• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: Phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân

Thời sự 15/02/2020 12:51

(Tổ Quốc) - Sáng 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 của BHXH Việt Nam.

Diễn ra nhân kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2020), Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương tại 64 điểm cầu tỉnh, thành phố.

Quỹ BHXH hiện là quỹ an sinh lớn nhất của nước ta. Toàn ngành BHXH có gần 21.000 công chức, viên chức, đang từng ngày, từng giờ phục vụ gần 16 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, gần 86 triệu người tham gia BHYT (chiếm 90% dân số).

Thủ tướng: Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (ảnh VGP)

Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt khoảng 243.000 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện đạt gần 2.400 tỷ đồng; thu BHYT đạt khoảng 105.000 tỷ đồng. Số nợ BHXH năm 2019 giảm xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận, qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH đã đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đã đóng góp để mang lại những thành quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế công nhận.

Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt trên 73,6 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia.

Theo Thủ tướng, hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng đồng bộ, phù hợp với tình hình đất nước và thông lệ quốc tế, mô hình tổ chức được cải cách, tinh gọn bộ máy; diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng.

"Chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho tất cả thành viên cộng đồng xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân - Ảnh 2.

Thủ tướng tặng Cờ Thi đua của CP cho BHXH Việt Nam (ảnh VGP)

Chúng ta đang tập trung phát triển kinh tế với đích cuối cùng là lo đời sống cho người dân. Để trở thành lưới an sinh xã hội trọng yếu gắn với mục tiêu, định hướng XHCN, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thì độ bao phủ của BHXH phải rộng khắp hơn hay cụ thể là tất cả người lao động và những người phụ thuộc cần phải có lưới an sinh.

Với chưa đến 1/3 số người lao động tham gia BHXH hiện nay thì đích đến còn xa, do vậy, những nỗ lực cần phải cao hơn. Theo Nghị quyết 28 của Trung ương thì tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 35% dân số vào cuối năm 2021 và 45% vào cuối năm 2025, tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp là 28% vào năm 2021, 25% vào năm 2025.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần phải có giải pháp mới, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chính sách an sinh xã hội cần phải ứng dụng công nghệ số để được quản lý thống nhất, bảo đảm hiệu quả, giảm chi phí thường xuyên cho bộ máy tổ chức.

Thủ tướng nêu một số thách thức đối với BHXH và đề nghị BHXH, các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong Nghị quyết 28 của Trung ương về chính sách BHXH. Đó là BHXH Việt Nam là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế, tôn trọng nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, xây dựng bộ máy tinh gọn chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông trong thực thi chính sách.

BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động.

Thủ tướng gợi mở 5 nhóm giải pháp đối với toàn ngành BHXH. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và giao dịch điện tử liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư là cần nâng cao hiệu lực quản lý trong việc thực hiện chính sách. Tăng cường công tác quản lý BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT được sự thống nhất, tiện lợi cho người dân.

Thứ năm, tăng cường thông tin tuyên truyền thường xuyên về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng như để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT của nước ta./.

Hà An (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ