• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga vũ trang hạt nhân toàn diện “phủ đầu” NATO

Thế giới 19/06/2018 17:11

(Tổ Quốc) - Đang có những tiết lộ mới về sức mạnh hạt nhân của Điện Kremlin trong bối cảnh quan hệ Nga – NATO đang chìm trong băng giá.

Quân đội Nga vừa công bố một đoạn video về một trong những vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất của họ, giới thiệu một vũ khí hạt nhân sát thương hiện đang được triển khai dọc theo biên giới đầy căng thẳng với các lực lượng của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.

Giải mã hạt nhân Nga sát sườn NATO

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy đã công bố một đoạn phim dài 50 giây về một hệ thống tên lửa tầm ngắn di động Iskander 9K720 được phóng từ một nơi nào đó tại Quân khu Viễn Đông của nước này. Tên lửa này, được sử dụng trên khắp châu Á và châu Âu, là một trong những nền tảng quan trọng của hệ thống vũ lực Nga tại Kaliningrad - một vùng lãnh thổ Baltic có vũ trang nằm giữa các thành viên NATO Ba Lan và Lithuania.

Tên lửa 9K720 Iskander được phóng tại vùng Viễn Đông Nga.

Trong khi đó, theo một báo cáo đưa ra ngày 18/6 bởi Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã mở rộng một cơ sở lưu trữ hạt nhân tại Kaliningrad.

FAS cho biết, những hình ảnh họ thu được cho thấy một hầm hạt nhân tại Kaliningrad đã được đào sâu thêm và phủ một mái bê tông mới trong vài tháng qua.

“Có một vành đai hạng nặng bên ngoài hàng rào nhiều lớp. Bản thân căn hầm cũng có ba lớp hàng rào bao quanh. Đây là những đặc tính tiêu biểu tại tất cả các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân khác mà chúng tôi biết ở Nga, ”Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại FAS, nói với The Guardian.

Kristensen giải thích rằng FAS đã theo dõi cơ sở trên trong một khoảng thời gian. Mặc dù địa điểm trên, hoạt động nhằm giảm sự phổ biển của vũ khí hạt nhân, thì những thay đổi trên, theo Kristensen là rất "mạnh mẽ".

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một trong những hầm hạt nhân được đào sâu và đã được cải tạo," ông Kristensen nói.

Newsweek đã liên lạc với Đại sứ quán Liên bang Nga đề nghị bình luận về thông tin trên, nhưng yêu cầu của Newsweek chưa được đáp ứng ngay.

Ông Kristensen cũng nói với The Guardian rằng, những hình ảnh trên không chứng minh được Nga đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Ông nói rằng, có thể là người Nga có kế hoạch di chuyển vũ khí đến địa điểm này hoặc muốn cơ sở này sẵn sàng với nhiệm vụ mới trong thời gian ngắn.

NATO không dễ đối phó Nga?

Sự dịch chuyển các hệ thống tên lửa Iskander và các tài sản quân sự khác của Nga tới Kaliningrad đã và đang nhận được nhiều sự chú ý hơn trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang xấu đi và cả hai bên đều tìm cách tăng cường năng lực chiến đấu của họ.

Quan hệ Nga-NATO đã rơi xuống điểm khủng hoảng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. NATO đã cáo buộc Nga thúc đẩy xung đột ở Ukraine và Syria, can thiệp vào nhiều cuộc bầu cử nước ngoài và các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế khác, bao gồm cả việc thực hiện vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhằm vào cựu điệp viên Nga tại Anh Sergei Skripal vào tháng 3 vừa qua.

Nga bác bỏ mọi cáo buộc, lập luận rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây đang viện những cái cớ trên để NATO tiến hành bao vây và cơ bản vô hiệu hóa vũ trang Nga. Là một phần trong sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Âu, quân đội Mỹ đã triển khai một lá chắn tên lửa tiên tiến ở đây – điều NATO cho là nhằm bảo vệ các quốc gia thành viên khỏi các quốc gia đối thủ như Iran. Còn Moscow coi hệ thống vũ khí này là mối đe dọa đối với năng lực quân sự ngày càng tăng của mình.

NATO cũng đang tìm cách tổ chức lại cấu trúc chỉ huy từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh của mình. Theo một số thông tin, cơ cấu hoạt động của NATO hiện không theo kịp chiến dịch hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố, liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ tăng cường đội ngũ nhân viên của mình lên 1.200 nhân viên và mở hai căn cứ mới tại Norfolk, Virginia và Ulm, Đức.

Trong khi đó, một thỏa thuận gần đây giữa các đối thủ Nam Âu là Hy Lạp và Macedonia (chính thức được gọi tên tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác là FYROM) cũng có thể mở đường cho việc NATO có thêm một thành viên mới.

Trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào ngày 17/6, Macedonia đã đồng ý đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia để giải quyết tranh chấp kéo dài với Hy Lạp về tên gọi Macedonia- lâu nay đã ngăn cản họ gia nhập NATO và EU.

Một báo cáo công bố ngày 18/6 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Thụy Sĩ cho thấy, vào tháng 1/2018, Mỹ dẫn đầu về số lượng các đầu đạn hạt nhân được triển khai, trong khi Nga đứng đầu danh sách về số lượng tổng thể các vũ khí hạt nhân.

Trong khi NATO tăng cường sức mạnh của mình thì ông Putin cũng đã có những bước tiến riêng về quân sự. Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố sự ra mắt của một số loại vũ khí mới, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat có sức mạnh hạt nhân (được NATO gọi là "Satan 2"); một tên lửa hành trình hạt nhân có tên là Burevestnik; và một àu ngầm mang ngư lôi hạt nhân Poseidon. Trong bài phát biểu liên bang ngày 1/3, ông Putin nói rằng những vũ khí này và các thiết bị khác của Nga sẽ là bất khả chiến bại trước các hệ thống phòng thủ hàng đầu thế giới.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ