• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sĩ nghĩ gì trước khi bước vào “Đền thiêng” Nhà hát Lớn?

Văn hoá 27/07/2016 23:54

(Tổ Quốc) -Bước vào điểm biểu diễn “đẳng cấp” nhất, những người nghệ sĩ đều cố gắng biểu diễn sao cho thăng hoa nhất, đem đến cho khán giả tác phẩm chất lượng nhất, xứng đáng với sân khấu Nhà hát Lớn.

Cuối tháng 8 này, các nhà hát của Bộ VHTTDL sẽ đưa chương trình nghệ thuật vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Đây là bước khởi đầu nhằm hướng tới xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của Bộ VHTTDL. Các nghệ sĩ đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và tin tưởng, nhờ đó, nền nghệ thuật nước nhà sẽ thực sự có sinh khí hơn.

NSƯT Xuân Bắc (Nhà hát Kịch Việt Nam): Đó là một sự khích lệ với nghệ sĩ biểu diễn

Trước hết, phải khẳng định, việc các nhà hát sẽ được biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn là sự quan tâm cụ thể nhất, sát sao nhất cho việc phát triển sân khấu nói chung, để các nghệ sĩ được biểu diễn ở nơi mà ai cũng mong muốn được biểu diễn.

NSƯT Xuân Bắc

Nhà hát Lớn không chỉ là nhà hát, đó còn là di tích lịch sử. Bản thân tôi mong sân khấu Nhà hát Lớn ngày nào cũng đỏ đèn, để đó sẽ là địa chỉ đầu tiên mà khán giả nghĩ đến khi muốn thưởng thức nghệ thuật. Thậm chí là các tỉnh cũng được đến diễn ở Nhà hát Lớn.

Vấn đề là tìm vở diễn xứng tầm với sân khấu Nhà hát Lớn. Khi những vở diễn ở sân khấu đó thì mới chuyển tải được hết ý nghĩa, nội dung, thông điệp. Như với Nhà hát Kịch Việt Nam, phải là những vở đồ sộ như Hamlet, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Biệt đội báo đen… hay với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là vở Lá đỏ… và các nhà hát khác, tôi không kể được hết tên. Đây là chủ trương cực kỳ đúng đắn và dài hơi của Bộ VHTTDL. Với các nhà hát, trách nhiệm là dàn dựng tác phẩm sao cho tốt nhất.

Chủ trương này là một sự khích lệ với nghệ sĩ biểu diễn. Nhà hát Lớn phải là địa chỉ văn hóa, tôn vinh nghệ thuật biểu diễn.

NSƯT Công Lý (Nhà hát Kịch Hà Nội): Động lực để các nghệ sĩ sáng tạo

Nhà hát Lớn TP Hà Nội là điểm biểu diễn đạt tiêu chuẩn quốc tế để biểu diễn bất kể một loại hình nghệ thuật nào. Ca nhạc, nhạc thính phòng, kịch… . Thiết kế đặc biệt ở đó khiến cho âm thanh cực tốt. Thậm chí không cần micro, người diễn viên có thể ở trên sân khấu, nói, hát mà ở bất kể hàng ghế nào cũng nghe được. Đó là thiết kế rất đặc biệt!

NSƯT Công Lý

Tuy nhiên, từ trước đến giờ, các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống không có điều kiện để vào biểu diễn ở đó. Có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân giá thuê đắt. Giờ có chủ trương để các đơn vị nghệ thuật được vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn, với người nghệ sĩ như chúng tôi thì quá mừng.

Như vậy, các chương trình nghệ thuật, các vở diễn có thể đạt được hiệu quả tối ưu. Tác phẩm sẽ bộc lộ được hết ưu điểm mà khi biểu diễn ở những nơi khác không đạt. Chưa kể, đương nhiên là với một địa điểm quá đẹp ở trung tâm như Nhà hát Lớn, sẽ dễ thu hút khán giả.

Có những nghệ sĩ cả đời chưa được diễn ở Nhà hát Lớn, thậm chí là nghệ sĩ danh tiếng. Giờ đây, các nghệ sĩ trẻ cũng có thể được vào đây biểu diễn. Và hơn nữa, không chỉ là điểm biểu diễn, qua chủ trương này, thể hiện sự quan tâm của Bộ VHTTDL đến việc hỗ trợ bảo tồn, sáng tạo nghệ thuật, điều đó sẽ là động lực để các nghệ sĩ sáng tạo.

Cùng một chương trình, tôi biểu diễn phục vụ ở ngoài trời, ở một địa điểm nào đó đương nhiên không thể bằng ở Nhà hát Lớn. Vào một môi trường trang nghiêm, sang trọng như Nhà hát Lớn, không khí đó đã khiến người nghệ sĩ tự ý thức để mình cẩn thận hơn, chau chuốt hơn, thăng hoa hơn.

Nghệ sĩ Piano Vũ Ngọc Linh- Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam: mỗi lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn là một cảm xúc đặc biệt

Bản thân tôi từng biểu diễn ở nhiều nước trong đó, có những nhà hát nổi tiếng của các quốc gia, cũng nhiều lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn nhưng mỗi lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội lại có một cảm xúc đặc biệt.

Nghệ sỹ Piano Vũ Ngọc Linh

Trước đây, nghệ sĩ Việt Nam để được biểu diễn ở Nhà hát Lớn là việc không hề đơn giản. Tất nhiên, nó phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhà hát Lớn là nhà hát đẳng cấp nhất của Việt Nam, nơi tổ chức những sự kiện quốc gia, quốc tế. Còn với các chương trình nghệ thuật, phải đạt một trình độ nào đó, hoặc phải bán được vé thì mới dám vào Nhà hát Lớn. Vì việc thuê không rẻ. Nên nếu có điều kiện để các khó khăn đó bớt đi, các nhà hát được đưa chương trình vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn thì với nền âm nhạc nói riêng và với nghệ thuật nói chung là điều rất đáng mừng.

Đây là cơ hội cho khán giả và nghệ sĩ đến gần với nhau hơn và nghệ sĩ có cơ hội để đem sản phẩm ưng ý nhất của mình đến khán giả dễ dàng hơn. Khán giả cũng theo dõi sự kiện đó hồ hởi hơn.

Bản thân tôi đã biểu diễn ở nhiều nơi, các nhà hát trong và ngoài nước, nhưng biểu diễn ở Nhà hát Lớn vẫn là thấy sự khác. Khi diễn ở Nhà hát Lớn, luôn rất xúc động, rất hồi hộp. Dù là chơi solo, hay chơi có sự hỗ trợ của cả dàn nhạc, ở sân khấu Nhà hát Lớn, giữa hàng trăm con người, như có một ngọn lửa đang cháy trong con người.

Mỗi khi ngồi lên đàn đã là sức ép rồi, trong cái tôi của nghệ sĩ đã có sức ép rất lớn. Vì mỗi biểu diễn, khán giả trông đợi, chỉ tập trung vào nghe mình diễn thôi. Nên áp lực rất lớn. Áp lực nhiều yếu tố, với nghệ sĩ biểu diễn nhạc giao hưởng, chỉ 1 phút lơ là sẽ làm hỏng toàn bộ chương trình, làm hỏng cả một ê kíp hàng trăm con người. Vì vậy, môi trường biểu diễn vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ, sức ép thì người nghệ sĩ biểu diễn lúc nào cũng có. Và áp lực với nghệ sĩ biểu diễn ở Nhà hát Lớn thì càng lớn hơn nhiều. Biểu diễn ở Nhà hát Lớn cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải chỉnh chu hơn, nghiêm trang hơn, nỗ lực hơn trong sáng tạo, trong biểu diễn. Vì Nhà hát Lớn là ngôi đền thiêng của nghệ thuật./.

 

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ