• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước như lời tổng động viên, hiệu triệu toàn dân chống dịch Covid-19

Thời sự 02/04/2020 09:55

(Tổ Quốc) - Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát đi lời kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch Covid-19. Bằng nhiều hành động khác nhau, mỗi người dân đất Việt đang thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từ những việc làm thiết thực, cụ thể.

Xúc động lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc qua điện thoại, TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội cho hay, là người từng kinh qua những thời điểm đất nước kêu gọi tổng động viên trong thời kỳ chiến tranh, Chủ tịch nước khi đưa ra lời kêu gọi tổng động viên là lời hiệu triệu cao nhất, giờ chúng ta xác định chống dịch Covid 19 cũng giống như chống giặc ngoại xâm nên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi "chống giặc" Covid 19.

"Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi cho tôi tâm trạng như một lời tổng động viên toàn dân già - trẻ, gái - trai, ai ai đều phải "chống giặc", thôi thúc dù là việc người dân hãy ở yên trong nhà. Lời hiệu triệu tổng động viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất ý nghĩa, nó thôi thúc thực sự, chúng tôi đã trải qua thời kỳ tổng động viên qua thời kỳ chiến tranh do vậy tôi rất xúc động"- TS. Nguyễn Viết Chức chia sẻ.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước như lời tổng động viên, hiệu triệu toàn dân chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Minh Khánh

Cũng theo ông Nguyễn Viết Chức, đây là thời điểm có tính chất quyết định thắng hay thua trong cuộc chiến chống dịch Covid 19. Do vậy, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra thời điểm này là hoàn toàn chính xác, các công việc hàng ngày thì Chính phủ và cả hệ thống chính trị đang thực hiện, từng cơ quan, đoàn thể cá nhân đều thực hiện rất tốt.

"Thời điểm này chúng ta phải quyết định là thắng, trong lịch sử chứng minh khi công bố chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 1975 chúng ta đã có chiến thắng lịch sử. Tất nhiên cuộc đấu tranh nào cũng cam go, dịch virus Covid 19 nguy hiểm, phức tạp khó lường. Giai đoạn 1 chúng ta đã thắng lợi, giai đoạn tiếp theo sẽ đồng lòng từ trên xuống dưới, chúng ta niềm tin vào chiến thắng đặc biệt khi có lời kêu gọi thì nhân dân càng tin tưởng vào cuộc chiến này"- TS. Nguyễn Viết Chức phân tích.

Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Viết Chức, TS. Nhà giáo ưu tú Lê Văn Sửu - Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thì nhận định, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp cả ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid- 19 là rất cần thiết.

"Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc chúng ta ai cũng phải nhận thức đúng dịch bệnh Covid-19 là rất nguy hiểm, toàn dân phải chung sức để chống lại dịch bệnh. Tôi cho rằng, lời kêu gọi này thiết thực đối với từng người, từng gia đình và toàn xã hội"- Nhà giáo Lê Văn Sửu nói.

Hưởng ứng bằng những việc thiết thực

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, theo TS. Nguyễn Viết Chức, với người lớn tuổi, tự giữ gìn sức khỏe của bản thân tốt, hay người dân hạn chế đi lại… "Tôi thấy rất nhiều địa phương, thanh niên rất sáng tạo khi nghĩ ra những cách phòng, chống dịch hiệu quả, có cụ già 98 tuổi vẫn miệt mài may khẩu trang giúp đỡ người nghèo, hoặc người dân mỗi người một ít, gửi vào quỹ phòng chống dịch hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam… Sau lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người dân sẽ tham gia tích cực hơn, nghiêm cẩn hơn" – TS. Nguyễn Viết Chức nói.

Cũng theo TS. Nguyễn Viết Chức, trong cuộc chiến chống dịch Covid 19, các y bác sĩ, điều dưỡng viên, bộ đội, công an… đang phải đối mặt trực tiếp với nguy hiểm, chăm sóc người bệnh có thể bị lây nhiễm. Người dân không phải ra tiền tuyến thì hãy làm mọi việc vì tiền tuyến, góp sức bằng tinh thần, vật chất thì sự đồng lòng, chung sức của toàn thể người dân sẽ chiến thắng giặc. Đất nước ta còn khó khăn, nhưng đoàn kết sẽ là sức mạnh vô địch.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước như lời tổng động viên, hiệu triệu toàn dân chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong một giờ thực hành thời kỳ dịch Covid-19 chưa diễn ra.

Nhận xét về cách người dân Việt Nam đang thể hiện sự đoàn kết, TS. Nguyễn Viết Chức nhận định, ngay từ ban đầu, chúng ta đã thể hiện những điều tuyệt vời. Chúng ta đã thể hiện được bản sắc văn hóa người Việt Nam. Bình thường người Việt hiền lành nhưng khi đất nước khó khăn, chúng ta lại rất dũng cảm, hy sinh vì việc chung, triệu người như một kết thành làn sóng có thể nhấn chìm quân xâm lược.

"Từ khi dịch xảy ra, từ thành thị tới nông thôn, không phân biệt gái trai, ai cũng rất sáng tạo. Nhờ tinh thần ấy mà chúng ta đang chống được dịch, không phải bỗng dưng thế giới ca ngợi chúng ta, Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức khác, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam… chứng kiến tận mắt các việc mà Việt Nam đang làm, những khẩu hiệu chỉ có ở Việt Nam đều đánh giá rất cao.

"Tôi rất mong, chúng ta đang làm tốt rồi, thì sau lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chúng ta tiếp tục thể hiện tinh thần, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đẩy lùi Covid"- TS. Nguyễn Viết Chức nói.

Còn theo Hiệu trưởng Lê Văn Sửu, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong tình hình hiện nay, bản thân ông cũng như cán bộ, sinh viên của Đại học Mỹ Thuật đều nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng trong thời gian chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, ngay chiều 31/3, sau khi nhận được Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bố trí, sắp xếp cán bộ làm việc tại nhà qua CNTT, Nhà trường đã có văn bản chỉ đạo, từ ngày 01/4/2020, tất cả các đơn vị, các bộ phận phòng ban phải làm việc tại nhà, tất cả thiết bị phải được kết nối, mọi công việc giảng dạy tại trường đều chuyển về nhà.

Trong thời gian này, Nhà trường cũng sẽ theo dõi, cập nhật, kiểm tra, đảm bảo công tác giảng dạy, học tập vẫn được tiến hành đầy đủ, theo đúng chương trình. Chỉ bộ phận hành chính liên quan đến công tác văn thư và bộ phận kiểm tra khu Ký túc xá là còn người, vì còn 1 sinh viên Mông Cổ vẫn đang ở lại Ký túc xá của trường. Trường cũng sẽ phân công mỗi ngày sẽ có một lãnh đạo trực tại trường, vì thế số lượng người ở trường là rất ít, còn lại đều làm việc tại nhà để đảm bảo công tác phòng dịch cao nhất./.


Song Đào – Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ