• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ, Nga phản ứng nhanh về khủng hoảng ngoại giao Qatar

Thế giới 07/06/2017 09:12

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái mới nhất về cuộc khủng hoảng ngoại giao tại thế giới Ả Rập vào ngày 6/6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái mới nhất về cuộc khủng hoảng ngoại giao tại thế giới Ả Rập vào ngày 6/6, khi hoan nghênh những hành động của các quốc gia Trung Đông đối với Qatar với các cáo buộc nhằm vào lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Ông Trump đã viết trên Twitter rằng chuyến đi gần đây của ông tới Trung Đông đã "thu được kết quả". "Thật tốt để nhận thấy chuyến thăm Saudi Arabia và 50 quốc gia đã thu được kết quả. Họ nói rằng họ sẽ có một lập trường cứng với việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và tất cả sự ám chỉ đều hướng về Qatar. Có lẽ đây sẽ là khởi đầu của việc kết thúc sự lo sợ từ khủng bố! ".

Tổng thống Trump cùng Bộ trưởng Quốc phòng Saudi trong một cuộc gặp tại Riyadh. (Nguồn: Reuters)

Qatar kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc.

"Thông điệp của ông (Trump) là chúng ta cần đoàn kết khu vực để chống lại hệ tư tưởng cực đoan và việc tài trợ cho khủng bố. Điều quan trọng là vùng Vịnh phải đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong khu vực", một quan chức cao cấp của Nhà Trắng nói với Reuters.

Ông Trump sau đó đã nói chuyện qua điện thoại với Vua Salman của Saudi và nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết vùng Vịnh, quan chức cấp cao trên nói.

Và trong khi ông Trump hoan nghênh động thái từ các nước Ả Rập, Lầu Năm Góc ngày 6/6 vẫn nhấn mạnh vai trò của Qatar khi là nơi có căn cứ Mỹ tại khu vực.

Khoảng 8.000 nhân viên quân sự Mỹ đang đóng tại Al Udeid ở Qatar - căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và là điểm khởi đầu các cuộc không kích do liên minh của Mỹ dẫn đầu nhằm vào IS.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã điện đàm với người đồng nhiệm Qatar của ông, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết, tuy nhiên không tiết lộ chi tiết về cuộc thảo luận của họ.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng Mỹ đang liên lạc với tất cả các bên ở Trung Đông để "giải quyết các vấn đề và khôi phục quan hệ hợp tác" trong vụ căng thẳng với Qatar.

"Hoa Kỳ vẫn muốn thấy vấn đề này được giảm căng thẳng và giải quyết ngay lập tức trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc mà Tổng thống đã đề ra nhằm chấm dứt việc tài trợ cho khủng bố và chủ nghĩa cực đoan."

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin nói với nhật báo Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani của Qatar trong một cuộc điện thoại rằng tình hình khủng hoảng phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao "thông qua đối thoại", điện Kremlin cho biết.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nói với kênh truyền hình Al Jazeera rằng nước này sẽ không đáp trả và hy vọng Kuwait sẽ giúp giải quyết tranh chấp.

"Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống và nói chuyện," ông nói với CNN sau đó, và nói rằng đất nước ông "đang bảo vệ thế giới khỏi những kẻ khủng bố tiềm tàng".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng lên tiếng rằng, việc cô lập Qatar, bao gồm cả việc sử dụng các lệnh trừng phạt, sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề gì.

Chiến dịch cô lập Qatar đã làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hóa, từ dầu thô đến kim loại và thực phẩm cũng như làm tăng thêm mối lo ngại về một cú sốc có thể xảy ra đối với thị trường khí tự nhiên toàn cầu khi Qatar là một nhà cung cấp chính.

Jordan cũng đã gia tăng sức ép lên Qatar, hạ thấp quan hệ ngoại giao và thu hồi giấy phép của đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Doha. Vào cuối ngày thứ ba, Mauritania của Tây Phi, một thành viên của Liên đoàn Ả Rập, cũng đã cắt đứt mối quan hệ với Qatar với những cáo buộc "hỗ trợ cho khủng bố".

Ngoại trưởng Saudi Arabia đã nói hôm thứ ba rằng Qatar cần phải thực hiện một vài bước đi, bao gồm chấm dứt hỗ trợ cho nhóm chiến binh Hamas và Huynh đệ Hồi giáo, để có thể khôi phục mối quan hệ với các quốc gia Ả Rập khác.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ