• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: “Không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho các dự án thua lỗ”

Kinh tế 17/11/2016 10:24

(Tổ Quốc) -Trong phiên chất vấn sáng 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm: Không sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ cho 5 dự án thua lỗ lớn mà Quốc hội đề cập trong thời gian qua.

Trả lời chất vấn của của đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) về quan điểm của Thủ tướng đối với 5 dự án thua lỗ, thất thoát lớn gồm: Nhà máy sơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu Methanol, Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã báo cáo các ĐBQH về 5 dự án này.  “Quan điểm của Thủ tướng là không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho việc lỗ lãi này”.

Còn việc giải quyết, thời gian tới, Thủ tướng cho biết, với tinh thần cắt lỗ, sử dụng hiệu quả, có thể bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản để giảm thua lỗ, không tạo gánh nặng của nền kinh tế. 

Tuy nhiên, với từng dự án Chính phủ sẽ xem xét cụ thể để có hướng giải quyết tối ưu nhất và báo cáo kết quả xử lý dự án này với Quốc hội thời gian tới.

Đối với tài sản công lãng phí mà đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu, Thủ thừa nhận, việc sử dụng tài sản công còn nhiều lãng phí. Chính phủ đã có chỉ thị và cũng đang thảo luận Luật về vấn đề này.

Thủ tướng cho rằng, trước hết phải có giải pháp về vấn đề này. Ví như đưa ra tiêu chuẩn, định mức, phải được công khai minh bạch để người dân được biết.

 Ngoài ra, phải áp dụng nhiều hình thức kiểm soát như khoán kinh phí, khoán xe công…Cơ quan nào để lãng phí tài sản công thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, cấp trên.

 “Đây là một khâu yếu mà chúng tôi cho rằng phải thực hiện mạnh mẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới để việc sử dụng tiết kiệm tài sản công – một vấn đề kéo dài đã nhiều năm – sẽ có hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hồi đáp đại biểu Lê Quân về vấn đề nợ xấu vốn đang như “cục máu đông”, Thủ tướng cho biết theo thống kê sổ sách kế toán chưa đầy đủ, chưa gồm nợ trong VAMC, nợ xấu tại các ngân hàng mua lại 0 đồng… Đây là “bài toán” đặt ra trong nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, giải pháp cần phải làm hiện tại đó là cần có khung thể chế pháp lý cho VAMC.

“Phải kiểm soát chặt chẽ không phát sinh nợ xấu mới, kiểm soát đặc biệt với ngân hàng 0 đồng và cần giải pháp đồng bộ hơn để nợ xấu minh bạch. Ngoài, phải có nhiều biện pháp đồng bộ đưa ra tiếp theo. Có thể dùng tiền tươi thóc thật xử lý nợ. Hiện chúng tôi đang xây dựng một đề án về  ra để xử lý nợ xấu”, Thủ tướng cho biết.

Đại biểu đoàn Hà Nội đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng về nợ xấu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 5 năm (2016 -2020) mức 6, 5-7,5%  mà vẫn đảm bảo an toàn nợ công? Thủ tướng cho biết, nền kinh tế Việt Nam có quy mô GDP chưa đến 200 tỉ USD, quy mô như vậy còn khá nhỏ, nợ công tỷ trọng lại cao.

Chỉ tiêu phát triển GDP 6,7% trong giai đoạn tới là khó nhưng Chính phủ sẽ quyết tâm, đề ra nhiều biện pháp từ đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công. Tạo môi trường tốt hơn nữa đề người dân hăng hái lao động tạo thêm nguồn lực.

 Về sự tự chủ độc lập của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết hội nhập sâu rộng nhưng phải luôn độc lập tự chủ. Trước hết là không phụ thuộc vào một thị trường, vào một đối tác... phải có nhiều biện pháp mới thực hiện được, trong đó có tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế, phát huy các thế mạnh của Việt Nam, mở rộng thị trường.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sự tự chủ về kinh tế sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tự chủ, độc lập về chủ quyền.

Trước câu hỏi của đại biểu Lê Quân về diễn biến bầu cử Tổng thống Mỹ ảnh hưởng đến Hiệp định TPP như thế nào? Thủ tướng cho hay: Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết tham gia TPP và sẵn sàng trình Quốc hội khi phù hợp. Mỹ đã tuyên bố dừng TPP nên chưa đủ điều kiện trình Quốc hội vấn đề này. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta đã có 12 Hiệp định thương mại. Nếu được tham gia TPP là tốt, nhưng nếu không thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế” Thủ tướng khẳng định.

Hà Giang – Song Đào

Ảnh: Nam Nguyễn

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ