• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Ra khỏi màn sương"- truyền cảm hứng vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi

Văn hoá 05/07/2023 17:11

(Tổ Quốc) - Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Ra khỏi màn sương". Tọa đàm thực hiện trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030", do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

Truyền cảm hứng vì sự tiến bộ của phụ nữ

Theo thông tin từ Tọa đàm, hiện nay, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng. Trong đó, phải kể đến các tập tục như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục "kéo vợ"... đã để lại nhiều hệ lụy trực tiếp và lâu dài cho không chỉ phụ nữ, trẻ em gái mà còn cho cả gia đình và xã hội. Đây chính là những rào cản, những màn sương vô hình cản bước chân của những người phụ nữ vùng cao trong hành trình đi tìm hạnh phúc.

"Ra khỏi màn sương"- truyền cảm hứng vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Tọa đàm "Ra khỏi màn sương" là những chia sẻ và lát cắt trong cuộc đời của hai mẹ con: chị Châu Thị Say và em Má Thị Di

Tọa đàm "Ra khỏi màn sương" là những chia sẻ và lát cắt trong cuộc đời của hai mẹ con: chị Châu Thị Say và em Má Thị Di, ở thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai. Hai thế hệ, hai suy nghĩ với những giằng xé, tranh đấu nội tâm sâu sắc để đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai trước những rào cản vô hình đã hằn sâu trong tâm thức của cộng đồng người Mông bao đời qua. Và hành trình đi tìm hạnh phúc với đầy đủ đắng cay mặn ngọt của những thành viên trong cùng một mái nhà đã được hai mẹ con chị Châu Thị Say và em Má Thị Di chia sẻ với khách mời và công chúng tại tọa đàm.

Má Thị Di - người dân tộc Mông, sinh năm 2004. Câu chuyện của Di là việc năm 15 tuổi, chống lại tục lệ "kéo vợ" của dân tộc mình. nhờ sự ủng hộ của mẹ, Di đã tránh được cuộc sống làm vợ, làm mẹ khi ăn chưa no, lo chưa tới. Câu chuyện của Di đã được phản ánh thú vị, sinh động và chân thực trong bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" của nữ đạo diễn trẻ người Tày, Hà Lệ Diễm. Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới, phim cũng lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars - hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất; Năm 2023 bộ phim đạt giải thưởng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất trong hạng mục Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á.

Chị Châu Thị Say là mẹ đẻ của Má Thị Di, sinh năm 1982. Giống như những phụ nữ Mông khác, chị Say cũng đã trải qua hôn nhân theo truyền thống của dân tộc mình. Trong câu chuyện của Di, với vai trò một người mẹ, để bảo vệ tương lai và hạnh phúc của con gái, bà đã trải qua sự đấu tranh tâm lý, giằng xé về nội tâm giữa việc nên theo tục lệ xưa nay của dân tộc mình hay tôn trọng quyết định và hạnh phúc của con trẻ.

Trước câu hỏi vì sao ở tuổi 14-15, Di không như các bạn gái Mông khác đều đã lấy chồng, ngược lại Di còn chống lại người đã "kéo" Di về làm vợ? Má Thị Di chia sẻ: Lúc đó, em không nghĩ gì nhiều, chỉ biết còn phải đi học, hơn nữa mình còn nhỏ, ở nhà với bố mẹ còn chưa biết làm việc gì, chưa giúp được bố mẹ, nếu phải đi lấy chồng làm sao gánh vác được việc nhà chồng.

Sau khi từ chối bị kéo về làm vợ, Má Thị Di tiếp tục học và trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ vùng cao. Di mơ ước sẽ mở home stay tại quê hương Sapa, tạo nhiều việc làm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao để họ có thu nhập, chủ động cuộc sống, không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình.

"Ra khỏi màn sương"- truyền cảm hứng vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.

Quang cảnh Tọa đàm

Xóa bỏ rào cản định kiến giới

Tại tọa đàm, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ xúc động về câu chuyện của 2 khách mời chính tại sự kiện. Theo bà Hạnh, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn rất quan tâm đến đời sống, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao thực hiện Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án được thiết kế chú trọng 4 nội dung: (1) Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; (3) Bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS; (4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng.

"Ra khỏi màn sương"- truyền cảm hứng vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh tại Tọa đàm

Một số kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Dự án thành phần số 8 trong năm 2023 (tính đến ngày 31/5/2023): đã thành lập 2.854 Tổ truyền thông cộng đồng; 366 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 20 tổ nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý; 388 địa chỉ tin cậy; 154 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; 283 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ thôn bản; 96 cuộc tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ huyện xã; 192 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp thôn, bản.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cũng cho biết việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ là điều không đơn giản, chưa kể có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi một quá trình mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức, cách thức tác động. Những câu chuyện như Má Thị Di là "người thật việc thật" thực sự là tấm gương quý để công tác truyền thông hiệu quả hơn. Qua đó hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn./.


Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ