• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NATO 70 năm (Bài 1): Cân não loạt sóng gió Mỹ

Thế giới 03/04/2019 06:27

(Tổ Quốc) - Tờ Thời báo Tài chính (FT) đưa ra những nhận định về liên minh NATO 70 qua và những thăng trầm giữa bối cảnh thế giới phức tạp.

Khi NATO tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm tại thượng đỉnh năm 1999 tại Washington, Tổng thống Bill Clinton đã tìm cách đảm bảo với các đồng minh của Mỹ rằng việc kết thúc chiến tranh lạnh sẽ không làm giảm cam kết với khu vực.

Nhưng lễ kỉ niệm 70 năm của NATO tại Washington trong tuần này có thể sẽ là một phép thử công khai về những căng thẳng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức.

Đối với một số chính trị gia châu Âu, những tuyên bố của Tổng thống Trump đối với châu lục già có thể là sự phản ánh về một cam kết ngày càng giảm bớt của Washington đối với liên minh.

Quan hệ xuyên Đại Tây Dương?

"Lễ kỷ niệm 70 năm nên là một lý do để ăn mừng và nhắc nhở mọi người về những thành công lịch sử vĩ đại của Nato, nhưng không ai làm điều đó", theo ông Heinrich Brauss, cựu trợ lý tổng thư ký liên minh và hiện là trợ lý cao cấp tại Hội đồng Đức về quan hệ đối ngoại. Mọi người đều quan tâm đến hình thái hiện tại của Nato, về tương lai và về mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương đang thay đổi - và đúng như vậy".

NATO 70 năm (Bài 1): Cân não loạt sóng gió Mỹ  - Ảnh 1.

Từ bên trái: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg tại thượng đỉnh NATO tháng 7 năm ngoái. (Nguồn: FT)

Câu hỏi lớn đối với các quốc gia châu Âu thống trị NATO về số lượng – chứ không về mặt quân sự - là liệu sự xa cách xuyên Đại Tây Dương có đảo ngược sau khi ông Trump rời nhiệm sở hay không, hay thậm chí còn mở rộng hơn nữa. Tổng thống Trump đã chỉ trích các đồng minh về chi tiêu quân sự và các dự án quốc phòng của Liên minh châu Âu. Ông cũng đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí nguyên tử với Nga và hiệp ước hạt nhân với Iran, hành động mà nhiều người châu Âu coi là có tác động trực tiếp đến an ninh.

Một số tiếng nói ở châu Âu đã xem cách tiếp cận trên của ông Trump như một phần của sự thay đổi lâu dài về cách Washington nhìn ra thế giới. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nhận thấy mối bận tâm ngày càng tăng với Trung Quốc và cạnh tranh quyền lực các nước lớn - và cho rằng châu Âu nên đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn.

Nỗi lo lắng của châu Âu về quan hệ với Mỹ đã tăng lên kể từ khi ông Trump nhậm chức. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thừa nhận năm ngoái rằng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang chịu áp lực mạnh mẽ. Trong chuyến thăm Washington tháng trước, Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, cho biết người châu Âu lo ngại cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ họ đang dao động và cảnh báo rằng, các cường quốc khác, bao gồm cả Trung Quốc đang cố gắng phân tách ảnh hưởng tại lục địa này.

"Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang thay đổi: đó là một quá trình chuyển đổi bắt đầu trước thời Tổng thống Trump, và sẽ tiếp tục sau đó", theo Sophia Besch, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Cải cách Châu Âu. "Cách tiếp cận của ông ấy - rằng Hoa Kỳ không thu được gì từ liên minh là điều quan trọng đối với ông ấy. Nhưng việc điều chỉnh sự quan tâm sang châu Á và sự miễn cưỡng tham gia về quân sự đến từ những trải nghiệm từ các cuộc chiến tranh lâu dài – điều đã định hình suy nghĩ của thế hệ lãnh đạo Mỹ tiếp theo.

Tín hiệu tại lễ kỉ niệm 70

Một dấu hiệu phần nào cho thấy sự chia cách giữa Washington và châu Âu kể từ khi ông Trump nhậm chức là các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên NATO sẽ không có mặt tại lễ kỷ niệm lần thứ 70 - không giống như kỷ niệm 60 năm tại Pháp và Đức có Tổng thống Barack Obama tham dự năm 2009. Người đứng đầu quốc gia và chính phủ các nước thành viên sẽ không gặp nhau cho đến một sự kiện tháng 12 ở London. Một số nhà ngoại giao đã nhìn vào đó với sự lo lắng sau khi ông Trump chỉ trích các nước châu Âu về chi tiêu quân sự của họ tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng 7 năm ngoái.

Người tham gia chủ trì của phía Mỹ sẽ là Ngoại trưởng Pompeo dù cái bóng của ông chủ Nhà Trắng dường như vẫn sẽ bao trùm.

Toàn bộ điều này thực sự kỳ lạ, Thomas Wright, giám đốc Trung tâm về Hoa Kỳ và Châu Âu tại Viện Brookings cho biết. Tổng thống Hoa Kỳ không tham dự vì họ sợ ông và họ đang cố gắng hành động như mọi thứ là bình thường, nhưng thực tế không phải vậy.

"Con voi trong phòng - hay ngoài phòng - là ông Trump. Mọi người sẽ theo dõi điện thoại của họ để xem có dòng tweet nào hay không".

Nato và Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của khối- người sẽ gặp ông Trump vào thứ ba, đã trở nên quen với việc xoay sở trước nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, đã hoan nghênh Tổng thống Mỹ vì đã giúp thúc đẩy các thành viên liên minh hướng tới mục tiêu chi tiêu tương đương 2% GDP cho quân đội của họ.

Trong một khoảnh khắc hiếm hoi về sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ, Quốc hội đã ủng hộ NATO, sau khi có thông tin rằng ông Trump nói với các trợ lý và quan chức rằng ông muốn rút khỏi liên minh. Vào tháng 1, Hạ viện đã thông qua dự luật với 357 phiếu bầu ủng hộ, so với 22 phiếu chống, nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với NATO và ngăn chặn việc sử dụng các quỹ liên bang để rời khỏi khối. Jim Risch, thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban đối ngoại thượng viện, nói rằng không có mong muốn nào trong Quốc hội về việc rời NATO.

Tuy nhiên, đối với nhiều chính trị gia và quan sát viên ở châu Âu, động thái của Quốc hội đối với NATO không thể che giấu một quan điểm an ninh sâu sắc hơn. Bruno Tertrais, một chuyên gia hàng đầu của nhóm tham vấn Nghiên cứu chiến lược tại Paris, nói rằng, điều "gây phiền toái" là, kể từ khi ông Trump đến, cả hai bên trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bắt đầu đặt câu hỏi về những giả định cũ rằng họ có chung giá trị và lợi ích hay không.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ