• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự bành trướng kinh tế Trung Quốc lay chuyển "khung thành" EU

Thế giới 25/03/2019 10:23

(Tổ Quốc)-Trung Quốc lợi dụng mâu thuẫn Tây Âu-Mỹ, Tây Âu lại lợi dụng mâu thuẫn Mỹ-Trung để thu lợi cho mình trong khuôn khổ tập hợp lực lượng kiểu mới.

Từ ngày 21-26/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm chính thức Ý, Pháp và Công quốc Monaco, đánh tỉa những khâu yếu của Cộng đồng châu Âu. Nói rộng ra là tác động vào các điểm yếu của phương Tây, giữa lúc Mỹ tìm cách tập hợp lực lượng để kiềm chế Trung Quốc. Trong bối cảnh châu Âu đang bị chia rẽ về các khoản đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược và đặc biệt là về "Con đường tơ lụa mới" (BRI), các dự án kinh tế và địa chính trị lớn của Bắc Kinh đang gây khó chịu cho Washington và khơi dậy ngày càng nhiều sự ngờ vực đối với Berlin, Paris và Brussels.

Theo báo Pháp Le Figaro, trong chuyến thăm của ông Tập tới Ý, Rome sẽ chính thức tham gia dự án chiến lược "Con đường tơ lụa mới" mà không tham khảo ý kiến các nước đồng minh truyền thống. Ngày 23/3, hai bên đã ký thỏa thuận khung tại trụ sở Thượng viện Ý. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, trong 10 năm qua, Ý là nước tiếp nhận đầu tư Trung Quốc nhiều thứ ba ở châu Âu với tổng 23 tỷ Euro. Lần này, Chính phủ Giuseppe Conte đã được Quốc hội Ý bỏ phiếu chấp thuận bản ghi nhớ ký kết với phía Trung Quốc, chẳng khác gì phê chuẩn một văn kiện chính thức.

Sự bành trướng kinh tế Trung Quốc lay chuyển khung thành EU - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Nguồn: Reuters

Chiến thắng địa chính trị của Bắc Kinh

Pháp là mảnh đất màu mỡ đối với Trung Quốc. Riêng năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư không dưới 5,5 tỷ Euro vào Pháp. Bộ Kinh tế Pháp cho rằng dù muốn kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài, Pháp cũng không thể mua lại các cổ phần này. Tuy nhiên, Trung Quốc chủ trương hạn chế dòng vốn chảy ra khỏi nước này. Theo báo cáo mới nhất của tập đoàn Rhodium và của Merics, năm 2018 đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu giảm mạnh 40%, xuống còn 17,3 tỷ Euro. Mặc dù vậy, các khoản đầu tư này vẫn là một phần của chiến lược địa chính trị toàn cầu tập trung vào các cơ sở hạ tầng chiến lược, thương hiệu và công nghệ tiên tiến. Điều này giải thích sự thay đổi thái độ mới đây của châu Âu, cho rằng Trung Quốc không còn là "đối tác" mà đã thành "đối thủ cạnh tranh chiến lược", thậm chí còn là "một đối thủ hệ thống", phù hợp cách tiếp cận của Mỹ hiện nay.

Ở Ý, dự án tham gia "Con đường tơ lụa mới" do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Luigi Di Maio và đặc biệt là Quốc vụ khanh Michele Geraci thúc đẩy. Họ nhìn thấy các cơ hội kinh tế từ dự án này và muốn có những bảo đảm mà châu Âu yêu cầu bằng cách yêu cầu các khoản đầu tư phải do Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) tài trợ, đây là ngân hàng cung cấp các khoản vay theo các thủ tục phù hợp với quy định của EU. Họ cũng loại trừ việc triển khai mạng 5G khỏi các khoản đầu tư của Trung Quốc trước những nỗi lo về tính bảo mật các dữ liệu nhạy cảm ở châu Âu.

Tuy nhiên, họ không đánh giá được đầy đủ ý nghĩa chính trị của sự kiện này. Filippo Fasulo phân tích trên Le Figaro, cho rằng, "bằng hành động này, Ý ngầm thừa nhận vai trò chính trị của Trung Quốc trong việc xác định lại trật tự thế giới mà Trung Quốc là trung tâm". Tướng Carlo Jean, chuyên gia địa kinh tế nhận định, đối với Bắc Kinh, đây là một chiến thắng về địa chính trị: "Trung Quốc sử dụng một quốc gia G-7 để chia rẽ tình đoàn kết phương Tây". Điều đáng lo ngại là, sớm hay muộn, thỏa thuận này sẽ là sự ủng hộ ngầm cho chính sách của Trung Quốc. Gianfranco Polillo, cựu Quốc vụ khanh đặc trách về kinh tế trong Chính phủ Monti, nhấn mạnh: "Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Hungary, những nước đã tham gia "Con đường tơ lụa mới" đã thất bại trong việc tách biệt giữa kinh tế và chính trị, đặc biệt là khi phải đưa ra lập trường về quyền con người".

Thúc đẩy mạng 5G

Ông Tập Cận Bình đã thăm chớp nhoáng Monaco, mà một trong những mục tiêu là để hoan nghênh thỏa thuận Monaco Telecom đã ký tháng trước với tập đoàn Hoa Vi để triển khai mạng 5G trong chương trình "5G Smart Nation" của Monaco. Nước Mỹ đã không có đòn bẩy nào để ngăn cản Công quốc nhỏ bé này chấp nhận G5.

Ngay cả nước Anh – đồng minh lâu đời và trung thành nhất của Mỹ trong thế giới phương Tây, cũng cho rằng G5 không gây hại gì về an ninh cho nước Anh. Tuy nhiên, giới quân sự Anh lại không ngần ngại hợp tác với Mỹ đưa hàng không mẫu hạm của họ vào tuần tra Biển Đông và đang tính toán thiết lập một căn cứ hải quân tại khu vực này.

Tập hợp lực lượng hiện nay khác với thời Chiến tranh lạnh: Nó không theo chiến tuyến mà theo loại vấn đề. Mỹ và Trung Quốc - hai đối thủ chính trong cuộc đối đầu hiện nay - cũng phải chấp nhận luật chơi mới ấy. Ngay trong nội bộ NATO, Ý có thể tham gia BRI nhưng lại không thể ngả theo Trung Quốc trong vấn đề G5, vì có thể bị Mỹ ngừng chia sẻ thông tin tình báo./.


Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ