• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên?

Thế giới 18/09/2017 20:25

(Tổ Quốc) - Thời điểm bước ngoặt sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân ngày 3/9 và tên lửa đạn đạo ngày 15/9.

Chất lượng hai vụ thử này đều là “hàng thật giá thật”, đã khẳng định sự tiến bộ đáng kể của vũ khí chiến lược của nước này. Đồng thời, nó cho thấy sự bế tắc của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn sự phát triển về khả năng hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên thử tên lửa

Cơn ác mộng hạt nhân Triều Tiên không xuất hiện “chỉ qua một đêm” mà là kết quả từ sự thất bại nghiêm trọng của cơ chế an ninh tập thể sau Chiến tranh Thế giới thứ II, trước hết là do sự do dự của Mỹ qua các đời tổng thống từ vụ thử đầu tiên 2006, rồi mới nói đến chính sách hai mặt của các bên liên quan khác.

Đến nay thì trình độ vũ khí chiến lược của Triều Tiên đã đạt đến ngưỡng có thể tạo ra thách thức “có thật” đối với một số vùng lãnh thổ Mỹ. Washington và nhiều nước khác đều mong muốn giải quyết vấn đề chính trị phiền toái này nhưng giải pháp cho bế tắc mang tên Triều Tiên sẽ phải là chính trị và có thể sẽ cần phải chấp nhận một sự thỏa hiệp khó khăn. 

Cấm vận “nghiêm khắc”…

Đáp lại vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên, ngày 12/9, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua những biện pháp cấm vận hà khắc nhất. Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 9 được HĐBA/LHQ từ năm 2006. Nó diễn ra chỉ một tháng sau khi HĐBA/LHQ thông qua một nghị quyết đáp trả vụ thử tên lửa.

Ba biện pháp bóp nghẹt nguồn thu tài chính của Triều Tiên:

Thứ nhất, nghị quyết đề ra trần nhập khẩu dầu lửa của Triều Tiên từ 8,5 triệu thùng/năm xuống 2 triệu thùng/năm. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Bill Richardson, người đã thăm Triều Tiên năm 2003 và 2013, nhận xét: “Việc thông qua nghị quyết lần này là một việc có còn hơn không, nhưng không cản trở các nỗ lực sản xuất vũ khí chiến lược của Triều Tiên. Triều Tiên đã tỏ ra “nhờn thuốc” cấm vận”.

Thứ hai, cấm xuất khẩu tất cả các hàng dệt may của Triều Tiên (mang lại cho Triều Tiên khoảng 760 triệu USD những năm gần đây).  Riêng Trung Quốc nhập khẩu 147,5 triệu USD sản phẩm dệt may Triều Tiên trong quý II/2017, chiếm 38% nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên. Do đó việc cấm vận hàng dệt may là có ý nghĩa lớn trong các biện pháp lần này. Nó quan trọng như cấm vận xuất khẩu than đá.

Thứ ba, cấm các nước thuê mướn lao động Triều Tiên. Khoảng 100.000 người Triều Tiên lao động ở nước ngoài, mang lại 500 triệu USD/năm. Các lao động đang làm việc ở nước ngoài sẽ làm việc cho đến khi hợp động hiện nay hết hạn.

Ngoài ra, các nước thành viên LHQ cần áp dụng “các biện pháp mới” để chấm dứt xuất nhập khẩu lậu hàng hóa Triều Tiên, bao gồm dệt may, hải sản và than đá.

Triều Tiên đã trả giá đắt cho hành động khiêu khích của mình. Nhưng giới phân tích quốc tế cũng cho rằng, nước này sẵn sàng trả mọi giá để theo đuổi mục tiêu sở hữu vũ khi hạt nhân và tên lửa chiến lược.

… cần ngoại giao quyết đoán hơn

Nghị quyết cấm vận lần này kèm theo nội dung thúc dục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp chính trị.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát một vụ thử tên lửa của Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 17/9 cho hay Mỹ sẽ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước khi cần phải sử dụng tới sức mạnh quân sự. 

Triều Tiên cũng thể hiện họ muốn theo đuổi giải pháp chính trị-ngoại giao với những “điều kiện thích hợp”. Bình Nhưỡng đã nhiều lần phát đi thông điệp về các điều kiện thích hợp mà phía Mỹ cần thực hiện để có đàm phán, như ký một hiệp ước hòa bình để chính thức việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tạo điều kiện để ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tháng 5 năm nay, Choe Son-hui, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói với các phóng viên rằng đối thoại Triều-Mỹ có thể diễn ra nếu “các điều kiện được đáp ứng”. Tháng 6, Kye Chun-yong, Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ, tuyên bố một cách rõ ràng hơn: “Dưới những điều kiện nhất định, chúng tôi sẵn sàng đàm phán những điều kiện về việc ngừng thử hạt nhân và tên lửa”.

Trong khi chờ đợi Mỹ tính toán đường đi nước bước, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Với vũ khí hạt nhân trong tay, trò chơi bên miệng hố chiến tranh có thể tạo sức ép trở lại Mỹ.

Một nhà phân tích người Mỹ nói rằng, đối phó với một cuộc khủng hoảng quốc tế như vấn đề Triều Tiên hiện nay, có thể được ví như hành động đi qua một bãi mìn. Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ giúp việc dường như quyết tâm sẽ đi vào bãi mìn ấy với từng bước nhỏ đồng thời tiếp tục đe dọa sẽ triển khai hành động quân sự. 

Còn cựu Đại sứ Richardson kết luận, “từ những điều tôi biết về Triều Tiên, họ sẽ thử tên lửa bất cứ lúc nào sau đây. Cho nên (biện pháp cấm vận) chỉ là một thắng lợi tạm thời”./.

Người bình luận

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ