• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Miễn học phí với mầm non và THCS: Vui đấy nhưng cũng lại lo đấy

Giáo dục 19/08/2018 16:36

(Tổ Quốc) - Chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS của Chính phủ được đông đảo người dân và dư luận ủng hộ, hưởng ứng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người lo lắng liệu khi triển khai về địa phương có biến tướng ra nhiều các khoản phụ thu khác.

Hình minh họa - Ảnh Nam Nguyễn

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 đã nêu rõ chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Hiện chưa rõ khi nào học sinh được miễn, bởi dự Luật giáo dục sửa đổi (quy định về miễn học phí) đã được Bộ Giáo dục xin lùi thông qua sang kỳ họp Quốc hội thứ 7 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Xung quanh vấn đề này PV Báo Điện tử Tổ Quốc đã ghi nhận một số ý kiến của một số người dân và phụ huynh học sinh.

Chủ trương rất nhân văn

Anh Nguyễn Văn Thắng, một giáo viên tại Bắc Ninh chia sẻ: Cá nhân tôi cho rằng đây là một chủ trương rất hay và thiết thực. Thủ tướng, Chính phủ đưa ra chủ trương này sẽ góp phần cho giáo dục, đặc biệt ở nông thôn và vùng khó khăn phát triển. Số tiền học phí dưới 100 nghìn đồng đối với người dân ở khu vực thành thị không là vấn đề gì lớn, nhưng đối với các vùng nông thôn, khó khăn thì khoản tiền này của cả một năm học lại là vấn đề lớn. Là một người dân nói chung và một giáo viên nói riêng, tôi hoàn toàn ủng hộ và vui mừng khi đón nhận thông tin này. Trước thềm năm học mới, đây là một điều rất đáng ghi nhận. Mong rằng chủ trương đúng đắn này sớm được triển khai trong thực tế để các em học sinh được hưởng lợi.

Đồng quan điểm này, chị Dương Giao Linh (hiện đang công tác tại Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh) cho rằng, chủ trương này của Chính phủ hoàn toàn đúng đắn và nhân văn. Vì như vậy các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ có điều kiện phổ cập hết THCS. Đành rằng số tiền học phí không chiếm quá nhiều nhưng đối với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống của người dân còn thiếu thốn thì chủ trương này rất có ý nghĩa. Nó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, phần nào động viên các gia đình và bản thân các em học sinh cố gắng phấn đấu hơn nữa trong học tập…

Có con gái nhỏ chuẩn bị năm học tới vào bậc mầm non, chị Nguyễn Thanh Tâm (Minh Khai – Hà Nội) cũng cho rằng, “chủ trương này tốt quá, nếu được triển khai sớm thì tốt. Mọi người cứ nói ở thành phố thì không quan tâm hay để ý cái này vì tiền học phí chẳng đáng bao nhiêu, nhưng đâu phải ở thành phố nhà nào cũng có điều kiện. Hơn nữa, theo tôi thì đây là chủ trương chung và dành cho toàn bộ ngành giáo dục, cho cả nước chứ không phân biệt vùng miền nào. Điều này thể hiện sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, của nhà nước đối với nền giáo dục nước nhà. Vì thế chúng ta nên vui mừng và mong chủ trương sớm được triển khai.”.

Lo vì sợ sẽ “đẻ ra” nhiều khoản phụ thu khác

Danh sách những khoản tiền mà một học sinh trường mầm non tư thục tại Hà Nội  phải đóng góp

Cùng với tâm trạng vui mừng đón nhận chủ trương đúng đắn và nhân văn này của Chính phủ, nhưng không ít phụ huy, người dân cũng lo lắng chia sẻ rằng, không biết khi triển khai vào thực tế sẽ ra sao. Các địa phương, các nhà trường có lại “vẽ” ra thêm nhiều khoản phụ thu để “tận thu” nữa hay không?

Về vấn đề này, chị Đặng Thị Huyên (một phụ huynh có con năm nay bước vào lớp 6 tại Bắc Ninh) nói: Chủ trương như thế thì quá tốt. Nhưng chỉ sợ nhà trường lại vẽ thêm ra nhiều khoản phụ thu nữa. Vì thực tế hiện nay khoản học phí không chiếm nhiều trong các khoản phải đóng góp của một học sinh. Mỗi năm học, học sinh phải đóng nhiều khoản phụ thu, trong đó rất nhiều khoản nhà trường không đứng ra thu trực tiếp mà “ủy quyền” cho hội phụ huynh thu, dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng thực chất là “bắt buộc”. “Con nhà người ta đóng, con nhà mình không đóng không được. Đó là chưa kể, chỉ cần chậm đóng góp thôi là đại diện hội phụ huynh học sinh sẽ gọi điện để hỏi thăm ngay”….

Chị Lê Thị Tình (Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang theo học mầm non tư thục cho biết, chủ trương thì tốt, nhưng thực ra học phí thì chẳng đáng bao nhiêu. Miễn hay không cũng không cải thiện mấy. Vì nếu học công lập thì tính ra có mấy chục nghìn một tháng. Thay vì thế giảm các khoản khác như xây dựng... Bây giờ trường công đều quá tải. Con em đi học trường tư nhiều nên miễn hay không thì cũng không giảm được mấy.

Cũng theo chia sẻ của vị phụ huynh này, hàng tháng bé nhà chị phải nộp 3.300.000đ tiền học. Trong đó học phí là 2.000.000đ/tháng.  Đó là chưa tính học thêm ngày thứ 7, rồi gửi thêm giờ vì đón muộn…Học thêm ngày thứ 7 nhà trường sẽ thu thêm 120.000đ/buổi.

Bác Trần Đức Minh (cán bộ nghỉ hưu ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng: Miễn học phí, nhưng tiền xây dựng trường, tiền bàn ghế, tiền quần áo, tiền các kiểu cũng khổ. Nếu đã thế nên cấm tuyệt đối các trường thu các khoản của học sinh. Đặc biệt là việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu các khoản tiền nào là tiền 20/11, tiền sinh nhật thầy cô, tiền 20/10, mồng 8/3…Chủ trương của trên rất đúng và rất ý nghĩa, nhưng khi đến cơ sở thì thường bị bóp méo đi.  Chủ trương này cũng vậy, theo tôi cần phải quán triệt, Bộ Giáo dục cần chỉ đạo và đưa ra bảng danh sách các đầu mục phải đóng góp chung, còn lại cấm phụ thu. Đừng lợi dụng xã hội hóa và đừng biến hội phụ huynh là cánh tay nối dài của nhà trường, khiến dư luận bức xúc…/.

 

Vi Phong

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ