• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lịch sử trừng phạt Mỹ - Iran: Đảo ngược tổng lực quân sự

Thế giới 16/11/2017 16:26

(Tổ Quốc) - Lệnh trừng phạt Mỹ đã có nhiều tác động tới Iran, dù vậy không theo cách Washington muốn, theo một chuyên gia chia sẻ với Sputnik Ba Tư.

Nhà phân tích quân sự Seyyed Mostafa Khoshcheshm nói với Sputnik rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Tehran sau cuộc Cách mạng 1979 đã trở thành chất xúc tác cho sự phát triển công nghệ của Iran, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí và hàng không.

Chuyên gia này cho rằng, Washington sẽ không bao giờ thực thi những biện pháp trừng phạt này nếu họ biết tác động thực sự trên.

Có một số máy bay chiến đấu của Mỹ vẫn đang phục vụ trong lực lượng Iran dù các lệnh trừng phạt đã tồn tại nhiều thập niên qua, ông Seyyed Mostafa Khoshcheshm, nhà phân tích và bình luận chính trị của Iran nói với Sputnik Ba Tư.

Chiến đấu cơ Qaher F-313 do Iran thiết kế và sản xuất được giới thiệu vào tháng 2/2013. (Nguồn: AFP)

“Oằn mình” sức ép trừng phạt

"Người Mỹ nghĩ rằng hai năm sau cuộc cách mạng [1979], trong điều kiện chiến tranh với một nước láng giềng [Iraq] – có sự ủng hộ từ 27 quốc gia, Iran và Không quân của họ chắc chắn sẽ không xoay xở được", ông Khoshcheshm nói.

"Nhưng như chúng ta có thể thấy, những tính toán của họ đã sai lầm. Điều đó cũng tương tự như hiện nay:  các mục tiêu mà Hoa Kỳ muốn đạt được bằng cách thay đổi chế độ ở Tehran không thể đạt được bằng các lệnh trừng phạt và sự thiếu vắng các công ty Mỹ tại Iran. "

Có một số lệnh trừng phạt chống Iran của Mỹ vẫn còn hiệu lực, đặc biệt là những lệnh liên quan đến vũ khí và hàng không.

Máy bay của Không lực Cộng hòa Hồi giáo Iran đã lỗi thời, bao gồm F-4, F-5 (do Hoa Kỳ thiết kế năm 1950), F-7 (phiên bản Trung Quốc tương tự máy bay Mig-21 của Liên Xô sản xuất trong những năm 1950 - 60) , F-14, Su-20, Su-24, Su-25 và MiG-29 (máy bay phản lực được thiết kế ở Liên Xô trong những năm 1970). Hơn nữa, nhiều máy bay phản lực của Không quân Iran đều không cất cánh được.

Vấn đề sau đó được đưa ra là cách Iran đối mặt với việc bảo trì vũ khí của mình dưới thời các biện pháp trừng phạt của Mỹ và lí do Washington từ chối sửa chữa các máy bay chính họ sản xuất.

Khoshcheshm giải thích rằng, trong cuộc Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) – theo sau cuộc Cách mạng năm 1979 và việc chấm dứt quan hệ ngoại giao giữa Tehran và Washington dưới thời Tổng thống James Carter, Hoa Kỳ đã có nhiều động thái ngăn Iran có được các trang thiết bị, phụ tùng và công nghệ bảo dưỡng cho máy bay.

"Washington đã mở rộng trừng phạt đối với Tehran và yêu cầu cộng đồng quốc tế phải gây áp lực lên Iran", nhà phân tích quân sự này cho hay.

"Trên toàn thế giới, các phi công Iran được biết đến như là những chuyên gia, tuy nhiên, do thiếu các phụ tùng cho máy bay, Iran gặp phải vấn đề trong khi sử dụng các trang thiết bị hàng không".

Iran đột phá công nghệ quân sự

Tuy nhiên, người Iran đã tìm cách giải quyết vấn đề của mình: nước này đã bắt đầu thiết kế và sản xuất các phụ tùng mà họ cần thông qua kỹ thuật đảo ngược. Theo Khoshcheshm, nhiều phụ tùng cho thiết bị của Mỹ đã được sản xuất tại Iran và lắp đặt trên máy bay do Mỹ chế tạo.

Nhà bình luận chính trị này nhấn mạnh rằng do việc tiếp tục bị trừng phạt, những công nghệ này đã được phát triển hơn. Do đó, "quốc gia này, trước đây không thể sản xuất một viên đạn, đã đạt đến trình độ cao [về công nghệ], để ngay cả Hoa Kỳ hiện nay cũng phải thể hiện quan ngại đối với tên lửa Iran", ông chỉ ra.

Đối với Không quân IRI, Iran hiện đang sản xuất không chỉ các chi tiết để bảo trì máy bay mà còn thiết kế và sản xuất thiết bị của mình: Ví dụ, hiện tại Iran là một trong số ít nước sản xuất radar trên mặt đất và trên không; và nhiều chiếc máy bay của Mỹ sản xuất tại  nước này cũng đã được thay thế.

Các khí tài cho máy bay cũng đã được hiện đại hóa: "Tiến trình này được áp dụng cho bom laser, bom thông minh hạng nặng như "Qased "(một loại bom định hướng thông minh nặng 1000 kg do Iran phát triển)," nhà phân tích quân đội này nhấn mạnh, bổ sung thêm rằng, các loại tên lửa dẫn hướng nhiệt hạch và nhiều vũ khí khác cho máy bay cũng đã được hiện đại hóa một cách cơ bản trong nước.

Khoshcheshm cho rằng các biện pháp trừng phạt đã trở thành chất xúc tác cho sự phát triển công nghệ của Iran.

"Do các biện pháp trừng phạt, Iran đã đạt được những kết quả tuyệt vời về kỹ thuật đảo ngược, đặc biệt là trong ngành công nghiệp quốc phòng", nhà bình luận này nhấn mạnh. "Iran đã trở thành một trong những nước phát triển nhất trong lĩnh vực này."

Ông chỉ ra rằng, trong năm 2011 Iran đã chặn và thành công buộc một chiếc máy bay RQ-170 của Mỹ hạ cánh trên lãnh thổ của nước này.

Ông Khoshcheshm nói: "Hơn hai năm qua, một chiếc máy bay không người lái của Iran đã cải tiến được đưa vào chế tạo, và việc sản xuất dòng UAV này cũng đã được khởi động".

"Mẫu vũ khí của Iran có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và trinh sát, cũng như để đánh chặn các mục tiêu của đối phương, trong khi Mỹ [UAV] chỉ có thể tiến hành trinh sát."

Tuy nhiên, cũng theo nhà bình luận này, việc sản xuất vũ khí chủ yếu được thúc đẩy không phải do những lợi ích kinh tế kèm theo mà bởi sự cần thiết về mặt chiến lược.

Khoshcheshm nhấn mạnh: "Ngay từ khi diễn ra cuộc Cách mạng Hồi giáo, Mỹ đã cố gắng đạt được các mục tiêu của mình bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. "Thực tế, nếu người Mỹ biết ... rằng Iran có thể sản xuất các máy bay mô phỏng và nhiều chiến đấu cơ khác, cũng như đạt đến mức độ phát triển để có thể chế tạo máy bay trực thăng, bao gồm máy bay trực thăng Bell trong khi vẫn bị trừng phạt, họ sẽ không bao giờ áp đặt những hạn chế như vậy đối với Iran".

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ