• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rượt đuổi Mỹ, vũ khí Nga "nở rộ" toàn cầu, hướng thị trường "đinh"

Thế giới 23/04/2019 15:13

(Tổ Quốc) - Đâu là thị trường có sức phát triển nhanh nhất cho ngành công nghiệp sản xuất và cung cấp vũ khí của Nga?

Theo báo cáo thường niên mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhholm (SIPRI), Nga đã vượt qua Anh để trở thành nhà sản xuất và cung cấp vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Trong năm 2018, tổng giá trị các hợp đồng bán vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga tăng 8,5% so với năm trước, đạt mức 37,7 tỷ USD. Tập đoàn nhà nước Almaz-Antey của Nga cũng lần đầu tiên lọt top 10 nhà bán vũ khí lớn nhất toàn cầu.

Tổng thống Vladimir Putin luôn thể hiện quyết tâm sắt đá vực dậy ngành công nghiệp vũ khí của Nga kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Với 43,1% vũ khí xuất khẩu của Nga tới châu Á và hơn 20% tới Trung Đông, có thể thấy tập trung chính của Nga là thị trường châu Á và Trung Đông.

Rượt đuổi Mỹ, vũ khí Nga nở rộ toàn cầu, hướng thị trường đinh - Ảnh 1.

Gấu Nga đang ngày càng chứng tỏ vị thế trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu (ảnh: Asia Times)

Trung Quốc và Đông Nam Á

Trang Asia Times nhận định, Trung Quốc là ưu tiên số một của Nga. Mối quan hệ hợp tác quốc phòng Moscow – Bắc Kinh bắt nguồn từ đầu những năm 1990. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Nga trong thời kỳ 1999 – 2006, chiếm từ 34 – 60% giá trị vũ khí xuất khẩu của Nga.

Năm 2015, sau nhiều năm thương lượng, hợp tác Bắc Kinh – Moscow được đẩy lên tầm cao mới khi Nga đồng ý bán cho Trung Quốc một số vũ khí tối tân nhất của mình như 24 máy bay chiến đấu Sukhoi Su 35 và bốn hệ thống S-400 SAM…, với trị giá ước tính 7 tỷ USD, trong vòng 5 năm tới.

Ấn Độ - một thế lực đang lên khác của châu Á, cũng có tới 62% kho vũ khí do Nga cung cấp, từ xe tăng, phi cơ cho tới tàu khu trục… Theo Viện nghiên cứu phương Đông (Nga), hiện Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành khách hàng lớn nhất của Nga, với tổng giá trị hợp đồng vũ khí mua từ Nga trong năm 2017 lên tới hơn 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, trang web Aseantoday chỉ ra, Đông Nam Á mới chính là thị trường đang có sức phát triển lớn nhất đối với các nhà sản xuất và buôn bán vũ khí Nga.

Năm ngoái, ngay sau khi đảm nhận vị trí đứng đầu Bộ Tư lệnh Không quân Indonesia, tướng Yuyu Sutisna đã công bố quyết định mua 11 chiếc Su-35 mới. Và đó mới chỉ là bước khởi đầu cho những hợp đồng mới trong tương lai.

Rượt đuổi Mỹ, vũ khí Nga nở rộ toàn cầu, hướng thị trường đinh - Ảnh 2.

Đông Nam Á là một thị trường có tốc độ phát triển lớn cho các nhà thầu vũ khí Nga (ảnh: getty)

"Đó là cách các quốc gia trong khu vực phản ứng trước những nguy cơ an ninh quốc gia", Petr Brigin, một chuyên gia tại tổ chức tư vấn chính sách Vostochnaya Politika tại Moscow, cho biết. "Tại Thái Lan, trước làn sóng nổi dậy ở miền nam, chính phủ có nhu cầu mua các vũ khí dùng trên mặt đất, vì vậy quân đội nước này đã đặt mua súng AK mới". 60 – 80% kho vũ khí của các nước như Lào và Myanmar cũng do Nga cung cấp.

Tại sao lại chọn Nga? Theo Asia Times, bởi vì các vũ khí do Nga sản xuất không chỉ tối tân mà còn rẻ hơn và không đi kèm những yêu cầu mang tính chính trị như các đối thủ của Moscow thường làm. Ví dụ như, Quốc hội Mỹ yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền trước khi thông qua hợp đồng bán vũ khí, nhưng Nga thì không.

Bán vũ khí cho các nước châu Á hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu chính trị của ông Putin. Điều đó đem lại cho Moscow thêm lợi thế cân bằng và ảnh hưởng chính trị trong khu vực.

Alexei Sidorov

Năm 2016, Philippines đặt mua 26.000 khẩu súng trường từ Mỹ nhưng hợp đồng này đã không đi tới hiện thực, do Quốc hội Mỹ từ chối thông qua với nghi ngờ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể sử dụng những vũ khí này trong cuộc chiến chống lại vấn nạn ma túy trên chính đất nước mình. Kết quả là, Moscow thay thế và cung cấp cho Philipines 5.000 khẩu AK-74M, một triệu viên đạn và 20 xe tải.

"Bán vũ khí cho các nước châu Á hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu chính trị của ông Putin", Alexei Sidorov, một nhà phân tích Nga chuyên về Đông Nam Á, đánh giá. "Điều đó đem lại cho Moscow thêm lợi thế cân bằng và ảnh hưởng chính trị trong khu vực".

Màn trình diễn Syria

Quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ tại Trung Đông cũng là một trong những ưu tiên của Moscow. SIPRI cho hay, trong bốn năm qua, nhập khẩu vũ khí của các nước Trung Đông tăng tới 87% và Nga đã dành nhiều nỗ lực để đặt chân vào thị trường, trước đây vốn vẫn bị Mỹ thống trị.

Không chỉ tích cực tham gia các cuộc triển lãm quốc phòng tại khu vực, Nga còn triển khai một chiến lược "bán hàng" đặc biệt. Quân đội Nga từng bước cho thấy sức mạnh của mình thông qua chiến dịch can thiệp quân sự thành công cho tới thời điểm này tại Syria. Đây được coi là một "sân khấu" lớn để trình diễn các loại vũ khí tối tân nhất của Nga, với rất nhiều mẫu mới đã được thử nghiệm trên chính chiến trường Syria. Một số ví dụ như máy bay ném bom chiến lược Tu-160, phi cơ Su-34, phi cơ tàng hình đầu tiên của Nga Su-57…

"Đường dài" Mỹ Latin

Các nhà thầu vũ khí Nga cũng đang hiện diện mạnh mẽ tại Mỹ Latin. Cuba, Peru, Venezuela và Nicaragua nằm trong danh sách các khách hàng lớn nhất của Nga trong khu vực, Theo SIPRI, từ năm 2000 – 2017, vũ khí Nga chiếm 20% thị phần tại Mỹ Latin - tương đương với Mỹ.

Trong số trên, Nicaragua là thị trường trọng tâm khi 100% vũ khí của nước này do Nga cung cấp kể từ năm 2000. 69% vũ khí của Venezuela cũng đến từ Nga, bao gồm máy bay, trực thăng chiến đấu, tên lửa chống tăng, hệ thống tên lửa phòng không, hỏa tiễn…

Đôi khi, Nga còn có thể dành được các hợp đồng bán vũ khí ở những địa phương ít ngờ tới nhất. Mới đây, sau khi Tổng thống Sudan Al-Bashir bị lật đổ, truyền thông Nga đưa tin, Moscow đã cung cấp vũ khí cho đất nước này trong hơn 20 năm qua.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ