• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ, NATO "sốt vó" hải cảng do Trung Quốc nắm quyền

Thế giới 03/06/2019 11:43

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia đang chia rẽ về những rủi ro an ninh khi các tàu chiến bị thu thập thông tin tình báo bằng các kỹ thuật điện tử, hình ảnh và cả con người.

Trong khi các chuyên gia an ninh hàng hải và hải cảng đang bị chia rẽ về việc liệu thực tế này có gây ra rủi ro về gián điệp đối với lực lượng hải quân Mỹ và NATO hay không, thì các chính phủ và chính quyền ở các cảng có liên quan tỏ ra không thoải mái với việc bị nghi ngại - và không muốn đối phó với vấn đề này.

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa các đồng minh của NATO ở châu Âu bằng các biện pháp trừng phạt nếu họ mua công nghệ không dây 5G từ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang hợp tác hợp pháp với các cơ quan tình báo của đất nước họ và có thể do thám tài sản của đồng minh. Theo lý do này, các công ty cảng của Trung Quốc có khả năng giám sát các tàu chiến Mỹ đang đậu tại các hải cảng ở châu Âu.

Mỹ, NATO sốt vó hải cảng do Trung Quốc nắm quyền - Ảnh 1.

Hoạt động tại cảng Piraeus - nơi Cosco Trung Quốc nắm giữ nhiều cổ phần. (Nguồn: Asia Times/ AFP)

Trong khi Washington cho đến nay đã kiềm chế không công khai khiển trách các đồng minh châu Âu, thì họ đã nêu ra vấn đề về các hoạt động của Trung Quốc tại cảng Haifa của Israel. Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) sẽ quản lý cơ sở này trong 25 năm kể từ năm 2021. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết vào tháng 3 rằng nước ông có thể giảm chia sẻ thông tin tình báo với đồng minh lịch sử ở Trung Đông nếu không xem xét lại việc hợp tác cơ sở hạ tầng với Trung Quốc.

Eyal Pinko, một chuyên gia tình báo và an ninh mạng hàng hải của Đại học Israel Bar-Ilan, tin rằng các hoạt động của Trung Quốc tại Djibouti, Hy Lạp, Ý và các quốc gia đồng minh hoặc gần gũi khác có thể gây rủi ro về an ninh cho Hải quân Hoa Kỳ.

Pinko nói với Asia Times rằng các nhà khai thác cảng Trung Quốc có thể theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của tàu chiến Mỹ và NATO, thu thập thông tin về hoạt động bảo trì của họ và có quyền truy cập vào các hệ thống và thiết bị nhạy cảm thông qua việc chặn tín hiệu điện từ, thu thập thông tin tình báo bằng cách sử dụng cảm biến điện tử, trực quan và trí tuệ con người.

Mỹ "cường điệu" mối đe dọa

Hiện tại, tàu Mỹ đang tiếp tục dừng tại cảng của các nước đồng minh mà Trung Quốc có mặt.

Vào giữa tháng 4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mitscher đã cập cảng Piraeus của Hy Lạp, nơi đa số cổ phần sở hữu thuộc về tập đoàn vận chuyển hải cảng Cosco Trung Quốc. Chính quyền cảng Piraeus, do Trung Quốc quản lý, cho biết ngoài USS Mitscher, hai tàu hải quân khác từ các nước Nato ở châu Âu đã cập cảng này vào tháng Tư.

Đồng thời, tàu sân bay USS John C. Stennis mới đây đã thực hiện chuyến thăm cảng tới Marseille. Công ty China Merchants Port Holdings (CMPort) nắm giữ 25% cổ phần tại cảng Eurofos của Pháp.

Một phó đô đốc Pháp đã về hưu, người đã phát biểu với điều kiện giấu tên, lưu ý rằng EuroFos chỉ cách khu vực – nơi quân đội thường sử dụng ở cảng Marseille vài dặm. Nhưng ông nhấn mạnh rằng CMPort, không có bất kỳ tiếng nói nào hoặc bất kỳ đóng góp nào cho việc quản lý, kiểm soát và bảo mật của cảng.

Một số người ở Israel nói rằng chính phủ Hoa Kỳ cường điều quá mức mối đe dọa như vậy, vì người Trung Quốc thực sự không cần phải mua hoặc đầu tư vào các cảng của Israel để do thám các tàu hải quân Mỹ.

Phó đô đốc người Pháp đã nghỉ hưu cũng có cùng quan điểm. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc cần sự hiện diện của các công ty của mình ở đâu đó để có được một số thông tin về một con tàu quân sự [Mỹ] ngay khi họ đến thăm một địa điểm như Marseille, ông nói.

Chưa sẵn sàng để giải quyết vấn đề

Chính quyền cảng Rotterdam từ chối bình luận về việc họ có chia sẻ mối lo ngại của chính phủ Hoa Kỳ về các hoạt động của Trung Quốc tại các cơ sở cảng thuộc các nước đồng minh hay không và tác động tiềm tàng của chúng đối với an ninh của tàu chiến Mỹ và NATO.

Cosco có 35% cổ phần tại cảng Euromax Terminal của Hà Lan. Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết họ không thể nói cụ thể về cảng Rotterdam, nhưng chỉ ra rằng các cơ quan tình báo của Trung Quốc đang tích cực cố gắng thu thập thông tin quân sự ở nước này.

Về phần mình, Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông Ý cho biết các cảng thương mại ở Ý không có các giao thức bảo mật đặc biệt để đối phó với các hoạt động tình báo tiềm tàng của Trung Quốc.

Cosco và công ty Phát triển quốc tế Cảng Thanh Đảo đã cùng nhau góp 49,9% vào Nhà ga Vado Ligure, một phần của cảng Genève và sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 12 này.

Phát biểu với Asia Times, Cảng vụ Genève cho biết, gián điệp Trung Quốc không phải là vấn đề vì tàu chiến của Mỹ và NATO không sử dụng cảng thương mại của Ý.

Nhưng Bộ Tư lệnh Hàng hải Đồng minh ở Northwood, Anh, lại nói khác. Trong số các chuyến thăm cảng của Nato đến Ý năm ngoái, khoảng một phần tư là đến các cảng dân sự, một phát ngôn viên của Nato lưu ý. Liên minh đôi khi sử dụng các cảng dân sự, mặc dù hầu hết phụ thuộc vào các cơ sở quân sự.

Người châu Âu không cho thấy ý định nhượng bộ trước áp lực của Hoa Kỳ trong việc hủy bỏ các thỏa thuận cơ sở hạ tầng với Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, cụm từ của Trung Quốc nhằm cải thiện kết nối trên khắp Âu Á và hơn thế nữa, vì không chắc là Israel sẽ hủy bỏ hợp đồng Cảng Haifa với SIPG.

Và hoàn toàn ngược lại, các nhà khai thác cảng châu Âu sẵn sàng mở rộng hợp tác với các đối tác Trung Quốc, như đã được chứng minh bằng thỏa thuận Trung Quốc-Hà Lan gần đây để phát triển một tuyến vận tải đa phương thức nối giữa tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc và Bờ Đông Hoa Kỳ qua cảng Rotterdam.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ