• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Siêu bão lốc xoáy Fani có gì khiến Ấn Độ phải di tản hơn một triệu người?

Thế giới 03/05/2019 11:29

(Tổ Quốc) - Năm 1999, một siêu bão lốc xoáy đã đổ bộ vào ven biển Odisha trong suốt 30 giờ, khiến 10.000 người thiệt mạng.

Reuters dẫn lời giới chức Ấn Độ cho biết, nước này đã di tản hơn một triệu người sinh sống dọc theo bờ biển phía đông trước thềm cơn bão lốc xoáy Fani, dự kiến đổ bộ vào chiều nay (3/5).

Theo Bộ Khí tượng học Ấn Độ, bão nhiệt đới Fani hiện đang cách thị trấn Puri ở bang miền đông Odisha khoảng 150km về phía đông bắc. Fani gần như chắc chắn sẽ tiến vào Ấn Độ vào cuối ngày thứ Sáu, với sức gió lên tới 170 – 180 km/h, thậm chí có thể đạt mức cao nhất là 200 km/h.

Siêu bão lốc xoáy Fani có gì khiến Ấn Độ phải di tản hơn một triệu người? - Ảnh 1.

Người dân tại thị trấn Konark, phía đông bang Odisha thu dọn đồ đạc lên đường tìm chỗ trú ẩn an toàn trước thềm bão lốc xoáy Fani (ảnh: Reuters)

Trên Twitter, người đứng đầu chính quyền bang Odisha, ông Naveen Patnaik cập nhật, hơn một triệu người đã được di tản chỉ trong vòng 24 giờ.

Fani được dự đoán sẽ ảnh hưởng tới 15 quận ở Odisha. Bang này cũng đã triển khai hàng trăm nhân lực cứu hộ thảm họa, đóng cửa các trường học và yêu cầu bác sỹ và nhân viên y tế không nghỉ phép cho tới ngày 15/5.

Sân bay tại thủ phủ Bhubaneswar của bang, cũng đã bị đóng cửa trong ngày hôm nay; trong khi bang láng giềng là Tây Bengal cũng quyết định tạm dừng hoạt động một sân bay tại thủ phủ Kolkata.

Mùa bão lốc xoáy Ấn Độ kéo dài từ tháng Tư tới tháng Mười hai hàng năm, khi nhiều cơn bão nhiệt đới "hoành hành" tại các thành phố ven biển, gây thiệt hai nghiêm trọng về người và của cho Ấn Độ và Bangladesh.

Đáng mừng là, những công nghệ ngày càng tiến bộ trong ngành khí tượng đã giúp dự báo trước các cơn bão, cho phép chính quyền địa phương kịp thời tiến hành công tác chuẩn bị đối phó.

Năm 1999, một siêu bão lốc xoáy đã đổ bộ vào ven biển Odisha trong suốt 30 giờ, khiến 10.000 người thiệt mạng. Năm 2013, một cuộc di tản khổng lồ cho gần 1 triệu người đã giúp hạn chế tổn thất tối đa trong một cơn bão khác.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã ra chỉ thị, yêu cầu các quan chức trong nước giữ liên lạc chặt chẽ với các bang có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ bão Fani.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ