• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao ngoại giao "chiến binh sói" của Trung Quốc bất ngờ khuấy động tranh cãi ngay trong nội bộ?

Thế giới 14/05/2020 15:52

(Tổ Quốc) - Chính sách ngoại giao "chiến lang" mà một số nhà ngoại giao Trung Quốc đang theo đuổi vấp phải nhiều nghi ngờ của giới học giả và cố vấn trong nước.

Tờ SCMP đăng tải, một số học giả và cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu Trung Quốc mới đây đã thể hiện sự không hài lòng với các nhà ngoại giao "chiến lang" và truyền thông nước này. Họ cũng cảnh báo về tác dụng ngược mà chính sách ngoại giao này có thể đem lại cho Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, một làn sóng tinh thần chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên tại với các nhà ngoại giao và phương tiện truyền thông chính thức góp phần thổi bùng thêm ngọn lửa.

Tại sao ngoại giao "chiến binh sói" của Trung Quốc bất ngờ khuấy động tranh cãi ngay trong nước? - Ảnh 1.

Trung Quốc đang đứng trước nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế yêu cầu tiến hành điều tra về nguồn gốc virus corona mới (ảnh: SCMP)

Mặc dù thành công bước đầu trong kiểm soát đại dịch COVID-19 trong nội địa, nhưng Trung Quốc hiện phải đối mặt với những chỉ trích từ phương tây liên quan tới nguồn gốc virus. Lấy cảm hứng từ loạt phim bom tấn mang tên "Chiến lang" (chiến binh sói) của điện ảnh Trung Quốc, nhiều nhà ngoại giao thông qua mạng xã hội để bảo vệ cho cách Bắc Kinh ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, một số cố vấn ngoại giao cấp cao của Bắc Kinh cho rằng, chủ nghĩa dân tộc hiếu thắng sẽ chỉ khiến thế giới rời xa Trung Quốc hơn mà thôi.

"Mục tiêu là quảng bá sự vượt trội của hệ thống chính trị Trung Quốc và khắc họa hình ảnh Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu", ông Shi Yinhong, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá trong một cuộc hội thảo trực diễn ra hôm 8/5. "Tuy nhiên, vấn đề là, những nỗ lực này đã không nhận ra được những phức tạp đang nảy sinh trên trường quốc tế trong đại dịch, và chúng đã được thực hiện một cách quá vội vàng, quá sớm và quá to tiếng trong giọng điệu, vì thế có một lỗ hổng lớn giữa những dự định và những gì đạt được".

Tại sao ngoại giao "chiến binh sói" của Trung Quốc bất ngờ khuấy động tranh cãi ngay trong nước? - Ảnh 2.

Làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy tại Trung Quốc sau khi nước này hứng những chỉ trích từ bên ngoài liên quan tới COVID-19 (ảnh: SCMP)

Ông Shi đảm nhận vai trò cố vấn cho Hội đồng Quốc gia Trung Quốc kể từ năm 2011. Hôm thứ hai (11/5), bài phát biểu của ông được đăng tải trên tài khoản xã hội chính thức của Đại học Nhân dân.

Cũng theo ông, Bắc Kinh nên thay đổi cách cư xử "càng sớm càng tốt" và thực thi cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với những nhà lập pháp chống Trung Quốc tại Washington.

"Khi mà cả truyền thông chính thống và phi chính thống đều thể hiện một giọng điệu hiếu thắng khi đăng tải về Mỹ, nó không có lợi cho việc thay đổi ý kiến công chúng", ông Shi chỉ ra. Chuyên gia đối ngoại đề xuất, Bắc Kinh nên yêu cầu một số kênh thông tin chính thống đi theo phong thái mang tính hòa giải hơn.

Bên canh đó, ông Shi còn kêu gọi dừng cuộc tranh cãi về nguồn gốc COVID-19 "bởi vì điều này chỉ làm phóng đại cuộc chơi giữa Trung Quốc và Mỹ", đồng thời sẽ cần nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời chính xác.

Cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực đòi hỏi Trung Quốc cho phép điều tra về nguồn gốc virus. Năm ngoái, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán và kể từ đó, virus đã nhanh chóng lây lan ra toàn cầu khiến hơn 4,2 triệu người nhiễm mới và hơn 291.000 người thiệt mạng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian là gương mặt nổi bật trong làn sóng ngoại giao "chiến lang". Ông Zhao khơi mào tranh cãi khi đăng tải trên Twitter một thuyết âm mưu rằng, chính Mỹ chế tạo và đem virus corona mới tới Vũ Hán.

Cách tiếp cận của Zhao Lijian đã được một số nhà ngoại giao Trung Quốc trên thế giới "đi theo". Tại Paris, đặc phái viên Trung Quốc Lu Shaye bị Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập để giải thích về bình luận trên trang web đại sứ quán rằng, Pháp đã để người già chết vì COVID-19 trong các trại dưỡng lão.

Cùng lúc, Tân Hoa xã tung ra một bài báo, trong đó nhận định Mỹ và thế giới "nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và cám ơn" vì những nỗ lực của quốc gia châu Á trong cuộc chiến chống lại COVID-19.


Trong một hội thảo khác diễn ra hôm chủ nhật (10/5), ông Zhu Feng - người đứng đầu khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh chỉ ra, ngoại giao "Chiến lang" đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Ông Feng cũng kêu gọi Trung Quốc xoa dịu tình huống và thay đổi chính sách đối ngoại.

Một cố vấn hàng đầu khác cũng phê bình sự thay đổi mang tính chủ nghĩa dân tộc trong ngoại giao Trung Quốc, là ông Yan Xuetong – một chuyên gia kinh nghiệm về đối ngoại và an ninh.

"Một số cơ quan truyền thông so sánh những tiến triển tại Trung Quốc và châu Âu trong cuộc chiến chống lại đại dịch, và họ coi thành công đáng kể của Trung Quốc đến từ sự khác biệt trong hệ thống chính trị", ông Yan phân tích trong một cuộc phỏng vấn với tờ Caixin hôm 30/4. "Giọng điệu như vậy có nguy cơ tạo ra tác dụng ngược tại một số nước châu Âu vẫn còn đang phải chiến đấu với dịch bệnh. Bất kỳ chỉ trích trực tiếp hoặc gián tiếp nào về hệ thống chính trị của các nước khác sẽ chỉ làm gia tăng xung đột hệ tư tưởng". Hiện đang giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, ông Yan còn la một cố vấn cho Ủy ban An ninh Quốc gia Trung Quốc.

Được đánh giá là một nhà ngoại giao theo đường lối cứng rắn, ông Yan cho rằng, cần phải có "sự lý trí" hơn trong chính sách ngoại giao Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, đồng thời cảnh báo về những ảnh hưởng của quan điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan tới việc hoạch định chính sách.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ