dựng vở diễn này, và tác giả vở diễn nổi tiếng (được phóng tác theo câu chuyện của Trung Quốc) này là Nghệ sĩ Tuấn Hợp.

Nhận nhiệm vụ đặc biêt, các nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Nhân dân Trung ương được yêu cầu hóa trang cho vở diễn này từ nhà, và chiều tối khẩn trương lên xe ô tô đi phục vụ công tác bí mật. Mọi người bán tín bán nghi không biết biểu diễn ở đâu, cho ai, cho đối tượng khán giả nào mà lên xe không ai nói lời nào, cứ im lặng thẳng tiến. Khi xe chạy vào khu vực Quảng trường Ba Đình (nay là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ) và Phủ Chủ tịch, thì không khí im lặng không còn nữa, mọi người hò reo phấn khích, họ hiểu rằng Đoàn xe của Nhà hát đang tiến vào Phủ Chủ tịch để biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo.

Không khí vỡ òa và nổ tung trong suốt đêm diễn, các nghệ sĩ nổi tiếng nhất của miền Bắc, của Hà Nội lúc bấy giờ đã cống hiến cho Bác một đêm nghệ thuật khó quên. Cuối buổi diễn, Bác lên sân khấu cám ơn, bắt tay khen ngợi từng người và mời mọi người xuống nói chuyện, uống nước và chia kẹo cho tất cả. Bác khen ngợi vở diễn có nội dung sâu sắc, khen ngợi các nghệ sĩ tài năng hóa thân vào nhân vật thật hay và cảm động. Sau đó dựa trên câu chuyện vở diễn, Bác xuất khẩu thành thơ tặng Đoàn.

"Mối duyên Sơn Bá – Anh Đài

Chữ Tình nên trọng – chữ Tài nên thương

Cũng vì ông lão dở dở ương ương

Làm cho đôi lứa dở dương không thành

Đánh cho phong kiến tan tành

Cho Anh Đài – Sơn Bá sớm thành lứa đôi…"

Mọi người vỗ tay vang dậy, cười nói râm ran khen thơ của Bác hay quá, đúng quá. Rồi chia tay Bác trong lưu luyến…Câu chuyện này được các nghệ sĩ lưu truyền, thuộc lòng và nhắc nhở mãi cho đến ngày nay.

Một điều thú vị là tác giả của vở diễn chính là bố của NSND Tuấn Hải và diễn viên của vở diễn là mẹ NSND Tuấn Hải. Bức ảnh quý giá Bác Hồ chụp chung với các nghệ sĩ được gia đình NSND Tuấn Hải gìn giữ trong suốt gần 60 năm qua. Cách đây 20 năm, gia đình đã tặng lại tấm ảnh và bài thơ của Bác cho Nhà hát Cải lương Việt Nam. cho đến hôm nay, những di vật quý giá này vẫn được lưu giữ trang trọng tại Phòng Truyền thống của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Yêu thương, chăm sóc, nhưng Bác cũng thường xuyên nhắc nhở các nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt. Như với nghệ sĩ Kim Liên, Bác nói: “Kim Liên là bông sen vàng nhớ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Đối với NSND Tuấn Hải, anh luôn tâm niệm cả đời bố mẹ anh đã đi theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác và hiện nay anh vẫn đang bước tiếp trên con đường nghệ thuật, thực hiện lời Bác dạy luôn rèn luyện phấn đấu để tạo ra những vở diễn hay, chất lượng phục vụ công chúng. Đặc biệt, NSND Tuấn Hải vẫn hàng ngày dàn dựng những Chương trình nghệ thuật để ca ngợi công ơn của Bác, ca ngợi tình cảm bao la của Bác, của Lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại …

Những câu chuyện, những ký ức sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được các nghệ sĩ khắc ghi. Từ những câu chuyện nhỏ đã ghép thành một cách nhìn tổng quát, một bức tranh về tấm lòng, về mối quan tâm của Người đối với mặt trận văn hóa - nghệ thuật. Điều đó thúc giục mỗi nghệ sĩ, mỗi chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật hôm nay tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn, tiếp tục giữ vững đam mê, nhiệt huyết để tạo nên những sản phẩm chất lượng có tính nhân văn, tính giáo dục và sự lan tỏa trong xã hội đương đại./.



Xin chân thành cảm ơn NSND Tuấn Hải đã cho phép chúng tôi trích đăng lại câu chuyện

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ