• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh Astana đưa xung đột Syria thẳng tiến Geneva

Thế giới 17/02/2017 21:21

(Tổ Quốc) - Vòng đàm phán thứ 2 tại Astana về Syria đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo thuận lợi cho tiến trình hòa đàm Geneva sắp tới.

Vòng đàm phán thứ hai về Syria tại Astana đã kết thúc ngày 16/2 với một thỏa thuận giữa ba nhà bảo trợ hòa bình - Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để duy trì lệnh ngừng bắn Syria và đặt nền móng cho các cuộc đàm phán sâu hơn tại Geneva vào tuần tới.

Dù chưa phải là một bước đột phá, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa chính phủ Syria và phe đối lập vũ trang được nhà đàm phán hàng đầu của Nga Alexander Lavrentyev ca ngợi là "độc đáo" và một "bước tiến".

Vòng đàm phán đầu tiên về Syria tại Astana tháng 1 vừa qua. (Nguồn: AFP)

Cuộc họp ở thủ đô Kazakhstan đã xây dựng được một văn bản chung của 3 bên bảo trợ cho phép trao đổi tù binh, tuy nhiên một thông cáo chung không được thông qua.

Bên lề sự kiện, đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura đã đến Nga trong một chuyến thăm nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán Geneva dự kiến diễn ra ngày 23/2. Ông cho biết rằng cuộc họp tại Astana đã có những nỗ lực hợp nhất để mang lại hòa bình cho Syria, tuy nhiên các đoàn xe cứu trợ vẫn cần tiếp cận nhiều hơn đến Syria.

Nhóm giám sát lệnh ngừng bắn

Một thỏa thuận ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc thiết lập một nhóm liên lạc thường xuyên để duy trì lệnh ngừng bắn từ ngày 30/12 ở Syria là kết quả hữu hình nhất của hai ngày đàm phán 15-16/2 tại khách sạn Rixos ở Astana.

"Đây là một tiến trình chặt chẽ và vững chắc khi các đại diện của các nhóm vũ trang đối lập Syria đã có mặt tại đây, tại Astana, cùng phái đoàn chính phủ và cơ quan tham vấn ba bên của chúng tôi giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran – động thái cho phép chúng tôi đạt được một kết quả khiêm tốn nhưng có hiệu quả thực sự bằng cách đưa ra tài liệu khái niệm của nhóm hoạt động chung – văn bản sẽ định hình việc kiểm soát lệnh ngừng bắn, "Lavrentyev nói với các phóng viên.

Tài liệu này, theo như Sputnik tiếp cận, ghi rằng nhóm giám sát ba bên sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ tạo điều kiện trao đổi tù nhân tại các cuộc họp thường kỳ. Nhóm này cam kết sẽ báo cáo lên Liên Hợp Quốc về các vi phạm lệnh ngừng bắn và thông báo với Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) về sự tiến bộ của họ.

Ba quốc gia cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực của mình để phân tách các nhóm đối lập với các tổ chức khủng bố, như Daesh (IS) và Mặt trận Nusra (Jabhat Fatah al-Sham). Cả hai đều bị Nga và một số quốc gia đặt ra ngoài vòng pháp luật và không được đưa vào nội dung của thỏa thuận ngừng bắn hiện có.

Khó tiến tới đàm phán trực tiếp

Một trở ngại cho tiến trình hòa giải Syria là việc chưa đưa ra được thông cáo chung, trong đó trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Syria Bashar Jaafari đã đổ lỗi cho đoàn đại biểu đối lập – người đã đến muộn, ông cho biết. Điều này chứng tỏ họ là thiếu trách nhiệm với cuộc đàm phán, ông cho biết.

Về phía phe đối lập, Osama Abu Zeid, một thành viên của đoàn đại biểu đối lập Syria tới Astana, cho biết ông bi quan về kết quả của các cuộc đàm phán, gọi đây là một "sự lãng phí thời gian," và nghi ngờ sẽ có thêm một vòng thứ ba.

Lavrentyev, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria, cho biết các cơ hội đang rất mong manh để lực lượng đối lập Syria đáp ứng xúc tiến các cuộc đàm phán trực tiếp bất cứ lúc nào ngay khi vẫn còn rất nhiều "sự không tin tưởng lẫn nhau" giữa hai bên.

"Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta phải tiếp tục tiến lên phía trước, từng bước một và không để lại lỗ hổng cho sự đối đầu," Lavrentyev nhấn mạnh. Ông nói thêm về thực tế rằng cả hai đoàn đàm phán (đại diện cho chính phủ và phe đối lập) đã có mặt là một dấu hiệu tích cực, và họ sẽ rút ra kinh nghiệm từ sự kiện này khi họ tới Geneva trong một tuần nữa.

Thổ Nhĩ Kỳ - Syria căng thẳng

Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải những lời chỉ trích từ nhà đàm phán dẫn đầu của chính phủ Syria khi cho rằng Ankara đã triển khai quân qua biên giới để ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền bắc Syria.

Ông Jaafari một lần nữa cáo buộc Ankara vi phạm nghiêm trọng lãnh thổ của Syria và dấy lên câu hỏi về sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc xung đột Syria với vai trò là một trong các bên bảo trợ hòa bình.

Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không được đại diện đầy đủ tại các cuộc đàm phán Astana – điều đi ngược với vai trò của nước này trong tiến trình hòa bình Astana.

"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không thể thổi bùng ngọn lửa và dập tắt chúng cùng một lúc. Và trong trường hợp này chắc chắn họ đang thổi bùng ngọn lửa. Thổ Nhĩ Kỳ phải rút lực lượng quân sự ra khỏi đất nước của chúng tôi và tôn trọng bản thông cáo Astana 1 ghi rõ về chủ quyền của Syria", ông nói.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ