• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sẽ có con đường bích họa kể câu chuyện về văn hóa cà phê cũng như các dân tộc Tây Nguyên

Văn hoá 21/12/2018 07:19

(Tổ Quốc) - Đề án "Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột" tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hóa ngay tại Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột – Thủ phủ Cà phê Việt Nam. Góp phần quảng bá văn hóa đọc, văn hóa cà phê và văn hóa truyền thống của các dân tộc

Sẽ có con đường bích họa kể câu chuyện về văn hóa cà phê cũng như các dân tộc Tây Nguyên  - Ảnh 1.

Phối cảnh dự kiến của Đề án "Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột". Ảnh: Trung Đạt/Dân Trí

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định số 3400/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột".

Đề án được xây dựng nhằm hướng tới Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 và thiết thực kỷ niệm 44 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2019), mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng thời, kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam 21/4, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đề án "Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột" tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hóa ngay tại Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột – Thủ phủ Cà phê Việt Nam. Góp phần quảng bá văn hóa đọc, văn hóa cà phê và văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, để từ đó, nâng cao niềm tự hào, tình yêu quê hương xứ sở, hình thành điểm đến văn hóa phục vụ du khách và người dân địa phương.

Theo đó, "Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột" được trải dài trên khoảng 100 m đường với thiết kế hiện đại, ấn tượng mang đặc trưng văn hóa địa phương. Các hình ảnh mái nhà dài của đồng bào Ê đê được cách điệu thành các gian hàng sách cà phê, gian hàng cà phê sách.

"Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột" là điểm đến của người dân, đặc biệt là giới trẻ và du khách khi có nhu cầu mua sách và mỗi khi có dịp tới Buôn Ma Thuột với Con đường bích họa kể câu chuyện về văn hóa cà phê, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên và cảnh đẹp Đắk Lắk, lần đầu tiên có mặt tại thành phố Buôn Ma Thuột cũng như các tỉnh Tây Nguyên"- nội dung đề án nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, giao lưu văn hóa tạo không gian trải nghiệm hấp dẫn, đầy thú vị và đậm chất văn hóa cũng như bản sắc riêng biệt. "Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột" tiến tới trở thành Phố đi bộ và là điểm hẹn văn hóa Tây Nguyên giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột – Thủ phủ Cà phê Việt Nam.

Dự kiến "Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột" sẽ đi vào hoạt động vào ngày 9/3/2019. Các hoạt động sẽ được tổ chức định kỳ (tuần, tháng, quý, năm, đợt), gồm: Giao lưu tác giả, tác phẩm (Giới thiệu tác phẩm mới, tọa đàm, hội thảo theo chủ đề, bình luận về những cuốn sách hay, sách bán chạy trong tuần, tháng, quý, năm được tổ chức vào các ngày lễ; cuối tuần/tháng); Các đợt hoạt động mang tính chất chuyên đề (Các hoạt động gắn với Lễ hội định kỳ hằng năm như: Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Sách Việt Nam (21/4), Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (01/5), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5)…); Hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống tại sân khấu Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột nhằm mang tới những trải nghiệm đậm chất văn hóa Tây Nguyên; Giới thiệu sản phẩm Cà phê; Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật…

Ngoài ra còn có các hoạt động tổ chức không định kỳ khác như: Các chương trình phục vụ cho văn hóa đọc, cho sinh hoạt nghề nghiệp như giao lưu trao đổi nghiệp vụ giữa các đối tượng hoạt động trong ngành; Các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế được tổ chức theo yêu cầu của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và các tổ chức, nhà tài trợ; Các hoạt động sinh hoạt các câu lạc bộ của những người cùng một sở thích, cùng một niềm đam mê sưu tập sách, sưu tập tem và các vật phẩm văn hóa cổ, quí, hiếm; Các hoạt động triển lãm sách quý hiếm, sách xưa, sách chuyên đề, các bộ sưu tập sách, tem, vật phẩm văn hóa, các hoạt động trao đổi sách…

Được biết, hiện cả nước đã có một số Đường sách, Phố sách như: Đường sách thành phố Hồ Chí Minh (tại đường Nguyễn Văn Bình), kế tới là Phố sách Hà Nội, Vùng Tàu và hàng loạt các phố Sách tại Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Lan Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ