• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương bị xói mòn: Yếu tố Trung Quốc?

Thế giới 19/09/2019 12:58

(Tổ Quốc) - Báo cáo "Ngăn chặn khủng hoảng" cho thấy Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong khu vực khi Mỹ chưa nhìn nhận Quân đội Trung Quốc (PLA) là đối thủ chính, theo tờ Asia Times.

Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney gần đây đã đưa ra một báo cáo: Ngăn chặn khủng hoảng: Chiến lược của Mỹ, Chi tiêu quân sự và Phòng thủ tập thể ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Mỹ lơ là nhiều thập kỉ?

Báo cáo mô tả cụ thế việc lợi thế quân sự của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đang bị xói mòn, trong khi PLA thậm chí còn vượt xa lực lượng Mỹ ở một số khu vực nhất định. Trong thực tế, điều này đã diễn ra trong hơn 10 năm qua. Nhưng bất cứ ai dấy lên cảnh tỉnh này lại không nhận được sự đón nhận nhiều ở hầu hết các tổ chức học thuật.

Báo cáo lần này đã tập trung vào khả năng của PLA trong việc thực hiện một cuộc tấn công tên lửa bất ngờ, dữ dội nhằm vào các căn cứ dễ bị tổn thương của Mỹ trong khu vực. Nhưng vấn đề còn vượt xa lực lượng tên lửa ghê gớm của Trung Quốc. Thay vào đó, những tiến bộ của Trung Quốc là ở toàn diện các mặt trận: tàu mặt nước, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, tàu ngầm và tác chiến chống tàu ngầm, chiến tranh mạng và tác chiến ngoài vũ trụ. Bắc Kinh đang tìm cách kết hợp tất cả năng lực này lại và hoạt động cách xa lãnh thổ Trung Quốc.

China-Navy

Năng lực hải quân, không quân Trung Quốc ngày càng được tăng cường. Ảnh: Asia Times/AFP.

Đây là một thách thức lớn đối với các lực lượng Hoa Kỳ. "Trung Quốc đã có những bước tiến trong việc phát triển các loại đạn dược mới mà Hoa Kỳ đã từ bỏ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các tàu hải quân Mỹ không có sức mạnh tấn công cần thiết để đối đầu với các tàu chiến [của hải quân PLA] ngoài biển, trong khi không quân [Mỹ] thiếu các tên lửa tầm xa, tàng hình cho vai trò tấn công trên bộ, trên không và trên biển", báo cáo cho biết.

Nói một cách đơn giản: Mỹ có thể gặp khó khăn trong một cuộc chiến - và có thể không thắng nổi. Điều này khác xa với giả định nhiều năm về ưu thế của Mỹ so với PLA.

PLA thậm chí có thể không cần phải chiến đấu nếu Mỹ không kết hợp được các lực lượng hành động cùng nhau. Nếu xu hướng tiếp tục, Trung Quốc chỉ đơn giản là phát triển sức mạnh đến một mức những người bạn của Mỹ bị mất tinh thần và Mỹ không thể đối phó được Trung Quốc nếu không đi kèm một cái giá đắt đỏ. Nếu vậy, trò chơi kết thúc trước khi nó bắt đầu.

Báo cáo đã đề cập tới sự kết hợp của nhiều thứ, bao gồm sự xao lãng và căng thẳng của gần 20 năm tham chiến liên tục ở Trung Đông và Nam Á. Và Mỹ không thể ưu tiên cho mọi nỗ lực toàn cầu của mình, cùng với ngân sách quốc phòng thiết hụt và không được chắc chắn.

Mỹ đã quá sa lầy vào các cuộc chiến tại Trung Đông, như Iraq hay Afghanistan. Báo cáo này cũng đã chỉ trích những ưu tiên không đặt đúng chỗ, nêu tới hàng tỉ chi tiêu cho Iraq và Afghanistan, và thậm chí cả Đông Âu sau khi ông Putin sáp nhập Crimea, trong khi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương không có sự đầu tư nhiều. Điều này gợi nhắc đến những nỗ lực không thành công của các chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương để thuyết phục các tướng lĩnh hàng hải khác ở Washington rằng châu Á quan trọng và Trung Quốc là một mối đe dọa cần được chú ý.

Báo cáo cũng đề cập chi tiết đến những rắc rối trong việc sử dụng ngân sách quốc phòng Mỹ - cả số tiền và quy trình sử dụng. Washington có thể chi ít tiền hơn cho các tàu chiến để tập trung cho việc cạnh tranh với Trung Quốc, hoặc giảm số tiền 45 tỷ USD một năm ở Afghanistan thì sẽ có đủ tiền cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Con đường điều chỉnh?

Nhưng đang dần có những thay đổi. Theo báo cáo này, Hoa Kỳ có thế mạnh về quân sự và đang bắt đầu thừa nhận rộng rãi và muộn màng rằng Trung Quốc một đối thủ chứ không phải là "một bên liên quan có trách nhiệm".

Thứ hai, mặc dù PLA đã thu hẹp khoảng cách hoặc thậm chí dẫn đầu ở một số khu vực, quân đội Hoa Kỳ vẫn rất mạnh.

Và về mặt địa lý, có lẽ Trung Quốc cũng không có lợi thế. Các hòn đảo thuộc chuỗi đảo đầu tiên - kéo dài từ Nhật Bản đến Philippines, đến Đài Loan và xuống Malaysia - là một rào cản tiềm tàng đối với các hoạt động của Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương.

Các khái niệm mới về việc triển khai tên lửa chống hạm, vũ khí chống ngầm và hệ thống phòng không dọc theo chuỗi đảo đầu tiên sẽ biến Biển Đông thành một vùng kín mà lực lượng Trung Quốc khó có thể di chuyển.

Và Mỹ cũng có các đồng minh (hiện tại) và những đối tác không muốn sức mạnh của Trung Quốc gia tăng quá nhanh. Báo cáo cũng kêu gọi Mỹ tập hợp lực lượng, cùng các đối tác quân sự khu vực cùng hoạt động và sử dụng các nguồn lực ở đây.

Nhưng báo cáo cũng đưa ra một cảnh báo rõ ràng và chính xác: Cả liên minh Mỹ-Úc lẫn các mạng lưới liên minh và đối tác khu vực rộng lớn hơn chưa phát triển được các cấp độ tương tác quân sự, chia sẻ hiểu biết chung về rủi ro và các biện pháp giải quyết, hoặc cần có sự phối hợp để răn đe tập thể một đáng tin cậy.

Rất nhiều việc cần làm và phải được thực hiện nhanh chóng. Và điều này không hề dễ dàng, như báo cáo ghi nhận. Việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng là khó khăn và việc hiện đại hóa khí tài sẽ mất nhiều thời gian. Và Trung Quốc không chờ đợi điều đó.

Có thể thấy, việc chi tiêu nhiều hơn, hiện đại hóa vũ khí, dành những ưu tiên cho khu vực và phát triển liên minh là quan trọng nhưng nếu không có sự dẫn đầu, ở đây dường như là vị trí của Mỹ thì cơ hội đảo chiều thế lực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là mong manh.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ