• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vén màn nguồn cơn Trung Quốc đột ngột đảo chiều sang ngoại giao "chiến binh sói"

Thế giới 12/05/2020 16:43

(Tổ Quốc) - Financial Times nhận định, trong hành trình đối phó với những lời cáo buộc của phương tây rằng virus corona mới xuất phát từ Trung Quốc, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã thay thế sự nhã nhặn thường thấy trong ngoại giao bằng những động thái mang tính chất hăm dọa.

Tuyên bố rằng người già tại các nhà dưỡng lão ở Pháp bị bỏ mặc tới chết, đe dọa tẩy chay sản phẩm của Australia nếu Canberra cố gắng mở điều tra liên quan tới COVID-19, gây sức ép lên các chính phủ từ Prague cho tới Wellington nhằm sử dụng các chuyến hàng khẩu trang và thiết bị y tế để đổi lấy những lời ca ngợi công khai, hay đăng tải trên Twitter các thuyết âm mưu về khả năng chính Mỹ chế tạo và đem virus tới Trung Quốc… Có thể thấy, Bắc Kinh đang tăng tốc hết sức trong cuộc chiến gián tiếp về cách lý giải đại dịch.

Lấy cảm hứng từ loạt bom tấn điện ảnh cùng tên gây sốt, trong đó các binh lính Trung Quốc đánh bại loạt lính đánh thuê đến từ phương tây, các nhà ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc (chiến binh sói) đang xuất hiện ngày càng nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, COVID-19 đã đẩy các chiến thuật chiến đấu của họ trở thành trọng tâm trong cách tiếp cận chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Vén màn nguồn cơn Trung Quốc đột ngột đảo chiều sang ngoại giao "chiến binh sói" - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: Financial Times)

Một số nhà phân tích Trung Quốc và phương tây nhận định, chứng kiến Mỹ và châu Âu vật lộn để kiềm chế đại dịch, Bắc Kinh có niềm tin rằng, họ sẽ có thể thay thế Mỹ trong vai trò một cường quốc dẫn đầu thế giới.

"Chúng ta đang nhìn thấy phiên bản 2.0 của sự quyết đoán mà Bắc Kinh từng thể hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008", bà Jude Blanchette, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), đánh giá. "Đó là do độ thuyết phục về sự trỗi dậy quyền lực [của Trung Quốc] trước phương tây - đã bị giảm sút".

Tình thế cũng bị thúc đẩy bởi nỗi tức giận trước thực tế là những nỗ lực để gây dựng cái Trung Quốc gọi là "quyền lực diễn ngôn" trên chính trường quốc tế lại chỉ đạt được tác động tối thiểu.

Trong một báo cáo gần đây, ông Nadege Rolland, một nhà phân tích tại Cơ quan Nghiên cứu châu Á Quốc gia, thậm chí ngay cả sau hơn một thập kỷ nỗ lực đối phó với những động thái tiêu cực nhằm của phương tây nhằm vào Trung Quốc, "phương tây vẫn thống trị trò chơi".

Ông Blanchette dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi thái độ trong những tuần tới sau khi chính sách ngoại giao virus mạnh mẽ của họ vấp phải một làn sóng chỉ trích. Tuy nhiên, một số chuyên gia chính sách đối ngoại lại chỉ ra các tín hiệu rộng hơn. Theo họ, nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ của Trung Quốc nhằm gắn kết với phương tây đang đi tới hồi kết.

"Tư duy giờ đây hướng nhiều hơn về buộc các đối tác tôn trọng những lợi ích của Trung Quốc khi mà hợp tác an ninh đang được coi là ngày càng kém hiệu quả", ông Zhao Tong, một học giả cấp cao tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa tại Bắc Kinh đánh giá.

Ông Zhao miêu tả sự thay đổi là một "tiến trình tăng tốc" được thúc đẩy từ những tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thái độ thù địch của Washington đối với Bắc Kinh.

Sự thay đổi trên đã diễn ra được một thời gian. Những sự kiện như loạt chỉ trích của phương tây trong vụ việc Thiên An môn 1989 hoặc vụ Mỹ đánh bom nhầm đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade… lần lượt làm "rung chuyển" những cam kết của Bắc Kinh trong hợp tác với châu Âu và Mỹ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Ngay từ đầu năm 2009, ông Tập Cận Bình – lúc đó là còn là phó chủ tịch nước, từng để lộ ra phần nào thái độ của bản thân trước phương tây. "Một số người ngoại quốc không có gì tốt hơn để làm ngoài chỉ tay vào chúng tôi", ông Tập phát biểu tại Mexico. "Chúng tôi không xuất khẩu cách mạng, nghèo khổ hay nạn đói, và chúng tôi không tạo ra bất kỳ phiền phức nào cho các anh, vì vậy các anh phàn nàn điều gì chứ?".

Trong nhiều năm, những người nước ngoài làm việc với Trung Quốc thường quen với cảnh giới chức Trung Quốc "xả" nỗi giận trên một cách kín đáo; tuy nhiên, thái độ này đã trở nên công khai hơn kể từ khi ông Tập nắm quyền vào năm 2012. Ông đã từ bỏ châm ngôn chính sách đối ngoại rằng Trung Quốc phải giấu đi sức mạnh của mình.


Theo ông Zhao, chính sách Trung Quốc của Mỹ góp phần vào thay đổi trên. "Từ việc tái cân bằng châu Á của chính quyền Obama, Trung Quốc hiểu là Mỹ có những tư tưởng về Trung Quốc và Mỹ không muốn tương tác hòa bình với một Trung Quốc hùng mạnh", ông nói.

Các học giả Trung Quốc khác chỉ ra, những lo ngại như vậy xuất hiện nhiều hơn sau khi chính quyền Trump bắt đầu coi Trung Quốc là một đối thủ trong các văn kiện an ninh.

Sau những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về chính sách mà Bắc Kinh thực thi tại Tân Cương cũng như đối với phong trào biểu tình ở Hong Kong, giới lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi "một tinh thần tranh đấu" trên toàn xã hội nước này. Thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị, những chỉ trích như vậy đã được truyền tải tới các nhà ngoại giao.

Mặt dù một phần lớn động cơ đến từ mối quan hệ đối thủ giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên, hầu hết những diễn biến căng thẳng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 lại diễn ra tại châu Âu. "Họ [Trung Quốc] bắt đầu nói với chúng tôi bằng một giọng điệu mà họ vốn chỉ sử dụng với những quốc gia mà họ coi là nhỏ hoặc yếu hơn", một nhà ngoại giao Đức phàn nàn.

Còn bà Mareike Ohlberg – một học giả đến từ Quỹ Marshall và chuyên nghiên cứu về các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Âu nhận xét: "Trong quá khứ, đối với chúng tôi, họ nhấn mạnh vào lâu dài, sự tích cực và tính xây dựng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến những thông điệp mang tính tiêu cực nhằm vào châu Âu trên một diện rộng như vậy".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ