• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lão nông đi xin sách mở “thư viện làng” lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng

Văn hoá 05/06/2017 09:30

(Tổ Quốc) - Chứng kiến người dân ở quê có ít điều kiện để đọc sách, gần 3 năm nay, ông Trương Văn Hào (71 tuổi, ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) âm thầm đi xin sách về mở “thư viện làng” miễn phí cho bà con.

Về thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú hỏi thăm về “thư viện làng” của lão nông Trương Văn Hào thì hầu hết người dân nào cũng biết. Đã nhiều năm nay, đây là điểm đến quen thuộc của bà con nông dân và học sinh thôn Hạ Lang.

Sau giờ ra đồng là giờ đọc sách

Cứ tầm 17h chiều mỗi ngày, căn nhà cấp 4 của lão nông Trương Văn Hào lại rộn ràng tiếng nói cười. Đó là của những em học sinh hay bà con trong xóm đến nhà lão nông này tìm sách để đọc. Như một thói quen sinh hoạt, nhiều năm nay, chỉ cần mọi người có nhu cầu thì thư viện nhỏ của ông Hào lại sẵn sàng mở cửa phục vụ miễn phí.

Sau mỗi ngày làm việc, ông Hào lại dành thời gian để sắp xếp lại các đầu sách, kiểm tra sổ ghi chép và dọn bàn ghế đón tiếp các em học sinh đến thư viện của mình.

Kể về ý tưởng hình thành thư viện tại nhà cho người dân cùng quê, ông Hào cho hay mình là một người rất đam mê đọc sách. Chính nhờ nuôi dưỡng đam mê này mà hiện nay tại gia đình ông có một số lượng lớn các đầu sách do ông tự sưu tầm hoặc được bạn bè tặng.

“Tôi thấy người dân, học sinh ở vùng quê thường thiếu sách để đọc, trong khi ở nhà mình lại có khá nhiều các đầu sách hay, bổ ích. Sách để không như vậy thì rất lãng phí nên tôi mới nảy sinh ra ý nghĩ mở một thư viện nhỏ để giúp nhiều người ở quê, nhất là các cháu học sinh có nơi đọc sách...”, ông Hào kể.

Từ ý tưởng đó, thư viện miễn phí của ông Hào đã nhanh chóng ra đời để phục vụ mọi người. Vốn là một người nông dân nên công việc chính của lão nông Trương Văn Hào cũng tất bật với ruộng đồng. Thế nhưng sau mỗi ngày lao động vất vả, hằng ngày ông lại dành thời gian để sắp xếp lại các đầu sách, kiểm tra sổ ghi chép và dọn bàn ghế đón tiếp các em học sinh đến với thư viện của mình.

Để có thêm nhiều đầu sách, ông Hào cũng chủ động đi sưu tầm hay xin về để phục vụ mọi người. Năm 2014, ông còn được một đơn vị ở TP Hồ Chí Minh tài trợ 300 cuốn sách với đủ thể loại. Từ những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn đến những cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi đề được lão nông nâng niu, gìn giữ cẩn thận. Nhờ vậy mà “thư viện làng” của ông cũng ngày càng đầy đặn, phong phú thêm. Tất cả mọi việc đề được ông thực hiện một cách tự nguyện với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến tất cả mọi người.

Nhiều đầu sách hay được lão nông Trương Văn Hào sưu tầm hoặc đi xin về cho thư viện của mình.

Lan tỏa tinh thần đọc sách cho mọi người

Chia sẻ về việc làm của mình, ông Hào vui vẻ cho biết: “Mình không có sách thì mình đi xin về cho mình và mọi người, xin kiến thức của người khác thì không có gì phải xấu hổ. Miễn sao bà con được tiếp cận tri thức, các em học sinh có môi trường đọc và giải trí sau giờ học là vui rồi”.

Lão nông Trương Văn Hào cũng cho hay, nhiều em học sinh ở quê điều kiện gia đình còn khó khăn. Sau giờ học các em thường phải phụ giúp thêm gia đình nên không có thời gian đến thư viện của trường để đọc sách. Việc mở thư viện ngay trong thôn có thể giúp các em tiện hơn trong việc tìm và mượn sách, chủ động được thời gian của mình.

Những ngày đầu mới mở, thư viện của ông Hào chỉ có một vài người biết và tìm đến đọc, chủ yếu là các em học sinh. Thế nhưng dần dần tiếng lành đồn xa, số lượng người tìm đến đông hơn hẳn. Đến nay cứ mỗi buổi chiều lại có khoảng 10 đến 15 em học sinh tìm đến đọc.

Không chỉ có học sinh, nhiều nông dân trong xã cũng tìm đến nhà ông Hào để mượn các cuốn sách hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt về để tìm hiểu.

Hiện nay, “thư viện làng” của lão nông đam mê sách thu hút rất nhiều người đến tìm đọc.

Em Nguyễn Thị Thúy Hạnh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Quảng Phú cho biết: “Ngoài giờ học ở trường, em cùng các bạn thường đến nhà bác Hào vào mỗi buổi chiều để đọc sách. Việc đọc sách giúp em có thêm kiến thức giải các bài tập nâng cao”.

Nhận xét về thư viện sách của ông Hào, thầy giáo Phan Văn Kiên, trường Tiểu học Quảng Phú cho biết: “Mặc dù thư viện của nhà trường có rất nhiều sách, báo nhưng rất đông học sinh vẫn hay tìm đến nhà ông Hào để đọc sách chứng tỏ ở đây có nhiều loại sách hay lôi cuốn các em. Bản thân tôi và nhiều thầy cô giáo khác cũng thường đến thư viện của ông Hào mượn sách đọc nên tôi đánh giá rất cao mô hình này”.

Được biết, từ mô hình thư viện của ông Hào, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thêm hàng chục thư viện tư nhân được thành lập nhằm phục vụ miễn phí giúp nhiều học sinh nghèo và người dân ở quê có môi trường học tập và nghiên cứu,..

Mô hình “thư viện làng” của lão nông Trương Văn Hào đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế khi đã góp phần giúp đỡ nhiều em học sinh học tập và lan tỏa được tinh thần đọc sách, văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thế Trung

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ