• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ô nhiễm tiếng ồn trong du lịch

Văn hoá 12/05/2019 22:00

UBND TP.Hội An vừa ban hành thông báo về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm về âm thanh, tiếng ồn và quảng cáo rao vặt trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng rất khó thể kiểm soát hay xử lý những vi phạm này, nhất là vi phạm về âm thanh, tiếng ồn.

Ô nhiễm tiếng ồn trong du lịch - Ảnh 1.

Du lịch Hội An chỉ phù hợp với các hoạt động khám phá trải nghiệm. Ảnh: KHÁNH LINH

Dai dẳng nạn ô nhiễm tiếng ồn

Theo nội dung Thông báo số 271/TB-UBND ban hành ngày 19.4.2019, UBND TP.Hội An yêu cầu các ngành và địa phương nêu cao trách nhiệm thực hiện tốt chức năng, quyền hạn, quản lý về an ninh trật tự và các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường xã hội. Tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo bằng loa phóng thanh gắn trên phương tiện giao thông, phương tiện di động hoặc các hình thức tương tự; xử lý các hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo lên tường rào, trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Chủ động, tích cực, kịp thời triển khai nhiệm vụ thường xuyên, phối hợp với các ngành liên quan trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm tại địa bàn quản lý…

Văn bản cũng thừa nhận, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà hàng, quán bar, cà phê nhạc sống, mở nhạc DJ sử dụng âm thanh vượt quá mức quy định. Một số trường hợp bán hàng rong, hát rong gây tiếng ồn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường văn hóa đô thị, môi trường du lịch và đời sống sinh hoạt của nhân dân…

Có thể nói, ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động du lịch đã diễn ra khá dai dẳng, thậm chí có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi. Điển hình, tại khu rừng dừa Cẩm Thanh, mặc dù đã ít "hỗn loạn" hơn sau khi chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra xử lý, tuy nhiên tiếng ồn không vì thế mà giảm đi. "Bây giờ họ không mở nhạc di động trên thúng cho khách nhảy múa nữa, mà mở tại nhà hoặc một điểm nào đó ngoài sông nên ồn cứ vẫn ồn" - chủ homestay Vườn nhà Mai phản ánh.

Môi trường hỗn tạp đến mức chủ homestay Vườn nhà Mai phải quyết định bán nhà "tháo chạy" khỏi Cẩm Thanh do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. "Khách của tôi chủ yếu người Pháp nên rất khó chịu với kiểu âm nhạc hỗn tạp này. Không ít khách vừa bước vào nhà đã lập tức điện về công ty đối tác yêu cầu đổi chỗ khác, khách nào cố gắng ở lại thì phàn nàn không chịu được, họ nói du lịch sinh thái sao ồn ào quá. Phản ánh nhiều rồi, bây giờ tôi thật sự bất lực. Khách khứa cũng sụt giảm, nên phải bán nhà đi nơi khác kinh doanh" - chủ homestay Vườn nhà Mai chia sẻ.

Linh động xử lý tiếng ồn

Ô nhiễm tiếng ồn chỉ là một trong số nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường du lịch Hội An. Trong buổi tọa đàm về xây dựng môi trường du lịch Hội An "Xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện" mới đây, một số ý kiến doanh nghiệp du lịch cho rằng, với những đặc thù về thiên nhiên và các giá trị văn hóa, di sản…, Hội An chỉ phù hợp với các hoạt động khám phá trải nghiệm. Vì vậy những tác động tiêu cực như tiếng ồn sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Hội An; đồng thời cũng chệch mục tiêu mà thành phố đang hướng đến là xây dựng Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch.

Ô nhiễm tiếng ồn trong du lịch - Ảnh 2.

Hoạt động về đêm của các nhà hàng, quầy bar trên tuyến đường Nguyễn Phúc Chu cũng gây tiếng ồn đáng kể. Ảnh: KHÁNH LINH

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An, ô nhiễm tiếng ồn hiện đã diễn ra nhiều nơi, tuy nhiên việc kiểm tra xử lý gặp nhiều trở ngại về lực lượng, cơ chế phối hợp… Đặc biệt, thiếu trang thiết bị, công cụ kiểm định tiếng ồn, chưa kể việc xác định tiếng ồn thuộc về ô nhiễm tiếng ồn hay trật tự an ninh cũng là điều khó khăn.

Thời gian qua, ngoài tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chấn chỉnh những vi phạm về tiếng ồn; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các ngành, địa phương, Phòng VH-TT Hội An cũng đề xuất thành phố hỗ trợ thêm công cụ tác nghiệp như máy đo tiếng ồn đạt chuẩn cho tất cả đơn vị, xã phường liên quan. Đồng thời phân rõ trách nhiệm, vi phạm nào thuộc về công an xử lý, vi phạm nào của kiểm tra liên ngành hoặc của địa phương… nhằm hạn chế tiếng ồn.

"Việc xử lý tiếng ồn nếu áp dụng theo quy định về decibel (dB) thường không đạt đến độ xử lý, vì ngay cả hoạt động của các quán karaoke hay nhà hàng, quầy bar trên đường Nguyễn Phúc Chu cũng không vượt ngưỡng 72dB như quy định. Nhưng nó vẫn ồn do cộng hưởng tạp âm bên ngoài nên việc xử lý phải nghiên cứu, vận dụng tích hợp nhiều quy định, chuyển qua xem xét xử lý về an ninh trật tự. Riêng những ồn ào ở rừng dừa Cẩm Thanh, sắp tới thành phố sẽ chuyển sang xử lý theo hướng vi phạm về an ninh trật tự vì ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, việc này sẽ do công an làm" - ông Lanh nói.

Cũng theo ông Lanh, quy định xử lý đã có nhưng cũng chỉ mang tính tuyên truyền vận động là chính, trường hợp nào quá quắt, ương ngạnh mới xử phạt.

Theo Báo Quảng Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ