• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Narendra Modi “tổng lực” giành lá phiếu của cử tri Ấn Độ

Thế giới 18/04/2019 09:04

(Tổ Quốc)- Nếu Narendra Modi thắng cử nhiệm kỳ 5 năm tới, Ấn Độ có thể bứt phát thành nền kinh tế lớn thứ ba, thậm chí thứ hai thế giới vào năm 2030.

Cuộc bầu cử của nền dân chủ lớn nhất thế giới tại Ấn Độ đã bước vào đợt thứ hai, ngày 18/4, trong một cuộc đua marathon qua 7 đợt bỏ phiếu, kéo dài 6 tuần, để bầu ra 543 hạ nghị sĩ, đang diễn ra trong sự cạnh tranh quyết liệt, phức tạp, chưa rõ thắng bại. Mặc dù một số cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Modi có thể dẫn đầu trong cuộc bầu cử lần này, tuy không thắng vang dội như cuộc bầu cử năm 2014, khi liên minh của ông Modi giành được 282/543 ghế.

Một số kỷ lục đã được thiết lập. Cuộc bầu cử toàn quốc lần này có 900 triệu cử tri tham gia, trong đó có 45 triệu cử tri mới tham gia bỏ phiếu lần đầu. Bỏ phiếu bắt đầu ngày 11/4 tại 20 bang trong số 29 bang, dự định kết thúc vào ngày 19/5. 1 triệu thùng phiếu đã được thiết lập khắp cả nước. Trong số 2,62 tỷ rupee phân bổ cho Uy ban bầu cử quốc gia, một phần được chi phí cho các chú voi vận chuyển các máy bỏ phiếu tới những vùng núi non và sông ngòi hiểm trở ở phía tây bắc nước này.

Chi phí cho việc tổ chức đạt con số chưa từng có 7 tỷ USD, tương đương 500 tỷ rupee. Đó là con số khổng lồ đối với một quốc gia thu nhập của tầng lớp nghèo là 6.000 rupee mỗi tháng. Ngay cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 cũng chỉ chạm mốc 6,5 tỷ USD.

"Chiến tranh du kích" của liên minh Modi

Ấn Độ là một tiểu lục địa, địa hình phức tạp. Giải quyết phương tiện hậu cần cho vận động bầu cử là một ác mộng. Máy bay là một phương tiện vận động bầu cử thiết yếu nhất. Amit Shah, người phụ trách Ủy ban vận động bầu cử của đảng cầm quyền Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), trong một ngày đã hành trình 4.500 dặm để hiện diện tại 3 điểm bầu cử. Hầu hết các chuyên cơ tư nhân và trực thăng của Ấn Độ đã được đảng này đặt thuê 3 tháng trước. Còn lại rất ít cơ hội cho các đảng đổi lập, kể cả Đảng Quốc đại, hiện nay do Rahul Gandhi – "thái tử" của gia đình Ganhdi – lãnh đạo. Mark Martin, người sáng lập của Công ty tư vấn Martin, nhận xét: "Tất cả giống như một kiểu chiến tranh du kích. Một đảng đặt thuê trước cả hạm đội phi cơ tư nhân, làm cho đảng khác không còn khả năng thực hiện cơ động đường không".

Narendra Modi “tổng lực” giành lá phiếu của cử tri Ấn Độ - Ảnh 1.

Các thành viên một điểm bầu cử ở bang Assam bắt đầu ngày bầu cử đầu tiên ở Ấn Độ.

Nhiều tiền là một lợi thế lớn nhất của BJP của Thủ tướng Modi, người được giới nhà giàu và Ấn kiểu ủng hộ tài chính. Một phi cơ chi phí 5.700 USD/giờ, còn trực thăng sành điệu thì giá lên tới 7.200 USD/giờ. Luật bầu cử đòi hỏi các đảng công bố chi phí vận động bầu cử; Đảng Quốc đại tố cáo BJP "không minh bạch", nhưng cho đến lúc này chi phí cho cuộc bầu cử năm 2014 vẫn chưa được "minh bạch".

Trang mạng Twitter của Narendra Modi có 60 triệu người truy cập, cao thứ ba thế giới, chỉ sau Barack Obama và Donald Trump. BJP cho biết, Narendra giành được sự ủng hộ của 250.000 người mỗi ngày.

Đảng Quốc đại lôi kéo đồng minh ngăn chặn Modi

Ở một quốc gia mà sắc tộc và tôn giáo đa dạng như Ấn Độ, khó đảng chính trị nào có ảnh hưởng tầm quốc gia. Thủ tướng Modi được thế giới biết nhiều, nhưng nhiều người Ấn Độ vẫn chưa biết Modi. Theo báo Guardian (Anh), đối với người Tamil, Marathis hay Begalis, thì Tamil, Marathis và Begalis chiếm vị trí thứ nhất rồi mới đến Ấn Độ thứ hai. Cho nên vai trò của khoảng 100 đảng địa phương rất quan trọng.

Cuộc bầu cử lần này trở thành cuộc trưng cầu dân ý về Thủ tướng Narendra Modi. Vài tuần trước bầu cử, tình trạng thiếu hụt việc làm và giá nông sản thấp phủ bóng đen lên cơ hội tái cử của ông Modi. Tuy nhiên, ông Modi được đánh giá cao là người quyết đoán, đặc biệt nhờ xử lý mạnh tay sau đụng độ giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ với Pakistan tại Pulwama thuộc khu vực Kashmir hồi tháng 3 vừa rồi, thổi bùng tinh thần yêu nước tại quốc gia này. Tuy nhiên, tác động của sự kiện Pulwama cũng không mạnh mẽ ở các khu vực cách xa vùng biên giới tranh chấp.

Bên cạnh đó, nạn phân biệt chủng tộc cũng gây bất bình trong cộng động Hồi giáo khi Narendra Modi có tiếng là người cứng rắn thuộc đạo Hindu, rất được lòng cử tri theo đạo Hindu thuộc "Vành đai bò", nơi người Hindu thờ phụng bò. Ghulam Mohammad, một cử tri Hồi giáo, nói với phóng viên Guardian: "Tôi đã bỏ phiếu, vì an ninh và nhân phẩm của chúng tôi. Có quá nhiều áp bức đối với người Hồi giáo. Narendra Modi nói về dân chủ và nhân đạo. Nhưng bò được đối xử tốt hơn nhiều so với người (Hồi giáo)".

Đảng Quốc đại lần này lấy chính sách xã hội làm trọng tâm vận động bầu cử và lôi kéo các đảng địa phương để chống liên minh Modi. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều đảng lại dựa vào chính sự suy yếu của Đảng Quốc đại. Theo Guardian, nhiều cử tri phê phán Quốc đại thiếu các chương trình cụ thể. Trong khi, dù nhiều hứa hẹn của liên minh Modi trong cuộc bầu cử năm 2014 chưa thực hiện thành công, nhưng họ cũng đưa ra nhiều khẩu hiệu hành động khá cụ thể sát thực, như chương trình "Cứu và Giáo dục các bé gái" nhằm chống tỷ lệ tử vong cao ở các bé gái.

Kết quả cuộc bầu cử lần này rất quan trọng đối với tương lai Ấn Độ. Đảng đối lập chính Quốc đại thiếu lãnh tụ. Trong khi Modi có các chương trình chú trọng phát triển doanh nghiệp, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nếu thắng cử nhiệm kỳ 5 năm nữa, ông có thể tạo nền tảng đưa Ấn Độ phát triển thành nền kinh tế lớn thứ ba, thậm chí thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, và vượt Mỹ, vào năm 2030 như một số dự báo chiến lược quốc tế./.


Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ