• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thanh Trì cần phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá

Thời sự 30/06/2023 22:08

(Tổ Quốc) - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện Thanh Trì có đề án cụ thể về khai thác, phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá.

Ngày 30/6, Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, do ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy khoá XVII về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" từ đầu nhiệm kỳ đến nay trên địa bàn huyện Thanh Trì. Tham gia Đoàn có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, các thành viên Đoàn kiểm tra và đại diện các Sở, ngành của Thành phố.

Hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được hoàn thiện

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết: Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Huyện ủy đã chỉ đạo cụ thể hóa các nhóm chỉ tiêu Chương trình 06- Ctr/TU thành 19 chỉ tiêu gắn với Chương trình 07-Ctr/HU, tính đến thời điểm báo cáo, đã có 7 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch nhiệm kỳ, tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ với 5 chỉ tiêu còn lại, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thanh Trì cần phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng báo cáo tại buổi làm việc

Cụ thể, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, hiệu quả; 15/15 xã đều đảm bảo tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao; 3/16 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao được xây dựng độc lập đạt chuẩn. Giai đoạn 2020-2025, huyện đã và đang triển khai 13 dự án đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa thể thao xã với kinh phí dự kiến là 679 tỷ đồng; 38 dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa thôn với kinh phí 189 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 109 nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng tại 100 thôn, tổ dân phố; 98% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng, trong đó, có trên 50% nhà văn hoá đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống gồm: 88 di tích đã được công nhận xếp hạng; 08 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú, xã Liên Ninh, đình Triều Khúc, đình Yên Xá, xã Tân Triều được công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm. 

Cùng với đó, hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua hàng nhiều đời tại các địa phương, tiêu biểu là Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Với hệ thống di sản văn hoá, cách mạng đồ sộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án "Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì, giai đoạn 2021 - 2026" với tổng kinh phí 356,138 tỷ đồng. 

Kết quả, giai đoạn 2020-2025, đã và đang triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ 62 dự án với kinh phí dự kiến là 814 tỷ đồng. Huyện được Thành phố gắn biển 2 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; xếp hạng cấp Thành phố 2 di tích; lập hồ sơ đề xuất Sở Văn hoá Thể thao xem xét nâng hạng 1 di tích lên Quốc gia; 1 di tích lên cấp Quốc gia đặc biệt...Tháng 5/2023, huyện đã được UBND Thành phố công nhận 2 điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn: điểm du lịch Yên Mỹ và Đại Áng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chí, lập hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch trên địa bàn 5 xã.

Đáng chú ý, nhiều năm liền, ngành giáo dục và đào tạo huyện là đơn vị xuất sắc, đứng trong tốp đầu Thành phố. Tính đến tháng 6/2023, toàn huyện có 63/73 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 86,3%; (vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 4,3%), trong đó, có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, là huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao, dẫn đầu khối huyện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà biểu dương huyện Thanh Trì đã triển khai các nội dung Chương trình 06-CTr rất cụ thể, chất lượng, đúng định hướng, trong đó, đã chọn những nội dung trọng tâm để triển khai trên địa bàn huyện. Bước đầu, đã có những kết quả khá rõ nét; các chỉ tiêu cơ bản đều khả quan, vượt kế hoạch đề ra.

Tuy còn nhiều khó khăn và phải làm nhiều việc để xây dựng huyện thành quận, nhưng huyện đã có một số nội dung sáng tạo trong triển khai và có kết quả rõ nét, như đầu tư xây dựng các trường học, đầu tư các bể bơi và triển khai tập bơi đảm bảo thực chất và toàn diện. Ngoài ra, trong đầu tư công, huyện tập trung triển khai các nhiệm vụ của huyện và phối hợp với các ở ngành đảm bảo tiến độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nghiêm túc, thực chất và có sáng tạo.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thanh Trì cần phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc

Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý, về văn hóa và các thiết chế văn hóa cơ sở, cần có quy hoạch, vị trí, kế hoạch đầu tư và đảm bảo 100% xã, thị trấn có Trung tâm văn hóa thông tin. Cùng với chuẩn bị nguồn lực đầu tư, phải có sự chuẩn bị về mô hình hoạt động để tổ chức hoạt động hiệu quả. 

Bên cạnh tập trung đầu tư tu bổ các di tích phải đảm bảo các giá trị di tích gốc sau tu bổ, tôn tạo, đây là vấn đề rất cần quan tâm và thận trọng trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, lưu ý đến công tác sưu tầm, thu thập dữ liệu để số hóa nhằm lưu giữ các tài liệu liên quan đến di tích. Huyện cũng cần tính toán nguồn kinh phí hợp lý để gắn các sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch, mang bản sắc văn hóa địa phương.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng các trường học phải đáp ứng được về quy mô và tốc độ tăng dân số, để xác định thứ tự ưu tiên trong đầu tư và phân bổ nguồn lực hợp lý. Ngoài ra, phải nghiên cứu phương án để các hoạt động biểu diễn văn hóa phục vụ ngay nhu cầu của người dân địa phương, có cơ chế tài chính, cơ chế đặt hàng để huy động các lực lượng khác cùng tham gia.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc, tạo sự gắn kết cộng đồng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong biểu dương huyện Thanh Trì đã triển khai Chương trình 06-CTr/TU bài bản, nghiêm túc, có nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức các cấp từ huyện đến cơ sở, lan tỏa đến tận từng ngõ, xóm, thôn và người dân. 

Theo đó, kết quả Chương trình đã góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giáo dục của Thủ đô, góp phần vào việc đưa Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về văn hóa, bảo tồn, tôn tạo, tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại trên địa bàn Thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thanh Trì cần phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận buổi làm việc

Nhận định huyện đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn nhất định, tuy nhiên, cũng có nhiều lợi thế, đó chính là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, hiếu học với những làng khoa bảng. Đó cũng là lý do chất lượng giáo dục đại trà huyện nằm trong top đầu của Thành phố. Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng chỉ ra huyện cần khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất trước khi phát triển lên quận; biết tận dụng lợi thế về đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện Thanh Trì cần nghiên cứu, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những địa phương đi trước. Đồng thời, phải bình tĩnh, phân tích, đánh giá một cách thấu đáo cả những thuận lợi, những điểm nghẽn của huyện khi lên quận về hạ tầng, kinh tế, văn hóa và đời sống người dân để tạo sự phát triển bền vững. Ngoài ra, với truyền thống, bản sắc văn hóa đặc sắc của mình, huyện phải nghiên cứu để giữ gìn và phát huy, từ đó, tạo sự gắn kết cộng đồng và quảng bá hình ảnh của địa phương rộng rãi hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu, đầu tư về thiết chế văn hóa cơ sở không chỉ đề cập đến các Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa mà cần phải nghĩ rộng ra hệ thống công viên, vườn hoa, khu sinh hoạt cộng đồng để có hướng quy hoạch phát triển.

Trong thực hiện đẩy mạnh số hóa di tích, phải chú ý phần nghệ thuật, kiến trúc, vật liệu, chữ, nghi lễ…,từ đó, đồng chí yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao cần đưa ra quy chuẩn để các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ và phục vụ cho tuyên truyền quảng bá, giáo dục truyền thống trong các nhà trường. 

Đồng thời, huyện Thanh Trì cần có đề án cụ thể về khai thác, phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ