• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thu phí tham quan Hội An: Cần cân bằng lợi ích

Du lịch 06/04/2023 09:06

(Tổ Quốc) - Nhiều năm qua, nguồn thu từ phí tham quan di tích đã được các địa phương chi vào việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, câu chuyện thu phí vào tham quan phố cổ Hội An đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Thu phí thuộc thẩm quyền của địa phương

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết: Theo thông tư số: 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài Chính, Hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có mục 4,5,6 lần lượt quy định: Phí tham quan danh lam thắng cảnh (đối với danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý); Phí tham quan di tích lịch sử (đối với di tích thuộc địa phương quản lý); Phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng (đối với công trình thuộc địa phương quản lý).

Thu phí tham quan Hội An: Làm sao để du khách được lợi về giá - Ảnh 1.

Trong nhiều năm qua, Hội An luôn làm tốt những cam kết với UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Vì vậy, việc thu phí tham quan phố cổ Hội An nằm trong thẩm quyền của địa phương- bà Lê Thị Thu Hiền khẳng định.

Cũng theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, mức thu các khoản phí, lệ phí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định của khoản 1 Điều 22 Luật phí và lệ phí, đảm bảo nguyên tắc và căn cứ theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật phí và lệ phí. Việc xây dựng mức thu các khoản phí, lệ phí cần đảm bảo: Căn cứ mức thu phí, lệ phí hiện hành (nếu có) để làm cơ sở đề xuất mức thu; Phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí; Tham khảo mức thu phí, lệ phí của các địa phương liền kề hoặc địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng để bảo đảm sự hài hòa giữa các địa phương.

Đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quy định mức thu phí bằng hoặc cao hơn mức thu phí danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng khác.

Bà Lê Thị Thu Hiền cũng đánh giá cao công tác bảo tồn di tích ở Hội An. Trong nhiều năm qua, Hội An luôn làm tốt những cam kết với UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Những năm qua nguồn thu từ phí tham quan di tích đã được địa phương chi vào việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích thông qua quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An. Theo đó, không chỉ các nhà cổ ở Hội An được địa phương đầu tư tu sửa, gìn giữ mà với các nhà ở trong Khu phố cổ cũng được hỗ trợ tu sửa. Điều này nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân địa phương.

"Hội An cũng là địa phương rất tích cực trong việc xin Chính phủ cho thực hiện thí điểm Quỹ bảo tồn di tích, tuy nhiên, việc này đang được thực hiện thí điểm ở Huế nên nếu thành công sẽ nhân rộng ra các địa phương"- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết thêm.

Thu phí tham quan Hội An: Làm sao để du khách được lợi về giá - Ảnh 2.

(ảnh minh họa)

Thận trọng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, việc thu phí vào Khu phố cổ Hội An là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp. Đặc biệt, đây lại là vấn đề liên quan đến quan điểm quản lý văn hóa chung nên nếu chúng ta phân tích rõ ràng, giải thích cụ thể thì kinh nghiệm này sẽ không chỉ có ích cho riêng Hội An, mà còn có tác dụng đối với các địa điểm di tích, di sản khác trên cả nước. Chúng ta có thể hiểu các nhà quản lý ở Hội An mong muốn có thêm nguồn lực để hỗ trợ cho việc bảo tồn, tôn tạo, tổ chức các hoạt động tôn vinh giá trị di sản  đặc biệt quan trọng này. Trong hoàn cảnh nguồn lực từ Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực xã hội bằng nhiều cách, trong đó có nguồn thu từ vé, được xem là một trong những giải pháp khả thi nhất.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, có rất nhiều điều trở ngại khiến cho dư luận băn khoăn về quyết định mới này. Hiện nay, tất cả những gì liên quan đến thu tiền, tăng giá đều rất nhạy cảm, dễ nhận được dư luận phản đối hơn là đồng cảm vì thế mỗi khi ban hành một quyết định liên quan đến vấn đề này luôn cần có những đánh giá tác động kinh tế - xã hội và văn hóa, cũng như thăm dò dư luận xã hội cẩn thận. "Đối với các di tích, hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật lại càng cần có sự thận trọng hơn thế. Chúng ta không rõ các cơ quan chính quyền ở Hội An đã làm điều này trước khi ban hành văn bản quan trọng như thế này chưa (dù họ có thẩm quyền ban hành văn bản như vậy), nhưng từ sự phản đối của dư luận, có thể thấy rằng, dường như Hội An đã không tính toán hết được tác động tiêu cực từ quyết định thu phí vào khu di tích"- ông Bùi Hoài Sơn nhận định.

"Sự thực là, tiền thu từ vé có thể đem lại một khoản thu nhất định, trực tiếp cho thành phố Hội An, giúp giải quyết ngay một số bức xúc, cần thiết trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích cũng như tổ chức các sự kiện ở đô thị cổ này. Tuy nhiên, những tranh luận cũng đáng suy nghĩ khi đây có thể gây ra hình ảnh xấu xí đối với Hội An theo cách tận thu, nhất là đánh mất hình ảnh hiếu khách – vốn là thương hiệu quý của thành phố - cũng như có thể rơi vào tình trạng "tham bát bỏ mâm" khi khách du lịch có thể quay lưng lại với Hội An. Khi vắng khách du lịch, những khách sạn, hàng ăn, quán cafe, cửa hàng bán đèn thủ công, may mặc... sẽ vắng khách. Những nỗ lực xây dựng thương hiệu cho Hội An bao nhiêu năm vừa qua cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Tất cả những vấn đề này cần phải nằm trong tầm bao quát của những người đưa ra quyết định thu vé mới ở Hội An"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ rõ.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đây là một vấn đề liên quan đến bản chất sâu xa hơn là khai thác giá trị di sản cho phát triển kinh tế - xã hội ở một địa phương và cả đất nước. Đối với nhiều người, việc di tích phải tự trang trải, nuôi di tích là một chính sách. Tuy nhiên, tôi lại không đồng ý với quan điểm này. Dù rằng, quan điểm lấy di tích nuôi di tích, lấy lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật nuôi sự kiện văn hóa nghệ thuật sẽ giúp cho những nhà quản lý, tổ chức các di tích, lễ hội hay sự kiện phải năng động hơn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khiến họ phải lao tâm, khổ tứ nhiều hơn trong việc học hỏi những kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển khách hàng, khán giả,... Tất cả sẽ giúp cho các đơn vị, cơ quan về văn hóa trở nên đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Dù vậy, văn hóa có một logic đặc biệt, đó là khả năng lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Đó là lý do nhiều quốc gia trên thế giới rất cân nhắc trong việc thu phí vào các di tích, bảo tàng hay hưởng thụ nghệ thuật công cộng. Họ mong muốn rằng, các thiết chế văn hóa hay hoạt động nghệ thuật đó lan tỏa thông điệp tích cực, giáo dục giá trị, tình yêu quê hương đất nước cho nhân dân vì thế Nhà nước cần phải trở thành nhà bảo trợ cho di tích, di sản hay nghệ thuật công cộng. Bù vào đó, những lợi ích lan tỏa từ các thiết chế văn hóa hay hoạt động nghệ thuật đến từ du khách sẽ bù đắp các chi phí liên quan đến quản lý, tổ chức chúng. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ví dụ, Bảo tàng Anh (British Museum) hay Bảo tàng tranh quốc gia Anh (National Gallery) đều không thu tiền khách tham quan cho dù ở đó có rất nhiều những bộ sưu tập, tác phẩm quý giá nhất trên thế giới, thậm chí là vô giá. Chính phủ Anh lấy tiền từ khách du lịch chi tiêu cho khách sạn, giao thông, mua đồ lưu niệm, ăn uống.... để bảo trợ cho hoạt động của các thiết chế văn hóa này. Như thế, chúng ta cũng cần phải nghĩ rằng, khách đến với Hội An, khi họ ăn, ở, mua hàng hóa, có nghĩa là họ đã tiêu thụ di sản phố cổ một cách gián tiếp. Tất cả những lợi ích đến từ chi tiêu của du khách phải được tính "thành tích" cho cả khu phố cổ. 

"Chúng ta cần có chính sách cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan để tạo ra nguồn thu cho các di tích, thay vì bắt các di tích phải tự kiếm tiền, dẫn đến việc phải bán vé giá cao để đầu tư trực tiếp cho di tích. Mở rộng ra với các di tích, bảo tàng, thư viện hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật cũng phải được xem xét bằng con mắt rộng mở như vậy. Làm được điều đó, chúng ta mới thấy tác động lan tỏa, tích cực của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho những người đầu tư cho văn hóa không có cảm giác đây chỉ là lĩnh vực tiêu tiền, không kiếm được tiền cho xã hội, và từ đó, tăng cường đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ