• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở diễn đàn văn hóa: “Ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội“

Văn hoá 11/09/2016 22:54

(Tổ Quốc) - LTS: Một trong những trăn trở của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trong nhiều cuộc họp cũng như chỉ đạo gần đây là nỗi lo vấn đề xuống cấp của đạo đức xã hội.

Trích dẫn từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về việc “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”; Triển khai Nghị quyết 33 của Hội nghị lần thứ 9 BCH TƯ Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, rất nhiều vụ việc đáng tiếc đã không xảy ra nếu vấn đề văn hóa được đẩy mạnh.

Thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ đã thống nhất Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33 năm 2014 của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với mục tiêu đến 2020 ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức và 2030 đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, mục tiêu triển khai Nghị quyết số 33, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; từng bước xây dựng thị trường văn hóa, phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh, tạo lập vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; hoàn thiện hệ thống khung pháp lý; cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đến năm 2030, hoàn thiện và phổ biến các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời tạo dựng những giá trị mới phù hợp để con người Việt Nam có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, kỹ năng hội nhập phù hợp với sự phát triển của đất nước; đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội; phát triển đồng bộ thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa; phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong hội nhập khu vực và thế giới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách...

Nhằm cụ thể hóa và sâu sắc hơn các nội dung này cũng như thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Ban Biên tập báo Điện tử Tổ Quốc đã quyết định thành lập diễn đàn văn hóa: "Ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội" nhằm góp phần kiến giải bài toán này từ góc độ văn hóa.

Từ những điểm sáng về văn hóa và lối sống, đặc biệt, từ những ví dụ thực tế về sự xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay, Ban biên tập mong muốn nhận được những kiến giải và phương thức giải quyết từ các nhà nghiên cứu văn hóa, tâm lý xã hội; các nhà quản lý và bạn đọc.

Ban biên tập báo Điện tử Tổ Quốc sẽ xây dựng các chuyên đề cho chủ đề này và mọi ý kiến đóng góp xin gửi về hòm thư: toasoan@toquoc.gov.vn

Trong tuyến bài đầu tiên này, báo Điện tử Tổ Quốc sẽ cùng các chuyên gia kiến giải vấn đề ý thức người dân tại các tụ điểm vui chơi công cộng mà mới đây nhất là sự thiếu ý thức của khách du lịch khi tới phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội.

“Đẹp và chưa đẹp” bên hồ Gươm

Niềm vui của người dân chưa được bao lâu khi Hà Nội cho phép mở rộng phố đi bộ tại không gian văn hóa Hồ Gươm thì ngay ngày hôm sau, những hình ảnh không đẹp mắt đã tràn đầy tới nỗi báo Điện tử Tổ Quốc phải dùng từ “bức tử”.

Từ một chủ trương đúng đắn…

Mỗi 19h ngày thứ 6 tới 24h ngày chủ nhật hàng tuần, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận mở ra để người dân có thêm một khoảng không gian công cộng tuyệt vời.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm là không gian cảnh quan có giá trị di sản, khu vực “lõi” hay còn gọi bằng cái tên thân thuộc “trái tim” của Thủ đô. Đây cũng là khu vực có lượng dân cư ít, nhiều cơ quan. Do đó, Hà Nội chọn để lập ra một không gian đi bộ trong khu vực trung tâm vào các ngày nghỉ cuối tuần.

Không gian đi bộ xung quanh hồ Gươm có một loạt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các điểm như tượng đài vua Lý Thái Tổ, Nhà bát giác, khu vực tượng đài Cảm Tử, đền Ngọc Sơn, trung tâm văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ, đối diện tượng đài vua Lê Thái Tổ, khu vực đồng hồ Thụy Sỹ, vỉa hè Tràng Tiền Plaza hay một số quầy sách tại Nhà bát giác.

 Một Hồ Gươm yên bình với nhiều trò chơi dân gian

Không gian trước tượng đài Cảm tử được tổ chức trò chơi, đồ chơi dân gian; đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; tượng đài Vua Lê Thái Tổ biểu diễn hát xẩm, chầu văn, quan họ, Đinh Tiên Hoàng- Hàng Bài biểu diễn âm nhạc đương đại... phục vụ khách du lịch và người đi bộ.

Hàng loạt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng cũng được lắp đặt thêm để đảm bảo vệ sinh môi trường quanh Hồ Gươm…

Quyết định này của Hà Nội nhận được sự đồng thuận lớn của người dân, đặc biệt trong bối cảnh không có nhiều không gian công cộng cho người dân và góp phần giảm khí thải tại khu vực “lõi” cần bảo vệ của Thủ đô này.

Dù mới chỉ là đưa vào thực hiện thí điểm từ nay tới cuối năm 2016, nhưng rõ ràng, người dân đã được hòa mình vào không gian cây xanh và hồ Gươm thoáng đãng, nên thơ. Những em bé được cha mẹ đưa tới tha hồ chạy nhảy và ngắm nghía. Nhiều gia đình, bạn trẻ chọn đây là địa điểm để vui chơi dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua.

Tại các khu vực chơi trò chơi dân gian, không chỉ trẻ nhỏ, người lớn mà cả các khách du lịch nước ngoài cũng sẵn sàng xà xuống lòng đường để chơi ô ăn quan, nhảy dây, xem múa lân… hay đơn thuần được nhảy múa theo những giai điệu âm nhạc réo rắt bên hồ.

Không chỉ đạt được “doanh thu” về mặt tinh thần, thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho hay, chỉ riêng khách du lịch đến Hà Nội trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua đã mang về 526 tỷ đồng, tăng tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có sự góp sức lớn lao của việc mở rộng phố đi bộ quanh hồ Gươm.

… tới nỗi buồn lòng muôn thủa của ý thức

Vậy mà, chỉ tới ngày thứ 2 của phố đi bộ, những nỗ lực để mang lại cho người dân, khách du lịch một không gian công cộng tuyệt vời đã bị hàng loạt những hình ảnh xấu xí làm ảnh hưởng.

Thời điểm ban ngày khi lượng người không tập trung quá đông, hồ Gươm vẫn giữ được một nét thanh bình, yên ả.

Nhưng khi đêm về, người dân tập trung về đây lớn, các dịch vụ trở nên quá tải và khi đó, ý thức của du khách hiện lên thật nhếch nhác.

Tại Tháp Bút, dù đã có những hàng rào ở phía chân di tích nhưng mặc kệ, người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là các bậc cha mẹ hồn nhiên cổ vũ, khuyến khích con trẻ trèo lên ngồi chơi hoặc chỉ đơn giản: chụp kiểu ảnh làm kỉ niệm!

Các nam thanh nữ tú cũng không “kém cạnh” phăm phăm trèo lên và ngồi cười tươi chụp ảnh.

Người viết bài đã cảm thấy cực kỳ xấu hổ khi chứng kiến một nhóm các bạn trẻ khách du lịch người nước ngoài chỉ trỏ vào những hành vi không đẹp này.

Hay gần đó, tại tượng đài Cảm tử, nhiều cha mẹ bế con trèo lên những chỗ có thể ngồi được trên đó cũng chỉ để “tạo dáng- chụp ảnh”…

Đối lập với cảnh tượng người dân thi nhau trèo lên Tháp Bút.

Các thùng rác được lắp ngay ngắn bên lề đường nhưng rác lại… không nằm ở đó. Nó nằm vắt vẻo trên chạc ba của cây xanh, trên hàng rào, trên bốt điện, dưới rãnh thoát nước... Người đi bộ ngồi nghỉ chân lẫn với rác thải. Càng tại các điểm bán hàng rong, hay các cửa hàng ăn uống, rác thải càng nhiều ra nơi công cộng.

Tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, các loại chai lọ nhựa, túi nilon, hộp xốp vất tràn lan mặc dù công nhân môi trường dọn dẹp không ngừng nghỉ.

Mặc dù lệnh cấm các phương tiện lưu thông trong các khu vực cấm của Hồ Gươm từ 19h tối thứ 6 tới 24h ngày Chủ nhật, nhưng tới 1-2h đêm, khi khách du lịch không còn hoạt động trên đường phố nhiều thì nhiều người đã thản nhiên chạy xe máy vào rú ga ầm ĩ.

Các điểm trông xe trên phố Cầu Gỗ thì tha hồ chặt chém du khách từ giá vé quy định là 3-5.000 đồng/lượt xe máy lên tới 30-50.000 đồng/lượt.

Những hành vi không đẹp này ở Hồ Gươm không chỉ bây giờ mới hiện hữu. Nó như một căn bệnh ý thức kém lâu năm ở bất kể một sự kiện cộng đồng nào. Và câu chuyện ý thức kém đã thành một “điểm trừ” của một chủ trương vô cùng nhân văn, văn hóa của Hà Nội./.

Bài tiếp theo: Phóng sự ảnh: Khách du lịch “làm xấu” hồ Gươm như thế nào?

Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ