• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Nước Mỹ hàng đầu” dọn đường lãnh đạo toàn cầu cho Trung Quốc

Thế giới 27/01/2017 15:38

(Tổ Quốc) - Những gì Tổng thống Trump đang thể hiện có góp phần mở đường cho Trung Quốc chính thức trở thành “đầu tầu” lãnh đạo thế giới?  

Trung Quốc đang từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng nhằm thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình trên mọi lĩnh vực, từ thương mại cho đến biến đổi toàn cầu. Điều này đặc biệt được củng cố khi đặt những bước tiến quyết đoán và ổn định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên cạnh những động thái liên quan đến tân Tổng thống Mỹ Donald Trump – người vừa phải đối mặt với sự phản đối của báo chí và những cuộc biểu tình trong và ngoài nước ngay sau ngày nhậm chức.

VAI TRÒ LÃNH ĐẠO ĐANG ĐƯỢC CHUYỂN GIAO CHO TRUNG QUỐC?

Chỉ vài ngày trước khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không hề e ngại khi lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa, đồng thời đưa ra tín hiệu về khát vọng của Trung Quốc -muốn giữ một vai trò lớn hơn trên sân khấu chính trị thế giới.

Ngay cả khi động đến vấn đề nhạy cảm biển Đông, Trung Quốc cũng không chịu tỏ ra yếu thế trước những tuyên bố sẽ “bảo về lãnh thổ quốc tế” do Mỹ đưa ra. Thay vào đó, Bắc Kinh “lớn tiếng” nhấn mạnh rằng mình mong muốn hòa bình, và hy vọng Mỹ thận trọng hơn trong những phát ngôn về sau. 

“Anh có ‘Nước Mỹ hàng đầu’, còn chúng tôi có ‘cộng đồng chung vận mệnh vì nhân loại,” Thiếu tướng về hưu Luo Yuan – một nhân vật nổi tiếng với giọng điệu bình luận có phần “dữ dằn” trong giới quân sự Trung Quốc viết trên trang blog cá nhân. “Anh có ‘một quốc gia khép kín’, còn chúng tôi có ‘nhất đới nhất lộ’,” ông Luo nhắc đến dự án thương mại và đầu tư Con đường tơ lụa mới, trị giá nhiều tỷ USD của Trung Quốc. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế Thế giới Davos 2017

Trong khi Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh, họ không muốn chứng kiến Mỹ lặp lại vai trò lãnh đạo thế giới thêm nữa, một nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, sứ mệnh này đang được đặt lên vai quốc gia châu Á.

“Nếu ai đó nói rằng Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu, tôi sẽ trả lời, không phải Trung Quốc đang cố gắng vượt lên phía trước, ngược lại, chính những quốc gia ở phía trước đã lùi lại và nhường vị trí này cho Trung Quốc,” Zhang Jun, người đứng đầu bộ phận kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thông điệp của ông Zhang Jun dường như một lần nữa được khẳng định vào tuần này, khi tân Tổng thống Trump chính thức tuyên bố Mỹ rút ra khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một động thái được đánh giá là đã nới rộng khoảng cách giữa Mỹ với các đồng minh châu Á. Một vài các quốc gia còn lại của TPP tiết lộ, giờ đây họ mong chờ một cuộc đàm phán mới sẽ được mở lại với sự có mặt Trung Quốc; hoặc sẵn sàng tham gia một hiệp định thương mại tự do thay thế với Bắc Kinh.

“Tại nhiều diễn đàn đa cực quan trọng, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất của nước này, trong đó bao gồm những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thế giới,” Su Xiaohui, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết trên tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản quốc tế. “Trong tiến trình hội nhập kinh tế của châu Á – Thái Bình Dương, so sánh với một vài nước luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, những gì Trung Quốc quan tâm là ‘trách nhiệm’ và ‘tăng tốc’”, ông Su nhận định.

Trung Quốc đang muốn trở thành một siêu cường giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu

Tháng năm tới đây, một cuộc hội thảo quốc tế về “Nhất đới nhất lộ” được tổ chức tại  Trung Quốc, sẽ là một cơ hội lớn để Bắc Kinh đề cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và đầu tư toàn cầu.

Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, gần như chắc chắn hội thảo này sẽ được tổ chức tại một trung tâm hội nghị, nơi đã từng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương 2014 – một bối cảnh hoàn hảo cho sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Có lẽ Trung Quốc sẽ mời tất cả mọi người,” nguồn tin trên cho biết thêm.

Một lĩnh vực khác  Trung Quốc cũng đang muốn vươn tới vị trí lãnh đạo, đó chính là biến đổi khí hậu. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhận định biến đổi khí hậu là một “trò hề” và thề sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại chiến dịch tranh cử của mình.

Theo Li Junhua, người đứng đầu Cục Tổ chức và Hội nghị Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cả thế giới đang lo lắng về biến đổi khí hậu và việc liệu các quốc gia có tuân theo những cam kết trong Hiệp định Paris hay không. “Chừng nào Trung Quốc vẫn còn quan tâm [đến lĩnh vực này], ngài Chủ tịch đã chỉ ra rất rõ ràng, Trung Quốc sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình,” ông Li nói.

KHÔNG CÒN SỨC ÉP VỀ “DÂN CHỦ” VÀ “NHÂN QUYỀN”?

Trong phản ứng đầu tiên sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ mong muốn chính quyền mới của nước Mỹ thấu hiểu được tầm quan trọng của nguyên tắc Một Trung Quốc - từng bị ông Trump “đe doạ” sẽ xem xét lại sau những căng thẳng giữa hai nước liên quan đến cuộc điện đàm giữa ông và người đứng đầu lãnh thổ Đài Loan, bà Thái Anh Văn.

Sức ép về dân chủ và nhân quyền từ Mỹ lên Trung Quốc sẽ giảm dưới thời Trump?

Bắc Kinh cũng hy vọng rằng, Mỹ sẽ hạn chế can thiệp vào “nhân quyền” – một vấn đề nóng khác, luôn được Mỹ sử dụng làm sức ép lên Trung Quốc.

Thứ bảy (21/01) tuần trước, tài khoản WeChat của tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản quốc tế có đăng ý kiến bình luận, trong đó lưu ý rằng, bài phát biểu nhậm chức của ông Trump không hề nhắc đến các từ như “dân chủ” hay “nhân quyền”. “Có lẽ khi nhìn lại, những thứ đó đã bị thổi phồng quá mức bởi các chính trị gia Mỹ,” tờ Nhân dân Nhật báo nhận định.

(Theo Reuters)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ