• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân tuyệt đối không chạy vào thang máy khi có cháy

Thời sự 12/11/2016 11:50

(Tổ Quốc) -Chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc, ông Vũ Công Hòa, Phó Trưởng phòng Công tác chữa cháy, Cục PCCC và CNCH, Bộ Công an cho hay, với nhà chung cư, khi gặp sự cố cháy nổ, người dân phải giữ bình tĩnh.

Tại các khu chung cư thường có phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, người dân phải sử dụng ngay đồng thời gọi báo cáo cứu hộ, cứu nạn.

Ở các chung cư đều có cầu thang thoát nạn, tránh được khói, khi cháy người dân chạy vào cửa sẽ đóng. Thang này phải được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngoài ra, khi có cháy, người dân có thể dùng các thiết bị có thể như đèn pin (tắt, bật) để báo hiệu cấp cứu. Tuyệt đối không chạy vào thang máy.

Thượng tá Phan Mạnh Hà, Trưởng phòng Công tác cứu nạn cứu hộ, Cục PCCC và CNCH cho biết thêm, việc tìm cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng là phản ứng tự nhiên, bản năng của mỗi con người.

Tuy nhiên để có thể đạt được hiệu quả thì mỗi người cần trang bị những kỹ năng xử trí cơ bản như: Sử dụng khăn ướt để che mũi, miệng trong những khu vực bị nhiễm khói nhất và nhất là phải bằng mọi cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm để ra nơi an toàn, tuyệt đối không nên chui vào các phòng, khu vực kín nhằm tránh nạn vì như vậy khả năng sống sót sẽ giảm đi và nguy cơ tử vong rất cao.

Theo Thượng tá Hà, khi xảy ra cháy hoặc các sự cố, tai nạn thì đối với các công trình, nhà ở nhiều tầng… tình trạng diễn biến hết sức phức tạp, đối với cháy thì nhiệt độ gia tăng dẫn đến bức xạ nhiệt lên bề mặt cấu kiện công trình và tốc độ cháy lan sẽ tăng theo thời gian.

Khi đạt tới nhiệt độ đủ lớn còn tạo ra các đám cháy nhảy cóc hoặc cháy lan lên trên và xuống dưới, lúc này việc tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn và nạn nhân sẽ khó trụ vững sau 3-5 phút trong môi trường có khói, khí độc (phát sinh do cháy các sản phẩm độc hại như: nhựa, xốp, keo dán…)

Đối với sự cố sập đổ công trình, việc thoát nạn cần phải rất nhanh và quan trọng nhất là phải nhanh chóng thoát ra ngoài bằng mọi cách, không nên có tâm lý chui vào các khu vực, phòng khác vì như vậy sẽ rất nguy hiểm do công trình vẫn còn nguy cơ sập tiếp hoặc có những biến dạng, sập đổ từ công trình lân cận.

Ngoài ra, qua nghiên cứu, phân tích nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân trong các vụ cháy, sự cố, tai nạn  cho thấy thời gian ban đầu là rất quan trọng và quyết định của con người đang trong tình trạng nguy hiểm là phải dũng cảm khẩn trương thoát ra bên ngoài, hạn chế tối đa việc ẩn nấp bên trong công trình (bên trong các phòng kín, nhà vệ sinh…chưa bị cháy hoặc chưa bị đe dọa sập đổ…).

“Việc 2 người đã dũng cảm dùng chăn che mũi, miệng để chạy ra ngoài mà không chui vào phòng kín có 13 người trú ẩn tại quán karaoke Hà Nội mới đây đã chứng minh điều đó” – Thượng tá Hà chia sẻ./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ