• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Siêu cường đồng loạt bỏ rơi, sức mạnh LHQ lên bàn nóng hạt nhân?

Thế giới 07/07/2017 13:02

(Tổ Quốc) - Một hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân – đã được hơn 120 quốc gia nhất trí về nội dung dự kiến sẽ được thông qua tại Liên hợp quốc (LHQ) trong ngày 7/7.

Một hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân – đã được hơn 120 quốc gia nhất trí về nội dung dự kiến sẽ được thông qua tại Liên hợp quốc (LHQ) trong ngày 7/7 bất chấp sự phản đối và tẩy chay đàm phán từ Mỹ, Anh, Pháp và các cường quốc hạt nhân.

Được Áo, Brazil, Mexico, Nam Phi và New Zealand dẫn đầu, 141 quốc gia đã tham gia 3 tuần đàm phán về việc tiến hành xem xét lần cuối hiệp ước này - đưa ra một lệnh cấm phát triển, dự trữ hoặc đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân.

  141 quốc gia đã tham gia 3 tuần đàm phán về việc tiến hành xem xét lần cuối hiệp ước này. (Nguồn: AFP)

Những bên ủng hộ hy vọng động thái sẽ làm gia tăng áp lực lên các quốc gia hạt nhân về việc giải trừ quân bị trở nên nghiêm túc hơn.

“Đây sẽ là một khoảnh khắc lịch sử”, Đại sứ Costa Rica, Elayne Whyte Gomez, chủ tịch hội nghị của LHQ về hiệp ước này, cho biết vào đêm trước ngày dự kiến thông qua văn bản trên.

"Chúng tôi sắp sửa thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân", bà nói. "Tôi thực sự tin tưởng rằng dự thảo cuối cùng đã đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số những bên tham gia hội nghị, bao gồm cả các tổ chức xã hội dân sự".

Bản thảo hiệp ước cuối cùng yêu cầu tất cả các nước phê chuẩn "không bao giờ, trong bất kỳ trường hợp nào phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, mua lại, sở hữu hoặc dự trữ vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác". Văn bản này cũng cấm bất kỳ động thái nào liên quan tới việc chuyển giao hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị kích nổ hạt nhân, cũng như đe dọa sử dụng các loại vũ khí như vậy.

"Thế giới đã chờ đợi chuẩn mực pháp lý này trong 70 năm", bà nói.

Các siêu cường tẩy chay

Trong khi lực lượng ủng hộ nói rằng hiệp ước này là một thành tựu lịch sử, tuy nhiên, các quốc gia có vũ khí hạt nhân lại bác bỏ - nói rằng lệnh cấm là không thực tế và sẽ không có tác động gì đến việc giảm trữ lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu hiện tại.

Không có nước nào trong số 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân - Hoa Kỳ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - tham gia đàm phán.

Ngay cả Nhật Bản - quốc gia duy nhất bị tấn công nguyên tử vào năm 1945 – cũng đã cuộc đàm phán giống như hầu hết các quốc gia thuộc NATO.

Đại sứ Hoa Kỳ Mỹ Nikki Haley đã lên tiếng chống lại hiệp ước khi các cuộc đàm phán được khai mạc vào ngày 27/3, nói rằng "không có gì điều gì tôi muốn cho gia đình mình hơn là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chúng ta phải thực tế."

"Có ai tin rằng Triều Tiên sẽ đồng ý với lệnh cấm vũ khí hạt nhân?" bà cho biết.

Đồng thời, các cường quốc hạt nhân vẫn nhận định kho vũ khí của họ là lực lượng để ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân và nói rằng họ vẫn cam kết thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

NPT kéo dài hàng thập kỷ qua nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí nguyên tử, không vượt ra ngoài năm cường quốc vũ khí hạt nhân ban đầu là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. NPT yêu cầu các quốc gia không có vũ khí hạt nhân không theo đuổi loại vũ khí này. Đổi lại, 5 cường quốc hạt nhân cam kết rằng sẽ tiến tới giải trừ hạt nhân và để đảm bảo các quốc gia không có hạt nhân tiếp cận được công nghệ hạt nhân hòa bình để sản xuất điện.

Hi vọng về hiệu quả

Tuy nhiên, nhiều quốc gia không có vũ khí hạt nhân đang ngày càng thiếu kiên nhẫn với tốc độ giảm kho vũ khí hạt nhân còn chậm như hiện nay và ngày càng lo ngại loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này sẽ rơi vào tay kẻ xấu.

Tính tới tháng 7 năm nay, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có khoảng 4.150 vũ khí hạt nhân đã được triển khai, Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm SIPRI cho biết. Nếu tính tất cả kho vũ khí, các nước này có khoảng 14.935 vũ khí hạt nhân, giảm từ con số 15.395 cùng thời điểm năm ngoái, theo SIPRI.

Theo Bloomberg, tốc độ giảm trên- khoảng 3% - vẫn còn chậm, bất chấp Hiệp ước Nga-Mỹ về Các biện pháp cắt giảm và hạn chế Vũ khí tấn công chiến lược, hay còn gọi là New START đã được thực hiện từ năm 2011.

Do đó, các nhà vận động cho việc cấm vũ khí hạt nhân nói rằng hiệp ước trên sẽ đi một chặng đường dài trong việc gia tăng sự cảnh giác với vũ khí hạt nhân và sẽ gây được ảnh hưởng đến dư luận về vấn đề này.

Beatrice Fihn, giám đốc của Chiến dịch quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân, nói: "Điều này thực sự là về việc xóa bỏ thanh thế của vũ khí hạt nhân. Chúng được xem như một lực lượng rất có giá trị và thể hiện quyền lực. Động thái này được cho là sẽ loại bỏ điều đó."

Theo Richard Moyes, giám đốc của tổ chức Điều 36 có trụ sở tại Anh, “Điều quan trọng là động thái này sẽ thay đổi bối cảnh pháp lý.”

Theo AFP, trong một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ hồi tháng 12 năm ngoái, 113 quốc gia đã bỏ phiếu tán thành việc bắt đầu các cuộc đàm phán về hiệp ước này, 35 nước phản đối và 13 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Nếu được thông qua tại Đại hội đồng LHQ ngày 7/7, hiệp ước sẽ chờ cho đủ chữ kí của các quốc gia cho tới ngày 20/9 và sẽ có hiệu lực khi 50 quốc gia phê chuẩn.

(Theo AP, AFP)

https://www.washingtonpost.com/world/the_americas/official-120-plus-nations-set-to-approve-nuclear-ban-treaty/2017/07/06/5fa1b5e8-62b5-11e7-80a2-8c226031ac3f_story.html?utm_term=.fe75bba09a85

https://www.yahoo.com/news/un-set-adopt-treaty-outlawing-nuclear-weapons-012300973.html

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ