• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham vọng “đột phá” tiêm kích F-3: Nhật Bản “thiếu tiền”?

Thế giới 14/11/2017 09:40

(Tổ Quốc) - Nhật Bản sẽ trì hoãn quyết định phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu tiên tiến F-3 mới, Reuters dẫn lời bốn nguồn tin cho hay.

Nhật Bản sẽ trì hoãn quyết định phát triển một máy bay chiến đấu tiên tiến mới, Reuters dẫn lời bốn nguồn tin cho hay, khi các nhà hoạch định quân sự nước này gặp khó khăn về thiết kế.

Trong khi đó, nước này đang “vung tiền”  cho các vũ khí mới của Mỹ như như tên lửa đạn đạo đánh chặn và máy bay tàng hình F-35.

“Oằn mình” sức ép phòng thủ

Đối mặt với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Triều Tiên và sự tăng cường hoạt động của các máy bay không người lái của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, Nhật Bản đang chịu áp lực cải thiện các biện pháp phòng thủ trên cả hai mặt trận.

Bất kỳ sự trì hoãn nào đối với thế hệ máy bay chiến đấu mới, được gọi là F-3, sẽ đặt ra dấu hỏi về tương lai của một trong những hợp đồng quân sự sắp tới sinh lời nhất thế giới, ước tính trị giá hơn 40 tỷ USD khi phát triển và triển khai.

Máy bay chiến đấu F-2 của Nhật Bản tại căn cứ Misawa, tỉnh Aomori. (Nguồn: Reuters)

Một quyết định sau nửa năm 2018 sẽ là quá muộn để chương trình này được đưa vào nội dung cốt lõi trong một kế hoạch vũ khí phòng thủ mới giai đoạn 5 năm - bắt đầu từ tháng 4/ 2019.

Tài liệu này sẽ được Nhật Bản tiết lộ vào cuối năm tới.

"Định hướng là quyết định về F-3 sẽ bị lùi lại", một nguồn tin thân cận về cuộc thảo luận – yêu cầu được giấu tên cho hay.

Họ nói rằng quyết định về việc có nên thực hiện F-3 như một chương trình trong nước hay tìm kiếm sự hợp tác quốc tế, có thể đến sau năm 2018.

Phát ngôn viên của Cơ quan tiếp nhận công nghệ và hậu cần Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: "Về quyết định đối với F-3, bao gồm việc chúng tôi có trì hoãn việc lựa chọn hay không, chúng tôi vẫn chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào".

“Túng quẫn”

Các nhà phân tích ước tính việc phát triển chiếc F-3 có thể tốn 40 tỷ USD, số liệu được một nguồn tin khác cho là "chi phí ban đầu".

Với ngân sách quốc phòng khoảng 50 tỷ USD - đã tăng lên trong vài năm qua và chỉ tăng dưới 1% hàng năm, chi phí trên, thậm chí được thực hiện trong nhiều năm, vẫn là một cam kết lớn.

Động thái trên diễn ra khi Nhật Bản đang chi tiêu một số tiền kỷ lục cho các loại vũ khí của Mỹ, bao gồm máy bay F-35 của Lockheed Martin, tên lửa phòng vệ Raytheon và máy bay quân sự của Boeing Co và Textron.

Vào năm 2013, Nhật Bản mua sắm các thiết bị trị giá 118 tỷ yên (1 tỷ USD) thông qua chương trình bán vũ khí cho nước ngoài (FMS) của chính phủ Hoa Kỳ. Năm ngoái, chi phí này đã tăng gấp bốn lần lên 486 tỷ yên.

Tổng thống Donald Trump đã ở Tokyo tuần trước và kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe mua thêm vũ khí của Hoa Kỳ khi chính quyền của ông thúc đẩy các đồng minh đóng góp nhiều hơn vào việc phòng thủ chung.

Vai trò kép

Hiện nay, mục tiêu hoạt động phòng thủ của Nhật Bản tập trung vào việc chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, các lực lượng quốc phòng của Nhật Bản cũng muốn F-3 hiện diện trong bối cảnh không quân Trung Quốc gia tăng xuất hiện trên bầu trời phía tây Thái Bình Dương và Biển Hoa Đông, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ.

Các máy bay chiến đấu Nhật Bản đã ghi nhận 806 lần chặn máy bay Trung Quốc trong một năm - kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua.

Vai trò thứ hai của thế hệ máy bay tiêm kích mới trên là nhằm củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật bằng cách trao cho Mitsubishi Heavy Industries (MHI) và các nhà cung cấp nội địa chương trình máy bay tiêm kích đầu tiên kể từ khi Nhật Bản chế tạo máy bay chiến đấu F-2 cách đây hai thập kỷ.

Mitsubishi Heavy, nhà sản xuất máy bay chiến đấu Zero trong Thế chiến Thứ Hai, vào tháng 1/ 2016 đã thử nghiệm một chiếc máy bay phản lực nguyên mẫu,có tên ATD-X. Được phát triển với giá khoảng 350 triệu USD, đây được xem là bước đầu tiên hướng tới một máy bay chiến đấu tàng hình nội địa mới.

Trong khi sự ủng hộ cho một chương trình sản xuất vũ khí duy nhất trong nước đang rất mạnh mẽ trong số một số quan chức chính phủ, các quan chức khác lại lo lắng về chi phí phát sinh rất lớn của việc phát triển các thành phần máy bay ngay từ ban đầu. Họ ủng hộ việc tìm kiếm hợp tác quốc tế để chia sẻ chi phí với các đối tác nước ngoài và khai thác công nghệ của họ.

"Những gì chúng tôi có bây giờ là một cái hộp bay", trong khi không có tất cả các hệ thống cấu thành một máy bay tiêm kích như vũ khí hay cảm biến, các quan chức khác cho hay.

Các đối tác nước ngoài tiềm năng bao gồm BAE Systems, nhà thiết kế hàng đầu loại máy bay đánh chặn Eurofighter cao cấp được chính phủ Anh hỗ trợ, tiêm kích F-35 của Lockheed Martin và Boeing, nhà sản xuất máy bay chiến đấu F-18. Tất cả đều đã đáp lại yêu cầu ban đầu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đối với kế hoạch phát triển F-3.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ