• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nam tiến: “loay hoay” ván bài cuối của Mỹ tại Syria?

Thế giới 03/09/2017 20:08

(Tổ Quốc) - Các chỉ huy quân đội Mỹ nhận định, phần thưởng chiến lược thực sự tại Syria hiện tại, chính là nam tiến.  

Trong khi liên minh do Mỹ dẫn đầu đang đẩy nhanh chiến dịch nhằm tiêu diệt những đồn cứ cuối cùng của IS tại Syria, chính quyền Tổng thống Trump lại phải đối mặt với một quyết định lớn cho tương lai: Nước Mỹ có muốn để lại Syria một phần lực lượng, góp phần ổn định tình hình quốc gia Trung Đông sau khi lực lượng khủng bố thất bại hoàn toàn; hoặc quân đội Mỹ sẽ đơn giản chỉ “thu dọn” và trở về nhà.

Tờ Washington Post nhận định, vấn đề nan giải trên có phần giống với những gì Tổng thống Barack Obama đã phải trải qua tại Iraq vào năm 2011. Ngay cả các nguy cơ và lợi ích tiềm tàng cũng có phần tương tự. Tổng thống Trump, giống như người tiền nhiệm, đã từng thể hiện sự hồ nghi về các cuộc tham chiến lâu dài của Mỹ tại Trung Đông. Nhưng ông Trump cũng hiểu rằng, việc rút quân đội Mỹ khỏi các căn cứ phía đông sông Euphrate, sẽ tạo ra một lỗ hổng, dẫn tới những cuộc xung đột sắc tộc, các cuộc chiến tranh giành lợi ích, và có thể là cả sự trỗi dậy của làn sóng khủng bố.

Các quan chức dân sự và quân sự liên quan đến hoạch định chính sách của Mỹ tại Syria tin rằng, nước Mỹ nên duy trì một sự hiện diện nhất định, có lẽ dưới 1.000 binh lính thuộc Lực lượng đặc biệt – đủ để có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động huấn luyện và cố vấn; cũng như kiềm chế lực lượng quân đội người Kurd tại Syria. Đây cũng chính là cánh tay phải của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, tuy nhiên, liên minh này đã vấp phải sự tranh cãi cả trong và ngoài Syria. 

Bản đồ chính trị của Syria giờ đây giống như một chiếc chăn lớn chắp vá nhiều mảnh, với những khu vực khác nhau nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm đối thủ và lực lượng tài trợ khác nhau. Chính phủ Syria, dưới sự hậu thuẫn của Nga và Iran nắm trong tay phần trung tâm rộng lớn của đất nước. Các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ “chống lưng” kiểm soát một dải lãnh thổ dọc theo biên giới phía bắc; và một hiệp định “giảm xung đột” giữa Jordan và Nga đang duy trì hòa bình tại vùng tây nam.

Gần như không có nhà phân tích nào tin rằng Tổng thống Bashar al-Assad có thể thống nhất được Syria. Vì vậy, trong một tương lai có thể nhìn thấy được, đất nước này sẽ bị chia cắt thành những khu vực đặt dưới những sự ảnh hưởng khác nhau – nhằm đợi chờ một quá trình quá độ chính trị có thể tái thiết tính hợp pháp và chính quyền của một chính phủ trung ương mới tại Damascus.

Mảnh ghép của Mỹ trong tấm xếp hình này là khu vực phía đông Euphrates. Lực lượng quân đội người Kurd YPG, dưới sự cố vấn của các lực lượng Mỹ và hỗ trợ của không lực Hoa Kỳ đã kiểm soát khu vực này trong vòng 3 năm qua. Trong vòng 6 tuần tới, liên minh này có lẽ sẽ giành lại được Raqqa từ IS. Trong quá trình phát triển, người Kurd đã kêu gọi liên minh Arab Sunni gia nhập và tạo thành một liên minh rộng hơn, hay còn gọi là Lực lượng dân chủ Syria (SDF).

Binh lính Mỹ trên chiến trường Raqqa

Sự ra đời của SDF đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Trong khi các lực lượng phản đối e sợ rằng, người Kurd muốn thành lập một quốc gia độc lập, nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhìn nhận họ là khủng bố. Tuy nhiên, những thành công trên chiến trường đã đem lại cho người Kurd một vị thế chính trị của riêng mình. Giờ đây, các nhóm đối lập người Sunni dường như bằng lòng sát cánh với liên minh do người Kurd dẫn đầu, dưới sự chỉ huy của Mỹ.

Xu thế mới trên được Riyad Hijab, người đứng đầu liên minh đối lập Syria (còn được gọi là Ủy ban thương lượng cấp cao) – chỉ ra. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông này cho biết, những người ủng hộ mình muốn “tiêu diệt IS và các nhóm khủng bố khác cùng với SDF”,  chừng nào họ chiến đấu “riêng rẽ trên các mặt trận khác nhau.”

Hijab cũng tuyên bố, có đến 5.000 binh lính của các lực lượng đối lập sẵn sàng tham gia cùng Mỹ và SDF trong cuộc chiến giải phóng Deir al-Zour, một thị trấn lớn trong thung lũng Euphrates ở phía đông nam Raqqa. Rõ ràng, họ thà chọn liên minh với người Kurd, chứ nhất quyết không đứng chung chiến tuyến với Chính quyền ông Assad.

Một mặt tỏ ra hài lòng, mặt khác, Mỹ cho biết, việc mở rộng lực lượng chưa sẵn sàng, và Deir al-Zour gần như chắc chắn sẽ được lấy lại bởi 10.000 quân lính Syria hiện đã có mặt tại thị trấn này, cùng với các lực lượng chính phủ đang di chuyển ở phía đông dưới sự hỗ trợ của Nga và Iran. Một số quan chức Mỹ tỏ ra lo ngại trước sự hiện diện của Iran, tuy nhiên, họ thừa nhận, việc chính phủ Syria kiểm soát Deir al-Zour là không thể tránh được.

Các tư lệnh chỉ huy Mỹ nhận định, phần thưởng chiến lược thực sự là chính là nam tiến. Ngay khi giành được Raqqa, SDF hy vọng sẽ hướng về hạ lưu thung lũng Euphrates, phía nam của Deir al-Zour. Mỹ tin rằng, các lực lượng Iraq phía bên kia biên giới sẽ giúp kiềm chế sức mạnh của Iran trong khu vực.

Tiếp theo sẽ là gì? Điều này sẽ phụ thuộc một phần vào việc các cố vấn quân sự Mỹ có ở lại đông Syria hay không. Nếu câu trả lời là có, theo các quan chức Mỹ, họ có thể ngăn được tham vọng “lập nước” của người Kurd, chặn sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ và khuyến khích các nhóm đối lập người Sunni thương lượng với tất cả các bên. Việc Mỹ hiện diện trong tương lai “sẽ là cần thiết”, Hijab khẳng định.

(Theo The Washington Post)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ