• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngoại trưởng Mỹ trở lại Trung Quốc: Những lựa chọn không thể chấp nhận

Thế giới 30/09/2017 23:12

(Tổ Quốc) - Ông Rex Tillerson sẽ đạt được kết quả gì sau những cuộc tiếp xúc với giới chức hàng đầu Bắc Kinh?  

Trong khuôn khổ chuyến công du tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có các cuộc gặp mặt với các quan chức hàng đầu Bắc Kinh, bao gồm Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và cả Chủ tịch Tập Cận Bình…vào ngày hôm nay (30/9).  Washington hy vọng, việc gia tăng sức ép lên kinh tế Triều Tiên có thể sẽ khiến quốc gia châu Á phải có những nhượng bộ trong chương trình hạt nhân và tên lửa của mình

Ông Tillerson sẽ gặp lại người đồng cấp Vương Nghị vào hôm nay (30/9)

Mỹ hiện coi Trung Quốc là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn một cuộc đối đấu quân sự với Triều Tiên, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng đang có những bước tiến quan trọng trên con đường theo đuổi mục tiêu sản xuất thành công loại tên lửa đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công tới tận Washington.

Mỹ đánh giá, Bắc Kinh ngày càng sẵn lòng cắt bỏ các quan hệ kinh tế với Triều Tiên - thể hiện ở việc đồng ý với lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters bình luận, để có thể đạt được bất kỳ giải pháp ngoại giao nào, Ngoại trưởng Tillerson cần phải giải quyết những thách thức cơ bản của Mỹ đối với Triều Tiên và Trung Quốc.

Đầu tiên là việc làm sao để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhận thấy vũ khí hạt nhân là một gánh nặng, chứ không phải là sức mạnh. Cộng đồng tình báo Mỹ không tin rằng, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

“Những gì ông Tillerson đang làm không theo cách nhìn thống nhất của các cơ quan tình báo chúng tôi - đó là không có sức ép nào đủ mạnh để khiến họ [Triều Tiên] dừng lại,” Thượng nghị sỹ Bob Corker phát biểu trước Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (29/6). Theo ông, chính quyền Kim Jong-un coi tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân là “tấm vé sống còn”.

Thử thách lớn thứ hai dành cho ông Tillerson đó là làm sao để Trung Quốc áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế “mạnh tay” hơn lên Triều Tiên  - khiến chính quyền Kim không thể không lo lắng cho tương lai của đất nước, nếu họ không có bất kỳ thay đổi nào.

Một số quan chức giấu tên Mỹ tin rằng, ưu tiên của Trung Quốc là ổn định bán đảo Triều Tiên, bởi vì một sự sụp đổ chính trị gần như chắc chắn sẽ dẫn đến làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào các tỉnh phía đông bắc Trung Quốc.

Hôm thứ Năm (29/9), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết, các công ty Triều Tiên, công ty liên doanh Trung – Triều tại Trung Quốc và nước ngoài sẽ bị đóng cửa vào tháng Một năm sau, đúng với tinh thần nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, theo tờ China Daily, cần thời gian trước khi lệnh trừng phạt mới thực sự có tác dụng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã kêu gọi Trung Quốc thể hiện nhiều hơn nữa trong vấn đề Triều Tiên; đồng thời hứa sẽ có những biện pháp để tái cân bằng mối quan hệ thương mại giữa hai nước – từng bị Washington nhìn nhận là gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ chưa nói rõ, liệu có bất kỳ tuyên bố lớn nào sẽ được đưa ra trong chuyến công du của ông Tillerson hay không, nhưng tờ China Daily bình luận, sự kiện này cần phải chứa đựng nhiều hơn là “một màn trình diễn mang tính thiện chí” trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump vào tháng Mười một tới đây.

“Cả khách và chủ nhà phải thẳng thắn ít nhất ở một điểm – mỗi bên có thể mong đợi gì ở nhau để đảm bảo rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên không trở nên tồi tệ hơn và vượt ra ngoài tầm kiểm soát,” China Daily viết.

Những lựa chọn không thể chấp nhận được

Trong khi đó, Thượng Nghị sỹ John McCain lại bày tỏ sự nghi ngờ vào những gì ông Tillerson có thể đạt được ở Trung Quốc. “Trung Quốc chưa từng làm gì trong ba đời Tổng thống gần đây nhất. Tôi không chắc họ sẽ làm gì trong lần này,” ông McCain phát biểu trong một hội nghị an ninh tại Washinton do Viện nghiên cứu Chiến tranh tổ chức.

Ông McCain cũng cảnh báo rằng, một nước Mỹ không muốn tồn tại đất nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, nhưng cũng không hy vọng bắt đầu một cuộc chiến tranh với nó - sẽ phải đối mặt với “những sự lựa chọn không thể chấp nhận được”.

Mỹ sẽ phải đối mặt với "những lựa chọn không thể chấp nhận được" trong vấn đề Triều Tiên?

Giới chức Mỹ từ chối thảo luận cụ thể, nhưng lại thừa nhận, hiện chưa có một kế hoạch nào về một đòn tấn công phủ đầu có thể đảm bảo ngăn chặn sự phản kháng ác liệt của Triều Tiên.  

Trong quá khứ, Ngoại trưởng Mỹ từng bày tỏ mong muốn được đối thoại với Triều Tiên. Các nhà ngoại giao Mỹ cũng trấn an Bình Nhưỡng rằng, Washington không muốn lật đổ chính quyền Kim Jong-un, ngay cả khi ông này và Tổng thống Trump liên tục “trao đổi” những lời đe doạ chiến tranh với nhau.

“Chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi hay sụp đổ chính quyền,” Trợ lý thư ký Bộ Ngoại giao Susan Thornton nói trước Thượng viện Mỹ hôm 28/9.

Phát biểu của Thornton nhận được sự chào đón từ Bắc Kinh. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết, nước Mỹ đã phát đi nhiều “tín hiệu tích cực” cho thấy vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ các cuộc thương lượng với Bình Nhưỡng sẽ diễn ra khi nào và như thế nào.

Theo ông McMaster, không có một danh sách các điều kiện tiên quyết dẫn đến quá trình đàm phán; tuy nhiên, năng lực của Triều Tiên hiện đã tiến bộ quá xa để có thể đơn giản là “đóng băng” chương trình hạt nhân đổi lấy các lợi ích khác.

(Theo Reuters)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ