• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dì nuôi cháu trai mắc bệnh Down hơn 30 năm ở TP.HCM: "Quậy thương dì Tư..."

Thời sự 04/01/2024 10:27

(Tổ Quốc) - Nghe thấy tiếng cháu trai la hét ngoài sân, bà Xuân bỏ tô cơm chưa kịp ăn, chạy lại. Dù đã 32 tuổi nhưng anh Quậy chẳng khác nào trẻ lên ba, chỉ biết ăn rồi chơi, quanh quẩn trước nhà, mọi sinh hoạt đều do bà Xuân chăm sóc.

Xúc động người phụ nữ không có gia đình, 31 năm thay cha mẹ ruột, nuôi cháu trai mắc hội chứng Down

Đứa cháu được ông trời gửi lại

Nhiều năm nay, người dân ở chung cư Mười Mẫu (phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức) không còn xa lạ với hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi, hàng ngày lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho đứa cháu trai bệnh tật. Dù đã 65 tuổi nhưng cuộc sống của bà Nguyễn Thị Xuân (thường gọi dì Tư) chưa một ngày nhàn hạ khi phải lo lắng cho anh Phan Minh Anh (32 tuổi, gọi là Quậy) mắc hội chứng Down bẩm sinh.

Ngồi trước cửa nhà, anh Quậy ngô nghê gọi: "Tư ơi, đói bụng rồi". Cách đó vài bước chân, dì Tư nhìn đứa cháu trai, cười nghẹn: "Nhìn nó vậy thôi chứ cũng giỏi lắm, có ai vào nhà cũng biết gọi dì, tự ăn uống được hết rồi đó".

Xúc động người phụ nữ không có gia đình, 31 năm thay cha mẹ ruột, nuôi cháu trai mắc hội chứng Down - Ảnh 2.

31 năm qua, cuộc sống của dì Tư bỗng trở nên bận rộn hơn khi có sự xuất hiện của Quậy. Từ lúc lọt lòng mẹ, anh Quậy không may mắn như những đứa trẻ khác khi mang trong mình hội chứng Down bẩm sinh, được 1 tuổi, anh Quậy được cha mẹ gửi nhờ dì Tư chăm sóc.

Thấy người chị ruột vất vả, một mình phải buôn gánh bán bưng, lại lo cho mấy đứa con khác trong nhà, dì Tư thương tình nhận nuôi Quậy. Thoắt một cái đã 31 năm, dì Tư vừa làm cha, làm mẹ để chăm sóc cho anh Quậy, và anh cũng trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống của dì Tư.

"Có lẽ dì không có duyên nợ để lập gia đình, rồi từ lúc có thằng Quậy, dì nuôi nó từ 1 tuổi đến nay. Giờ kêu nó về mẹ nó cũng không chịu về, lúc trước chị dì làm ăn được cũng có phụ cấp để dì lo cho nó, giờ khó khăn quá nên thôi. Có nhiều người nói sao không gửi Quậy vô chùa đi, mà dì nuôi nó 31 năm rồi, sao mà để nó đi được…", dì Tư nghẹn lời.

Mặc dù mang trong mình nhiều khiếm khuyết nhưng 31 năm lớn lên trong vòng tay chăm bẵm của dì Tư, anh Quậy cảm nhận được tất cả tình thương mà người dì dành cho mình. Trừ những lúc tái phát bệnh, không kiểm soát được hành vi, la hét, anh Quậy chẳng khác gì một đứa trẻ lên ba, ngoan ngoãn nghe lời dì Tư.

"Nó tự ăn được, dù nó không biết gì, nhưng cũng có lúc nó thể hiện tình cảm của nó dành cho mình, dì thấy ấm áp lắm", dì Tư nhìn đứa cháu trai, trìu mến.

Xúc động người phụ nữ không có gia đình, 31 năm thay cha mẹ ruột, nuôi cháu trai mắc hội chứng Down - Ảnh 4.

- Anh Quậy ở với ai?

- Dì Tư.

- Anh Quậy có thương dì Tư không?

- Quậy thương dì Tư, Tư nấu cơm cho ăn, Tư làm hết. Quậy ăn ngủ thôi chứ không biết làm.

Vừa nói, anh Quậy vừa cười ngô nghê, nhìn qua phía dì Tư, mặt rạng lên vẻ hạnh phúc.

Dì chỉ sợ một ngày mất đi, nó lại bơ vơ…

Ngoài số tiền hơn 700 ngàn trợ cấp xã hội của anh Quậy, để có được cơm ngày 3 bữa, trước kia dì Tư đi làm mướn cho người ta, mấy năm nay sức khỏe xuống dần, dì chỉ có thể quanh quẩn gần nhà, ai kêu gì làm nấy, vì thế cuộc sống cũng chật vật hơn.

Xúc động người phụ nữ không có gia đình, 31 năm thay cha mẹ ruột, nuôi cháu trai mắc hội chứng Down - Ảnh 5.

"Lúc trước dì còn khỏe đi làm được, mấy đứa em trai cũng có việc để làm, giờ cả nhà sống dựa vào sự hỗ trợ từ đứa cháu, cũng khó khăn lắm con.

Dì chỉ sợ một ngày mình mất trước, không ai lo cho nó nhưng biết sao giờ, thôi kệ, tới đâu hay tới đó. Mấy nay nó cũng đau ốm suốt, còn bị khớp nữa, hôm trước dì phải mượn xe lăn đẩy nó vô bệnh viện để khám, giờ nó đi đâu có vững đâu", dì Tư tâm sự.

Theo dì Tư, ngoài những lúc quậy phá, anh Quậy là một đứa trẻ biết nghe lời. Dù không có gia đình, một tổ ấm trọn vẹn nhưng với dì Tư, 31 năm được chung sống với anh Quậy, dì cũng đỡ buồn tủi.

"Nó bệnh tật mà, mình phải thương nó nhiều hơn chứ sao bỏ nó được. Biết tính nó hay giận, dì đâu dám làm hung với nó, phải nhỏ nhẹ ổng mới nghe, ba mấy tuổi rồi cũng giống một đứa trẻ con thôi", dì Tư nhìn anh Quậy, cười nói.

- Giờ Quậy đi về mẹ nha.

- Không, Quậy ở đây, ở với Tư thôi…

Mỗi lần nghe cháu nói chuyện, dì Tư rớm nước mắt. Đối với mọi người, nuôi con nuôi cháu đều mong một ngày con cháu trưởng thành sẽ trở thành chỗ dựa, còn với dì Tư, dì chỉ mong anh Quậy được mạnh khỏe, chỉ cần nhìn thấy anh Quậy được đủ vui vẻ, cười nói mỗi ngày là dì Tư hạnh phúc.

Trong căn nhà nhỏ, tiếng nói cười vu vơ của anh Quậy xen lẫn tiếng thở dài của dì Tư. Không biết những ngày sắp tới, cuộc sống của 2 dì cháu sẽ ra sao khi gánh nặng cơm áo gạo tiền, thuốc men bệnh tật của anh Quậy vẫn đè nặng lên đôi vai già yếu của dì Tư.

"Dì chỉ mong có đủ điều kiện để lo cho nó lúc ốm đau, bệnh tật, chứ dì chẳng còn mong cầu gì nữa", dì Tư tâm sự.

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.

Cổng đề cử của. WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 18/12/2023. Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong. WeChoice Awards 2023, qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.

Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho. WeChoice Awards 2023.

Thời gian gửi đề cử: ngày 18/12/2023 - 23:59 ngày 08/01/2024.

Người dì nuôi cháu trai mắc bệnh Down hơn 30 năm ở TP.HCM: "Quậy thương dì Tư..." - Ảnh 9.

 

Văn Tiên - Clip: Di Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ