• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một số vấn đề kinh tế thế giới nổi bật hiện nay

Kinh tế 20/08/2019 21:07

(Tổ Quốc)- Kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng chậm lại trong những quý gần đây và dự báo tăng trưởng sẽ xuống còn 3% năm 2019, từ mức 3,75% năm 2018.

Lãi suất trái phiếu và giá các mặt hàng cơ bản đều đã giảm sút. Nhiều Ngân hàng Trung ương đã cắt giảm lãi suất. Theo báo Globe and Mail (Canada), kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tuyên bố cắt giảm lãi suất đồng đô la Mỹ, đã có 23 Ngân hàng trung ương trên toàn thế giới hạ lãi suất, trong đó tại châu Á có Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Hồng Công. Thương mại toàn cầu giảm sút mạnh, đặc biệt tại những nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á. Cuộc chiến thương mại đã làm gián đoạn các mô hình thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và thu nhập của người dân. Đồng thời, chi phí liên quan việc tái phân bổ/điều chuyển các dòng vốn và nhân công đã tác động mạnh hơn dự báo đến các ngành công nghiệp và các nước, tác động dài hạn của vấn đề này tới niềm tin của nhà đầu tư và năng suất sản xuất còn mạnh hơn nữa.

Kinh tế thế giới từ đầu năm 2019 đến nay tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng thấp, tốc độ giảm xuống, nhân tố không ổn định tăng thêm. Các tổ chức kinh tế tài chính thế giới như WB, IMF, OECD liên tiếp hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. IMF hạ từ mức 3,7% xuống 3,3%, là mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tiền tệ tới nay. Thương mại toàn cầu tiếp tục chậm lại, theo báo cáo của WTO, tăng trưởng của thương mại toàn cầu năm 2019 sẽ từ mức 3% hạ xuống 2,6%. Đầu tư quốc tế cũng giảm tương tự. Theo báo cáo đầu tư thế giới của Hội nghị thương mại và đầu tư Liên hợp quốc, năm 2018, đầu tư trực tiếp toàn cầu giảm 13%, liên tiếp 3 năm, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Do tác động của chủ trương bảo hộ mậu dịch của Mỹ, hệ thống thương mại đa phương quốc tế đang bị thách thức. WTO đứng trước nguy cơ bị trì trệ. Từ 2018 tới nay, Nhật Bản chủ đạo Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương, Nhật Bản, EU ký Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế. Mỹ ký với Mexico. EU càng mau chóng đẩy mạnh tiến trình xây dựng mạng lưới mậu dịch tự do, ký Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định bảo hộ đầu tư với Singapore, Việt Nam, các nước Mỹ Latinh.

KT Mỹ

Kinh tế Mỹ có dấu hiệu khó duy trì trì được đà tăng trưởng trong năm 2019 và 2020 - năm tuyển cử Mỹ.

Từ 2018, chính quyền Trump bắt đầu điều chỉnh toàn diện chính sách thương mại với bạn hàng mậu dịch chủ chốt như Trung Quốc, Canada, Mexico, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm làm giảm thâm hụt mậu dịch, thúc đẩy việc làm trở lại Mỹ. Đầu 2019, ngoài ký Hiệp định thương mại với Mexico, Mỹ tiếp tục chính sách thuế quan với các nước khác. Theo báo cáo về hàng rào thương mại, đầu tư của Ủy ban châu Âu ra tháng 6/2019, năm 2018, các nước không phải EU đã có 23 nước thiết lập 35 hàng rào mậu dịch mới, làm cho số lượng các hàng rào mậu dịch trên toàn thế giới tăng thêm 425, liên quan tới 59 quốc gia. Từ tháng 10/2018 tới tháng 5/2019, các nước G-20 đã có 20 biện pháp hạn chế mậu dịch bao gồm thuế quan, lệnh cấm nhập khẩu, các thủ tục hải quan mới, liên quan tới số lượng 335,9 tỉ USD giá trị hàng hóa. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch này đã tác động và phá hoại chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng, làm dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, làm tăng giá thành giao dịch quốc tế, làm rối loại tài nguyên thị trường quốc tế.

WTO là hạt nhân của hệ thống thương mại quốc tế tự do, mở cửa đã bị tác động mạnh. Ba chức năng đàm phán, giám sát và cơ chế giải quyết tranh chấp WTO đều xuất hiện nguy cơ. Trong tình hình trật tự kinh tế, thương mại toàn cầu bị suy yếu, các nước liên tiếp tìm cách thúc đẩy hợp tác thương mại thông qua các Hiệp định khu vực, liên khu vực hoặc song phương. Đầu năm 2019, các Hiệp định khu vực, liên khu vực phát triển. Hiệp định thương mại EU và Nhật Bản có hiệu lực chính thức. Hiệp định bảo hộ mậu dịch, đầu tư Singapore - EU được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. EU với Việt Nam ký Hiệp định bảo hộ mậu dịch, đầu tư. Anh và Hàn Quốc ký Hiệp định mậu dịch tạm thời.

Từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 tới nay, G20 là kênh chủ đạo quốc tế ứng phó với khủng hoảng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, G20 thiếu cơ chế chấp hành có hiệu quả, không thể ứng phó tích cực với sự thay đổi của kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, cũng không thể thúc đẩy xây dựng các qui tắc thương mại quốc tế, cải cách các cơ cấu như WB, IMF, WTO, ứng phó với rủi ro đang tồn tại của hệ thống kinh tế thế giới.

Về dài hạn, sự trỗi dậy của Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác chắc chắn sẽ làm thay đổi thứ hạng các nền kinh tế hàng đầu thế giới, với những hệ quả địa chính trị mà hiện tại vẫn chưa thể đánh giá hết được. Theo một loạt các dự báo, trong thập kỷ tới, Mỹ có thể sẽ tụt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trung Quốc sẽ chiếm vị trí đầu tiên, theo sát phía sau là Ấn Độ. GDP của châu Á có thể sẽ chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu vào năm 2030, so với 28% năm 2018 và 20% năm 2010./.

(Theo các báo thế giới)

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ