• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách thức bảo vệ tác quyền âm nhạc trong bối cảnh công nghệ 4.0

Văn hoá 27/09/2020 16:19

(Tổ Quốc) - Vụ việc VNG gửi đơn kiện yêu cầu TikTok bồi thường số tiền hơn 221 tỉ đồng vì vi phạm bản quyền âm nhạc đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi đây là con số yêu cầu bồi thường vi phạm tác quyền âm nhạc lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, song cũng bởi, dư luận kỳ vọng, việc vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này thật sự được xử lý mạnh tay.

Từ câu chuyện TikTok

Cuối tháng 8 vừa qua, VNG- một trong những công ty công nghệ lớn nhất tại Việt Nam đã nộp đơn kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu xem xét thiệt hại từ TikTok và buộc mạng xã hội này phải ngừng sử dụng nhạc mà Zing, một công ty con của VNG, đang nắm giữ bản quyền. Theo đó, VNG cho biết công ty đã chịu nhiều thiệt hại vì sự xâm phạm bản quyền âm nhạc và yêu cầu TikTok phải bồi thường số tiền hơn 221 tỷ đồng.

Thách thức bảo vệ tác quyền âm nhạc trong bối cảnh công nghệ 4.0 - Ảnh 1.

TikTok đang bị VNG kiện vì vi phạm tác quyền (ảnh minh họa báo Lao động)

Cụ thể, VNG cáo buộc nền tảng video ngắn lồng ghép nhạc này không có đầy đủ bản quyền cho các bài hát được sử dụng. TikTok đang sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing, dịch vụ âm nhạc trực tuyến của VNG, mà không có sự đồng ý của công ty Việt Nam. Theo báo cáo ngày 11/3 của VNG cho thấy có tổng cộng 150 bản ghi Zing được sử dụng trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.

Sau một thời gian ngắn du nhập, đến nay Việt Nam đã có hơn 10 triệu người đang sử dụng phần mềm TikTok. Với nhiều người, việc lồng ghép một đoạn nhạc vào trong video trên nền tảng TikTok là chuyện "dễ hơn ăn cơm". Nhưng giữa hành động và ý thức khi sử dụng TikTok thì lại là điều hoàn toàn trái ngược.

Thực tế, đại đa số người dùng không hề biết mình đang vi phạm bản quyền về âm nhạc, thậm chí có cả những người đang tham gia hoạt động nghệ thuật, âm nhạc. Bởi với nhiều người khi sử dụng đơn giản là "nhạc có sẵn, miễn phí, thì cứ dùng".

TikTok xưa nay không trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ, ca sĩ, những chủ sở hữu các bản ghi. Chính vì thế, ngoài vụ kiện lần này của VNG, vào tháng 7/2019, TikTok cũng từng bị kiện xâm phạm bản quyền bởi Dịch vụ Doanh nghiệp Bản quyền Quốc tế (ICE) - một trung tâm cấp phép âm nhạc được sở hữu bởi các nhà sản xuất âm nhạc tại Hiệp hội Quyền biểu diễn (PRS) có trụ sở tại Vương quốc Anh, Hiệp hội quyền biểu diễn Thụy Điển (STIM) và Hiệp hội quyền biểu diễn âm nhạc và quyền phái sinh (Gema) có trụ sở tại Đức.

Theo đại diện của ICE, nền tảng của Tik Tok không được cấp phép và ICE chưa đạt được một thỏa thuận hợp lý nào cho việc TikTok sử dụng hàng triệu tác phẩm âm nhạc thuộc về các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nhà xuất bản mà trung tâm này làm đại diện.

Trước đó, vào tháng 4/2020, Hiệp hội các nhà xuất bản âm nhạc quốc gia (NMPA) có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ kiện nền tảng mạng xã hội TikTok vì vi phạm bản quyền. Sau đó, TikTok đã đạt được thỏa thuận về cấp phép quyền sở hữu trí tuệ với hiệp hội này.

"TikTok đã đưa ra một mô hình kinh doanh rất phức tạp để tránh việc tuân thủ bản quyền âm nhạc tại Việt Nam", một đại diện của Hội Âm nhạc Việt Nam cho biết.

Tại Việt Nam, chưa biết việc VNG kiện TikTok sẽ được xử lý ra sao, nhưng một lần nữa, việc vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam lại được nhắc đến. Không chỉ việc vi phạm diễn ra thường xuyên, ở nhiều nơi, mà thách thức không nhỏ là trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc vi phạm bản quyền tác giả càng phổ biến hơn.

Đến thách thức trong bảo vệ tác quyền trong thời đại 4.0

Thách thức bảo vệ tác quyền âm nhạc trong bối cảnh công nghệ 4.0 - Ảnh 2.

TikTok đạt hơn 10 triệu người sử dụng chỉ sau 1 thời gian ngắn du nhập vào VN (ảnh minh họa)

Có thể thấy, ở Việt Nam chưa khi nào vấn đề bản quyền âm nhạc trở nên nhức nhối như trong thời gian qua. Đặc biệt, thời đại công nghệ phát triển với các phần mềm ứng dụng như Facebook, YouTube hay các kênh phát nhạc trực tuyến… trở thành sân chơi của các nghệ sĩ và cả những người đang "nuôi mộng" trở thành ca sĩ.

Ngoài việc có một môi trường "mở" kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả, những nền tảng này cũng trở thành một kênh kinh doanh của chủ thể, nếu có nhiều người theo dõi, ủng hộ. Những người đăng tải các clip âm nhạc có thể có được một nguồn thu nhập đáng kể dựa trên các bài quảng cáo hay trở thành đại diện thương hiệu, doanh nghiệp nào đó…

Thậm chí, hiệu quả của sản phẩm sẽ gần như được đánh giá một cách dễ dàng qua số lượng lượt view, like và share…của người xem. Tuy nhiên, điều này cũng để lại rất nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề bản quyền tác phẩm.

Sự vi phạm này này được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau như cover ca khúc "hit" mà chưa xin phép tác giả hoặc ca sĩ có bản quyền sở hữu. Nhiều cá nhân đã vượt "tường lửa" kiểm soát bằng cách sử dụng thủ thuật "hack nhạc" bằng cách lấy link có bản quyền về phối lại. Tuy nhiên, dù các vụ việc sau khi được phát giác thì hầu hết những người bị xâm phạm chỉ lên tiếng trên trang cá nhân, lên tiếng cùng báo chí, hoặc cùng lắm là gửi khiếu nại nhờ cơ quan hữu quan can thiệp. Và kết lại thì đại đa số các trường hợp này đều phải cố gắng giải quyết mọi chuyện theo kiểu "dĩ hòa vi quý".

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường (tác giả Hoa nở không màu và Buồn làm chi em ơi, những ca khúc "nóng" về bản quyền thời gian qua) cho biết: "Nếu TikTok chỉ có mục đích giải trí và thương mại, không dựa vào các tác phẩm âm nhạc thì tôi thấy đây là mô hình giải trí thú vị. Thế nhưng TikTok đã có những động thái liên quan đến bản quyền âm nhạc do bên thứ ba sở hữu thì mọi thứ nên rõ ràng. Vấn đề bản quyền từ trước đến nay luôn nóng, chỉ là chưa ai thật sự mạnh tay".

Việt Nam đã tham gia công ước Berne và có đầy đủ các chế tài nhằm bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan … Thế nhưng thực tế, tỉ lệ những vụ việc được xử lý vẫn còn thấp, việc xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Trong bối cảnh công nghệ đang ngày một phát triển như hiện nay, để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thật sự là một thách thức. Bên cạnh việc các tác giả, người sở hữu tác phẩm tăng cường khả năng bảo vệ "đứa con" của mình, đòi hỏi những người đang thụ hưởng đang sử dụng các phẩm âm nhạc đó hơn bao giờ hết cần phải hiểu và thực thi quyền sở hữu các tác phẩm âm nhạc một cách nghiêm túc. Chỉ có như vậy nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển văn minh hơn./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ