• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguy cơ khủng hoảng tình báo Triều Tiên, Hàn Quốc "bế tắc" trước sức ép Mỹ

Thế giới 26/06/2019 16:55

(Tổ Quốc) - Chiến dịch tẩy chay Huawei của Mỹ đang đặt chính quyền Tổng thống Moon Jae-in vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo tờ SCMP, Washington đang gia tăng sức ép lên đồng minh Hàn Quốc liên quan tới tập đoàn công nghệ Huawei. Chiến dịch này cho thấy một tình thế lưỡng nan của Tổng thống Moon Jae-in khi Seoul phải tìm kiếm thế cân bằng giữa một bên là đồng minh an ninh Mỹ và bên kia là đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc.

Bên cạnh hơn 28.500 binh lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc, Washington còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp các thông tin tình báo về Triều Tiên cho Seoul.

"Hiện người dân Hàn Quốc đang rất quan tâm rằng, nếu ông Moon Jae-in không tham gia vào chiến dịch chống Huawei của Mỹ, Mỹ và Hàn Quốc có ngừng trao đổi thông tin quân sự hay không", Kim Jong-ha, một chuyên gia an ninh tại Đại học Hanman, Daejeon, Hàn Quốc nói. "Hơn nữa, nó cũng có thể khiến đồng minh rạn nứt".

Nguy cơ khủng hoảng tình báo Triều Tiên, Hàn Quốc bế tắc trước sức ép Mỹ - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung trên sông Hantan (ảnh: AFP)

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Hàn Quốc Donga hồi đầu tuần, ông Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương, đã đưa ra lời cảnh cáo xung quanh vụ Huawei. "Mỹ không muốn nhìn thấy một tình huống phát sinh khi mà chúng tôi không đủ tự tin để chia sẻ các thông tin nhạy cảm với đồng minh", ông Schriver nói.

Phát biểu trên được đưa ra vài tuần sau khi Harry Harris, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc lên tiếng về vấn đề tương tự. Ông Harris chia sẻ với tờ Chosun, Washington sẽ phải "tái đánh giá hoạt động chia sẻ thông tin với các đồng minh".

Trong một bài nói tại Hiệp hội nghiên cứu quân sự Hàn Quốc, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh, Washington "quan ngại về những dấu hiệu" cho thấy sự tham gia của Huawei vào mạng lưới 5G tại Hàn Quốc.

Hồi tháng Tư, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G trên toàn quốc. Seoul để các công ty viễn thông trong nước tự quyền quyết định có sử dụng công nghệ Huawei hay không, và cho tới nay vẫn từ chối đưa ra một lập trường chính thức về leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

"Ông Moon muốn đẩy trách nhiệm đưa ra quyết định liên quan tới Huawei cho các công ty Hàn Quốc", Choo Jae-woo, một giáo sư về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Kyung Hee, Seoul chỉ ra. "Ông ấy không hiểu rõ rằng điều đó bao gồm cả một vấn đề an ninh quốc gia".

Trong số ba nhà điều hành mạng Hàn Quốc, LG Uplus (có quy mô nhỏ nhất) đã sử dụng các trạm và bộ phát từ Huawei cho dịch vụ của mình; trong khi các công ty còn lại lựa chọn thiết bị từ Samsung Electronics, Ericsson và Nokia.

Mặc dù ông Moon không đề cập tới, nhưng một số nguồn tin giấu tên trong chính phủ Hàn Quốc cho hay, nhưng vai trò của Huawei trong mạng 5G tại quốc gia châu Á không có liên hệ với các mạng lưới của quân đội Hàn Quốc và Mỹ.

Nguy cơ khủng hoảng tình báo Triều Tiên, Hàn Quốc bế tắc trước sức ép Mỹ - Ảnh 2.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc sẽ gặp mặt sau thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản (ảnh: getty)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen với những cáo buộc về gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Không chỉ cấp các công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho Huawei, Washington còn gây áp lực lên các đồng minh dừng quan hệ với tập đoàn Trung Quốc.

Triều Tiên và Huawei được cho là hai trong số các chủ đề gần như chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Trump gặp gỡ với người đồng cấp Moon tại Seoul hôm Chủ nhật (30/6).

Còn Daniel Pinkston, một cựu chuyên gia về Hàn Quốc của Không lực Mỹ nhận định, an ninh quốc gia Hàn Quốc sẽ gặp thách thức lớn nếu không có các thông tin tình báo của Mỹ.

"Hàn Quốc không sở hữu các hệ thống tình báo, gián sát và gián điệp hiện đại có thể 'nhìn sâu' vào Triều Tiên gần biên giới với Trung Quốc; vì vậy chia sẻ thông tin với Washington giúp lấp đầy những khoảng cách đó", Pinkston nói. "Nếu lệnh đình chiến sụp đổ và chúng ta trở lại thời chiến tranh, chia sẻ thông tin tình báo sẽ đóng vai trò chủ chốt để duy trì một nỗ lực kết hợp giữa tác chiến, chiến thuật, chiến lược và chính trị".

Tính toán của Seoul trở nên phức tạp do sự phụ thuộc kinh tế chặt chẽ vào Trung Quốc. Sungku Jang, một học giả của Viện nghiên cứu chính sách Asan, Seoul đánh giá, chính quyền Moon Jae-in cần phải đặc biệt lưu ý về sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên đất hiếm – vốn vô cùng quan trọng cho ngành điện tử của Hàn Quốc.

"Nếu Hàn Quốc trừng phạt Huawei… Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách ngừng cung cấp đất hiếm", Jang cảnh báo. "Hơn một nửa lượng đất hiếm Hàn Quốc sử dụng là nhập từ Trung Quốc".

Trong khi đó, theo ông Chung Chien-peng, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lingnan, Hong Kong, Hàn Quốc gần như chắc chắn sẽ không nghe theo lập trường của Washington trong vụ việc Huawei.

"Giống như hầu hết các nước ở Đông và Đông Nam Á, về mặt quân sự Hàn Quốc đứng về phía Hàn Quốc và về mặt kinh tế, họ đứng về phía Trung Quốc", ông Chung chỉ ra. "Hàn Quốc sẽ không nghe theo Mỹ tẩy chay Huawei vì Seoul có lợi ích thương mại và đầu tư đáng kể tại và từ Trung Quốc; ngoài ra, Trung Quốc sẽ rất tức giận nếu Hàn Quốc làm vậy".

Còn chuyên gia Kim từ Đại học Hannam cho rằng, Tổng thống Moon không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng đạt được một thế cân bằng tạm thời giữa Washington và Bắc Kinh. "Có hơi xấu hổ khi nói ra, nhưng chính quyền Moon giờ đây đang không biết phải làm gì", ông đánh giá.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ