• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhượng quyền nghệ thuật trong thời trang: Mối quan hệ đang đi quá xa?

Văn hoá 10/10/2018 13:18

Đang có một sự đổi chiều trong các mối hợp tác giữa các thương hiệu thời trang và các nghệ sỹ nổi tiếng.

Nhượng quyền nghệ thuật trong thời trang: Mối quan hệ đang đi quá xa? - Ảnh 1.

Từ trái qua: Túi xách đầu Chuột Mickey từ Gucci; áo sơ-mi in tranh Jean-Michel Basquiat từ Comme des Garçons Shirt; và áo ba lỗ in tác phẩm của Andy Warhol từ Calvin Klein (ảnh: WSJ)

Tất Andy Warhol, áo sơmi Jean-Michel Basquiat… Tất nhiên đây không phải là tác phẩm do chính các nghệ sỹ đích thân tạo ra (cả Andy Warhol và Jean-Michel Basquiat đều đã qua đời), mà chỉ là các sản phẩm hợp tác giữa thương hiệu thời trang với công ty hoặc quỹ sở hữu quyền sử dụng và phân phối các sáng tạo của nghệ sỹ.

Trước đây, những thỏa thuận kiểu như trên thường được áp dụng cho những sản phẩm sản xuất hàng loạt, như các mặt hàng thời trang, đồ dùng thường ngày cho trẻ em có in hình nhân vật hoạt hình… Tuy nhiên, thời gian gần đây, các hợp đồng mang tính chất cao cấp hơn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Calvin Klein hợp tác với Quỹ Andy Warhol để cho ra mắt các thiết kế thời trang và phụ kiện có in hình một số tác phẩm của cố nghệ sỹ. Trong mùa này, khách hàng cũng có thể mua mẫu áo cài cổ của thương hiệu Nhật Bản Comme des Garçons, với các chi tiết từ sáng tác của Jean-Michel Basquiat. Chàng trai tài năng người Mỹ gốc Puerto Rico từng tham gia trình diễn trên sàn thời trang Comme des Garçons vào năm 1987 - đúng một năm trước khi anh qua đời vì sốc ma túy. Mới đây tại Tuần lễ Thời trang Paris, nhà mẫu Ý Gucci đã trình làng một thiết kế túi xách có hình giống như đầu của chuột Mickey, với phần tay cầm chính là tai của chú chuột nổi tiếng nhất trên thế giới.

Nhượng quyền nghệ thuật trong thời trang: Mối quan hệ đang đi quá xa? - Ảnh 2.

Hai thiết kế có in tranh của Basquiat từ Diamond Supply Co. Bộ sưu tập có tốc độ tiêu thụ rất nhanh chóng (ảnh: WTJ)

"Các thương hiệu thời trang muốn tạo ra sự khác biệt trong mùa này hoặc là kéo dài hơn nữa, vì vậy họ tìm kiếm mối hợp tác với một thương hiệu hấp dẫn khác," Douglas Hand, một luật sư ở TP New York, Mỹ, chuyên làm việc với các hãng thời trang và phong cách sống, cho biết. "Và Warhol, Basquiat và Lichtenstein vẫn đang hút khách". Ông Hand giải thích, thông thường các thỏa thuận nhượng quyền coi thương hiệu là người được cấp phép – Ví dụ như, Tom Ford trao thương hiệu đặc trưng của mình cho một dòng sản phẩm kính râm hoặc một bộ sưu tập nước hoa. Ngày nay, chúng ta đang nhìn thấy sự đảo ngược của hình thức cấp phép nhượng quyền: các thương hiệu lại là bên trả tiền cho các công ty hoặc quỹ để có quyền sử dụng hình ảnh.

Trước đây, thật khó để tưởng tượng rằng một thương hiệu cao cấp như Gucci lại hợp tác với thương hiệu đại chúng như Disney, hay một nhãn hiệu phổ cập như Uniqlo lại sử dụng tác phẩm của một nghệ sỹ hạng A như Jean-Michel Basquiat trong các sản phẩm của mình. Và trong khi giới nghệ thuật vẫn đang bàn tán về mẫu áo phông Uniqlo có in hình tác phẩm "Beat Bop" của Basquiat và được bày bán với giá tương đương vài trăm nghìn VNĐ – thì mô hình "bắt tay" như trên đã trở thành một hiện tượng văn hóa rộng khắp.

Nhượng quyền nghệ thuật trong thời trang: Mối quan hệ đang đi quá xa? - Ảnh 4.

Quần đùi từ thương hiệu MeUndies, có sử dụng họa tiết của cố nghệ sỹ Keith Haring (ảnh: WSJ)

Theo Beverly Semmes, một nghệ sỹ kiêm giáo sư khách mời tại Đại học Pratt, New York, Mỹ cho rằng, văn hóa ngày nay "quá dễ thay đổi". Khi Semmes bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình vào đầu những năm 1990, "không có nhiều mối hợp tác thú vị giữa nghệ thuật và thời trang". Các thương hiệu thời trang từng đề nghị cộng tác với Semmes, nhưng bà đã từ chối. "Tôi nhận được rất nhiều lời mời từ giới thời trang, nhưng lúc đó tôi thậm chí còn không nghĩ về điều đó," bà cho biết. Ngày nay, nữ nghệ sỹ đến từ Washington D.C. có một cái nhìn cởi mở hơn nhiều về mối quan hệ giữa thời trang và nghệ thuật. Bà đặc biệt khen ngợi sự hợp tác giữa thương hiệu Mỹ Calvin Klein với điêu khắc gia người Đức Sterling Ruby. Ruby là người thiết kế cửa hàng chính của Calvin Klein tại New York và từng tạo ra nhiều tác phẩm sắp đặt cho các show trình diễn thời trang của hãng. Theo Semmes, những mối quan hệ như trên giúp người nghệ sỹ tiếp cận được với nhiều khán giả hơn, cũng như có thêm nguồn thu nhập.

Các thương hiệu thời trang muốn tạo ra sự khác biệt trong mùa này hoặc là kéo dài hơn nữa, vì vậy họ tìm kiếm mối hợp tác với một thương hiệu hấp dẫn khác

Douglas Hand

Trong khi đó, đối với thương hiệu, Nick Tershay, chủ công ty Diamond Supply Co. cho rằng, có được giấy phép sử dụng tác phẩm của Basquiat cho một bộ sưu tập, sẽ thu hút nhiều khách hàng mới hơn. "Mọi người trong giới nghệ thuật sẽ nghĩ rằng, 'Diamond Supply Co. thật tuyệt, tôi chưa từng nghe đến thương hiệu này, nhưng họ đang làm quần áo Basquiat", Tershay nói. Bộ sưu tập của Diamond Supply Co, bao gồm các thiết kế có sử dụng hình ảnh của Basquiat, hiện đang được bày bán trong cả bảo tàng Broad tại TP Los Angeles, Mỹ.

Mặc dù vậy, có một nguyên nhân cơ bản khiến các tác phẩm của Basquiat, Warhol hay Keith Haring…, thường xuyên xuất hiện trên mọi sản phẩm, từ áo nỉ, quần đùi cho tới khay sứ... Đó là, khi các nghệ sĩ đã qua đời. Bà Semmes lưu ý, nó giúp cho tên tuổi của các nghệ sỹ ít bị ảnh hưởng hơn; trong khi các nghệ sỹ còn sống sẽ hạn chế việc trở thành tiêu điểm một cách tiêu cực. Đáng lưu ý, điều này không đồng nghĩa các cơ quan đại diện nghệ sỹ quá cố không xem xét các hợp đồng hợp tác một cách kỹ càng.

Nhượng quyền nghệ thuật trong thời trang: Mối quan hệ đang đi quá xa? - Ảnh 6.

Thương hiệu tất Thụy Điển Happy Socks tung ra các mẫu tất có in hình tác phẩm của Andy Warhol (ảnh: WSJ)

Tất nhiên, khó có thể tưởng tượng được một nghệ sỹ cấp tiến như Warhol lại "phiền lòng" khi thấy hình ảnh "Trái chuối" của mình xuất hiện trên một đôi tất – ngay cả khi ông còn sống. Michael Dayton Hermann, Giám đốc phụ trách nhượng quyền tại Quỹ Andy Warhol về nghệ thuật thị giác cho biết, đương thời, Warhol "tham gia trong nhiều dự án cấp phép khác nhau, như hợp tác với các nhà thiết kế thời trang Halston, Stephen Sprouse hay với hãng đồng hồ Movado…". Quỹ Andy Warhol quản lý danh mục tác phẩm của cố nghệ sỹ và sử dụng tiền thu được vào các quỹ tiền mặt hỗ trợ nghệ thuật – và con số này đã lên tới hơn 200 triệu USD kể từ năm 1987.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ