• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phiền lòng với tài xế và hành khách trên xe buýt

Văn hoá 09/12/2016 07:08

(Tổ Quốc) -Bản thân phương tiện giao thông nói chung hay xe buýt nói riêng không phải là nguyên nhân chính gây ra những phiền lòng, mà phần lớn nguyên nhân từ người điều khiển, tham gia giao thông.

Từ lái xe…

Xe buýt là một phương tiện giao thông công cộng khá phổ biến từ nhiều năm nay. Không thể phủ nhận những tiện ích từ xe buýt mang lại như giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, hỗ trợ tối đa đi lại cho người nghèo, người có thu nhập thấp… Nhưng bên cạnh đó, xe buýt cũng khiến nhiều người “phiền lòng”.

Xe buýt vốn được hiểu là “xe ưu tiên”, có thể chở quá số người theo số ghế,  một số đường cấm ô tô nhưng xe buýt vẫn được hoạt động…  Và không biết có phải vì lẽ đó mà tài xế xe buýt dễ có tâm lý chạy ẩu, lạng lách?.

Khi lưu thông trên đường, mỗi lần xe buýt vào bến đón trả khách đang ở làn đường ô tô phải chuyển sát vào lề đường, nếu đi từ từ thì không sao, nhưng có lái xe bẻ lái quặt một cái, chuyển làn đột ngột khiến người tham gia giao thông không kịp phản ứng thì rất dễ gây tai nạn. Thực tế, đã có những vụ tai nạn giao thông do xe buýt gây ra. Không những thế, sau khi chuyển làn đột ngột đón trả khách, xe buýt vẫn cứ tiếp tục đi sang làn xe máy khiến giao thông rất dễ rơi vào tình trạng ùn tắc trầm trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Một trong những nguyên nhân khiến lái xe buýt phải phóng nhanh, vượt ẩu dù xe rất kềnh càng là quy định thời gian khá khắt khe.  Nếu bình thường, lượng khách không đông lắm, không phải giờ cao điểm, đường không bị tắc… thì thậm chí sau mỗi chuyến, lái xe còn tranh thủ nghỉ được một chút. Còn ngược lại, lượng khách cả lên và xuống xe quá đông thì thời gian dừng đỗ cũng mất nhiều hơn, cộng thêm việc ùn tắc ở nội đô thì để không quá giờ, tài xế phải đi nhanh những chặng còn lại.

Việc phóng nhanh, vượt ẩu và bất ngờ phanh gấp khiến không ít hành khách trên xe bao phen hốt hoảng. Chuyện hành khách bị đập đầu vào thành ghế, tay vịn, cột vịn, thậm chí thành xe là không hiếm. Còn có cả hành khách đang đứng ở cuối xe chỉ vì một cú phanh gấp là người như bị dốc ngược lao lên tận chỗ đứng đầu xe với bộ mặt tái mét.

Đến nhân viên bán vé và hành khách…

Lái xe đã vậy, phụ xe cũng có nhiều việc đáng phải bàn. Thường phụ xe có nhiệm vụ xếp, ổn định chỗ ngồi, bán vé… nhưng nhiều khi phụ xe cứ để mặc mọi người, trong đó có cả các đối tượng ưu tiên như người già, phụ nữ có thai… tự tìm chỗ ngồi.

Không những thế, có nhân viên bán vé cho khách dù đã cầm tiền nhưng không đưa vé cho hành khách. Nhân viên bán vé sẽ hỏi hành khách đến bến nào xuống, nếu đi xa quá thì mới xé vé, còn chỉ cách một vài bến, không quá xa so với điểm vừa lên thì không xé vé. Số tiền này sẽ được nhân viên bán vé đút túi. Nhưng riêng chuyện này cũng một phần do hành khách đồng lõa và tiếp tay cho bán vé. Rõ ràng hành khách bỏ tiền ra mua vé mà lại không có vé cầm tay. Nếu như gặp thanh tra xe buýt thì ngoài nhân viên bán vé bị phạt thì hành khách sẽ phải mua lại vé. Chưa kể, nếu chẳng may xe buýt có trục trặc giữa đường, nếu hành khách có vé thì có thể sang xe sau đi mà không phải mua vé. Hoặc khi có tai nạn xảy ra với hành khách thì chiếc vé xe buýt nhỏ bé là căn cứ để hành khách được hưởng bảo hiểm.

Ai cũng nghĩ mỗi chiếc vé xe buýt chỉ vài nghìn, không đáng là bao, chẳng cần cầm vé cho vướng tay, hoặc nếu có bị phát hiện thì sẵn sàng mua lại. Nhưng thử hình dung, một ngày có bao nhiêu lượt khách như vậy, cộng dồn lại hàng tuần, hàng tháng, hàng năm sẽ là một con số không hề nhỏ, gây thất thoát.  Và từ những việc nhỏ này sẽ dần hình thành một thói quen xấu, khó sửa cho cả nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Liên quan đến vé xe buýt cũng là câu chuyện dễ dẫn đến nhiều tranh cãi. Xe buýt là loại phương tiện giao thông được trợ giá nên rất rẻ. Hiện nay, giá vé một lượt cao nhất dành cho tuyến có cự li trên 30km chỉ 9.000, còn lại là 8.000, 7.000. Thế nhưng, có người đi xe buýt, vì nhiều lý do, như không để ý hoặc không  biết giá, lúc mua vé có khi còn đưa cả tờ 500.000 làm nhân viên bán vé mướt mồ hôi đi đổi. Thậm chí đã có những cuộc cãi vã, những lời nói thiếu lịch sự vì chuyện này giữa nhân viên bán vé và hành khách.

Nhân viên bán vé thì cho rằng khách cầm tiền to đi mua vé xe buýt, xe lại đông ngang bằng đánh đố nhà xe, trước khi lên xe tốt nhất đổi tiền lẻ cầm theo. Còn hành khách thì cho rằng, cả năm cả đời mới đi xe buýt làm sao nhớ được giá vé bao nhiêu, rồi tiền lẻ hay không sao lại là lỗi của hành khách, chỉ khi nào hành khách không mua vé, hay quỵt vé, đi vé giả… mới đáng trách và đổ lỗi cho hành khách. Hành khách đi xe buýt cũng như các khách hàng khác, không có nghĩa vụ phải chuẩn bị tiền lẻ và trách nhiệm của người bán phải trả lại tiền thừa. Và chả lẽ vì khách không có tiền lẻ mà không được đi?...

Mỗi người đều có cái lý của nhau, nhưng phải thừa nhận, ở những tuyến xe luôn đông, việc hành khách đưa tiền lớn quả thực làm khó cho nhân viên bán vé, họ không chỉ đi đổi tiền khó  khăn trong phạm vi xe mà còn phải di chuyển nhiều lần.

Thế nên, nói đi cũng phải nói lại, mỗi người cứ thử đặt địa vị bản thân vào nhân viên bán vé xem có khó khăn hơn việc hành khách chuẩn bị tiền lẻ trước khi xác định đi xe buýt không.  Tất nhiên, ngay cả khi hành khách không chuẩn bị tiền lẻ thì nhân viên bán vé bằng mọi cách vẫn phải bán vé và trả lại tiền thừa cho khách đầy đủ.

Chúng ta luôn có câu, bên cạnh cái lý còn có cái tình. Tự ý thức được mỗi việc làm nhỏ, thông cảm cho nhau, tránh những căng thẳng cho cả bản thân và người khác sẽ thấy cuộc sống bớt căng thẳng hơn.

Bản thân phương tiện giao thông nói chung hay xe buýt nói riêng không phải là nguyên nhân chính gây ra những phiền lòng, mà phần lớn nguyên nhân từ người điều khiển, tham gia phương tiện giao thông. Giao thông vốn ngột ngạt bởi khói bụi, tiếng ồn, rồi cảnh tắc đường xảy ra thường xuyên. Đi xe buýt, hay hình ảnh xe buýt trên đường phố có “đẹp”, có văn minh  hay không phụ thuộc vào người điều khiển và cả hành khách đi xe. Xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm và sự góp phần của mỗi người, đừng để thêm những “khói bụi” từ văn hóa ứng xử cộng hưởng vào chuỗi ùn tắc bức bối đã và đang diễn ra.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ