• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nước Nga và Syria – bên thắng cuộc ở Trung Đông

Thế giới 02/11/2017 16:24

(Tổ Quốc) - Với cục diện Trung Đông và tình hình Syria năm 2017, Nga đang tìm cách phát huy vai trò của bên thắng cuộc.  

Sau 6 năm rưỡi chiến tranh tàn phá khốc liệt, cuộc xung đột vũ trang ở Syria đã được định đoạt. Tổng thống Syria al Assad được xem là người thắng cuộc. Các phiến quân, nổi bật là lực lượng vũ trang của Nhà nước Hồi giáo (IS) có “thủ đô” đặt ở Raqqa (Syria), đã mất chỗ đứng ở Syria. Các lực lượng đối lập, được sự hỗ trợ của Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút, Qatar, Ai Cập và nhiều nước khác, đã không lật đổ được al Assad trên chiến trường, cũng chưa đạt được giải pháp chính trị gì thông qua bàn đàm phán.

Washington đã thôi không đòi thay đổi chế độ ở Syria. Nước Anh đã cử phái viên trở lại Damascus; các đại sứ của các nước châu Âu  năm 2012 rút khỏi Syria, nay lũ lượt trở lại thủ đô của nước này. Cuộc sống ở Damascus đã nhanh chóng trở lại bình thường. Điện đã được cung cấp 24 giờ mỗi ngày; trường học và các hộp đêm đã mở cửa; các rạp chiếu phim và cửa hàng ăn lại thu hút giới trẻ…

Chính quyền al Assad đứng trước nhiệm vụ khắc phục sự tàn phá nặng nề của hơn sáu năm chiến tranh.

Nga đã thành công trong chiến lược tại Trung Đông, là khu vực mà Mỹ hết sức quan tâm và có sự can dự của nhiều nước lớn trong và ngoài khu vực. Hai nước lớn ở khu vực – Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút, vẫn chưa làm lành với chế độ al Assad, nhưng đã làm lành với nước Nga – là đồng minh và thế lực chống lưng chính của chính quyền Damascus mấy năm qua. Tổng thống Putin đang gặt hái những thành quả đầu tiên từ hành động táo bạo tháng 9/2015 đưa quân vào ủng hộ chế độ al Assad. Tháng 10 vừa rồi, Quốc vương Salman của Ảrập Xêút đã lần đầu tiên thăm Moscow, ký hợp đồng mua lô vũ khí đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Nga can dự sâu vào Syria và một số cuộc xung đột khác trên thế giới để tăng vị thế mặc cả trong các cuộc đối thoại với Mỹ và châu Âu. Nhưng Trung Đông không phải là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga. Trọng tâm chính sách là đạt được sự nhượng bộ của phương Tây trong vấn đề Ukraine, qua đó tiêu hóa cuộc sáp nhập Crimea tháng 2/2014 và xóa bỏ cuộc bao vây cấm vận làm “chảy máu” Nga.

Điều đáng tiếc, Donald Trump từng xem Vladimir Putin là người hùng của mình, khi lên làm tổng thống đã không vượt qua được áp lực của các thế lực chống Nga ở nước Mỹ và đang vướng vào các cuộc điều tra liên quan đến vấn đề Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Mỹ và các đối tác của Mỹ ở châu Âu chưa sẵn sàng nhượng bộ Nga trong vấn đề Ucraine.

Nga đang tham gia vào giai đoạn mới của trong cuộc chơi địa chính trị ở Trung Đông thời kỳ “hậu Syria”, khi cuộc chiến tranh tiêu diệt IS đang đi đến kết thúc, các nước lớn khu vực ở Trung Đông đang tích cực cạnh tranh ảnh hưởng và hợp tác chiến thuật. Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia và cả Israel đang thực hiện các hợp tác thực dụng ngắn hạn. Họ vẫn có có lợi ích chung trong hợp tác ở một mức độ nhất định tại Syria. Nga đang khéo léo duy trì quan hệ gần gũi hơn với tất cả các bên liên quan tại khu vực.

 Israel tích cực phòng ngự đường biên giới, nơi các lực lượng thân Iran có thể sử dụng lãnh thổ Syria để chống phá Israel.

Một trong những vấn đề nổi cộm của “hậu Syria”, đó là các lực lượng do Washington chống lưng đang kiểm soát các nguồn tài nguyên của nước này ở miền Đông, trong đó có các mỏ dầu. Ngày 29/10, Damascus đã tuyên bố thành phố Raqqa sẽ vẫn bị coi là “thành phố bị chiếm đóng” cho đến khi quân đội Syria giành kiểm soát, dấy lên nguy cơ về một cuộc đối đầu mới. 

Các cuộc đàm phán Nga-Mỹ gần đây hầu như chỉ xoay quanh giảm xung đột. Washington có lẽ thận trọng hơn khi thỏa hiệp vượt ra ngoài một cuộc ngừng bắn khác, nhưng sẽ cạnh tranh những mỏ dầu trong khu vực, kể cả mỏ al-Omar lớn nhất Syria.

Khi nội chiến ở Syria biến chuyển có lợi cho chính phủ, nhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon, được Iran chống lưng, có thể tự do tập trung lực lượng dọc biên giới với Israel. Ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran ở Syria cũng thúc đẩy Israel tăng cường hoạt động ở Syria. Israel cũng tìm cách đàm phán với Nga để hạn chế ảnh hưởng của Tehran khi Iran và lực lượng trung thành đang giành lợi thế ở Syria. Moscow tập trung tìm kiếm và có thể đạt được một số thỏa thuận chiến thuật, dàn xếp những vùng an toàn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, al Assad hầu như đã thắng trong cuộc chiến tranh, nhưng cuộc chiến tranh chưa hẳn đã kết thúc. Và điều đó cũng tạo điều kiện cho Nga tiếp tục phát huy vai trò người chơi ở “cửa trên”. Nhưng liệu cuộc chơi mới này có thể làm cho phương Tây nhân nhượng Nga trong vấn đề Ukraine hay không thì vẫn khó dự đoán.

Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống Nga vào giữa năm 2018 đang đến gần. Nga vẫn phải liên minh chặt chẽ với Trung Quốc. Trung Quốc đang trở thành nước cho vay và viện trợ nước ngoài lớn nhất, mà Nga là người đi vay lớn nhất của Trung Quốc./.

Hoài Nam

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ