• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát triển du lịch từ bảo tồn nghệ thuật gốm của người Chăm

Văn hoá 06/12/2023 06:50

(Tổ Quốc) - Hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi có Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đem lại đời sống ấm no hơn cho người dân địa phương.

Ngày 29/11/2022, Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là niềm tự hào, khẳng định giá trị độc đáo, đa dạng của di sản Văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời, đặt ra trách nhiệm, thử thách đối với các cấp, các ngành, cộng đồng cư dân sở hữu di sản.

Phát triển du lịch từ bảo tồn nghệ thuật gốm của người Chăm - Ảnh 1.

Hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi có Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đem lại đời sống ấm no hơn cho người dân địa phương

Thời gian qua, hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi có Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng, vừa góp phần quảng bá di sản, đem lại thu nhập cho người dân.

Tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - nơi có làng gốm Chăm Bình Đức, hiện có trên 40 hộ người Chăm còn duy trì nghề gốm. Nghề cần được duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ nhưng thực tế nhiều nghệ nhân đã cao tuổi, lớp trẻ có người chưa đủ đam mê “sống chết” với nghề. Vì vậy, việc tổ chức truyền dạy, nâng cao tay nghề cho thợ trẻ, đồng thời “tiếp lửa nghề,” tình yêu, lòng say mê với nghề gồm truyền thống là rất cần thiết.

Tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh triển khai Đề án Bảo tồn và Phát triển nghề Gốm truyền thống của người Chăm ở Bình Đức với nhiều mục tiêu cụ thể như tăng tỷ lệ hộ gia đình duy trì nghề gốm từ gần 11% năm 2021 lên hơn 15% vào năm 2030; tăng tỷ lệ số nghệ nhân duy trì nghề gốm từ gần 12% năm 2021 lên hơn 16% vào năm 2030.

Phát triển du lịch từ bảo tồn nghệ thuật gốm của người Chăm - Ảnh 2.

Chú trọng đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, gắn bảo tồn di sản với triển du lịch

Các cấp, ngành cùng với người dân làng nghề, doanh nghiệp nỗ lực mở rộng, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm gốm. Địa phương và các ngành liên quan quy hoạch, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, chọn địa điểm có diện tích, không gian phù hợp tại làng Bình Đức để đầu tư xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm; qua đó vừa bảo tồn văn hóa Chăm vừa phát triển các tour, tuyến du lịch.

Tại tỉnh Ninh Thuận, làng gốm Chăm Bàu Trúc hiện có 2 hợp tác xã và 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm cùng khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề làm gốm. Huyện Ninh Phước - nơi có làng nghề đang tập trung triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng gốm Chăm Bàu Trúc, tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, chú trọng bảo tồn gắn phát triển du lịch.

Huyện Ninh Phước tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm ở Bàu Trúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tiếp nhận đơn hàng online và gửi sản phẩm đi các tỉnh, thành phố, kể cả ra nước ngoài, giúp người dân làng nghề yên tâm bảo tồn nghề truyền thống, để nghề thực sự đem lại đời sống sung túc hơn cho người dân./.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ