• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lần đầu họp về COVID-19, Hội đồng Bảo an phân vân chưa quyết được hành động

Thế giới 10/04/2020 10:31

(Tổ Quốc) - Nhiều ý kiến xung quanh việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên hành động như thế nào trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Hãng tin Reuters đăng tải, hôm thứ 5 (9/4), lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức nhóm họp về đại dịch virus corona mới. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh 15 thành viên vốn đảm nhận nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đang chưa tìm được sự thống nhất về việc có nên hành động trước đại dịch hay không.

Tổng thứ ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng có mặt trong cuộc họp hội đồng trực tuyến. Dịch bệnh COVID-19 hiện đã bùng phát trên toàn cầu với khoảng 1,5 triệu người nhiễm virus, ít nhất 90.000 người thiệt mạng – tại hơn 200 quốc gia và vũng lãnh thổ.

"Đại dịch cũng đem tới nguy cơ lớn đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế - có khả năng dẫn tới gia tăng bắt bớ và bạo lực xã hội; điều đó sẽ phá hoại đáng kể năng lực chiến đấu với bệnh tật của chúng ta", ông Guterres nói với hội đồng. "Sự tham gia của Hội đồng Bảo an là tối quan trọng để giảm nhẹ những ảnh hưởng từ đại dịch tới hòa bình và an ninh. Thực tế, một tín hiệu về sự thống nhất và quyết tâm từ Hội đồng Bảo an sẽ có ý nghĩa rất lớn trong thời khắc đáng lo ngại này".

Lần đầu họp về COVID-19, Hội đồng Bảo an phân vân chưa quyết được hành động - Ảnh 1.

Quang cảnh bên trong một cuộc hợp của Hội đồng Bảo an (ảnh: Reuters)

Phần lớn giới ngoại giao đều tỏ ra chưa hài lòng với sự thiếu hành động của Hội đồng Bảo an về đại dịch đang bùng phát tại Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi Bắc Kinh không muốn hội đồng tham gia vì cho rằng điều đó không thuộc sứ mệnh, thì Washington lại khăng khăng đòi hỏi, bất kỳ hành động nào của hội đồng đều phải đề cập tới nguồn gốc của virus – một động thái vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.

Virus corona mới lần đầu được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào năm ngoái.

"Việc thảo luận về cách đặt tên của virus trong thời điểm hiện tại là sai trái. Nó là COVID-19… và nó là một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế, do vậy Hội đồng Bảo an nên thể hiện mình sớm hơn", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu giấu tên nhận xét.

Cũng trong cuộc họp hôm thứ 5, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun phát biểu rằng, hội đồng nên từ chối bất kỳ hành động bêu xấu và chính trị hóa nào. Không chỉ gọi virus corona là "virus Trung Quốc", tháng trước, Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố, Bắc Kinh đáng lẽ ra phải hành động nhanh hơn để cảnh báo với thế giới.

"Nếu muốn vượt qua thách thức mang tính toàn cầu này, sự đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ và trợ giúp lẫn nhau chính là điều chúng ta cần, còn chính sách làm hại láng giềng và đổ tội sẽ không đưa chúng ta tới đâu cả", Đại sứ Zhang nhấn mạnh.

Cuộc chiến của một thế hệ

Trong những tuần gần đây, các nước thành viên của Hội đồng Bảo an đang đàm phán hai dự thảo nghị quyết. Năm cường quốc có quyền phủ quyết – Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga và Anh – đã thảo luận về một văn bản của Pháp. Còn 10 nước còn lại – được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm, đang thảo luận một dự thảo từ Tunisia.

"Mọi con mắt của thế giới đều đang dồn vào từng người trong chúng ta thuộc Hội đồng này, và chúng ta phải hành động để cứu sống các sinh mạng", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft nói trước hội đồng. "Cách hiệu quả nhất để kiềm chế đại dịch là thông qua thu thập dữ liệu chính xác, mang tính khoa học và phân tích các nguồn gốc, tính chất và sự lây lan của virus".

Cuộc họp hôm thứ 5 được tiến hành dựa trên đề xuất của 9 thành viên không thường trực. Sau cuộc họp, Hội đồng đã phát đi một thông cáo ngắn, trong đó nhất trí thể hiện sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Tổng thư ký Guterres liên quan tới "những tác động tiềm tàng của đại dịch COVID-19 tới các nước đang bị ảnh hưởng bởi xung đột".

"Chúng tôi đã chờ đợi cuộc họp này từ khá lâu", Đại sứ Bỉ tại Liên Hợp Quốc Marc Pecsteen de Buytswerve nói với báo giới. "Đó là một dịp để chứng minh tình đoàn kết trong hội đồng và tôi hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu cho tiến trình hướng về một nghị quyết".

Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an có thể sẽ ủng hộ cho lời kêu gọi của ông Guterres về lệnh ngừng bắn cho các cuộc xung đột trên toàn thế giới, thúc đẩy con đường phân phối viện trợ nhân đạo giúp đương đầu với virus corona mới, đồng thời đề xuất một cách tiếp cận hợp tác toàn cầu để đối phó với đại dịch bùng phát.

Mặc dù vậy, theo ông Richard Gown, Giám đốc Liên Hợp Quốc của tổ chức tư vấn chính sách Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, Hội đồng Bảo an khó có thể làm được gì nhiều trong cuộc chiến với COVID-19 cũng như giải quyết các hệ quả mà dịch bệnh đem lại cho nền kinh tế toàn cầu.

"Những gì mà Hội đồng có thể làm là thể hiện ít nhiều sự đoàn kết quốc tế trước đại dịch", ông Gowan nói. "Sau nhiều tuần tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của virus, một thông cáo đơn giản từ hội đồng về sự cần thiết phải hợp tác sẽ là một tín hiệu mang tính trấn an".

Để thông qua một nghị quyết cần có 9 phiếu thuận và không có phiếu chống. Trong quá khứ, Hội đồng Bảo an cũng từng tham gia giải quyết các vấn đề y tế công, bao gồm việc thông qua các nghị quyết năm 2000 và 2001 về HIV/AIDS và về cuộc khủng hoảng Ebola tại Tây Phi năm 2014 khi tuyên bố dịch bệnh là mối đe dọa tới an ninh và hòa bình quốc tế.

Đề cập tới đại dịch COVID-19 trước hội đồng, Tổng Thư ký Guterres nói: "Đây là cuộc chiến của một thế hệ - và là lẽ sống của chính bản thân Liên Hợp Quốc".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ