• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thua kém" kinh nghiệm nhưng Nga vẫn quyết sát cánh hạt nhân Iran, thách thức Mỹ?

Thế giới 05/05/2019 08:15

(Tổ Quốc) - Nhà ngoại giao Nga cho rằng, cả Moscow và Tehran đều có kinh nghiệm thích ứng với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Hãng tin Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay, Nga đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác với Iran, bao gồm trên cả lĩnh vực hạt nhân, bất chấp những đe dọa cấm vận từ Mỹ.

Thua kém kinh nghiệm nhưng Nga vẫn quyết sát cánh hạt nhân Iran, thách thức Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani (ảnh: Sputnik)

"Sẽ không một đe dọa trừng phạt mới nào ngăn cản được mối quan hệ hợp tác phù hợp với luật pháp và hai bên đều có lợi giữa chúng tôi với Iran. Chúng tôi đã sống dưới các lệnh trừng phạt chống Nga của Mỹ từ năm 2012. Rõ ràng trong khoảng thời gian vừa qua, đã có một sự thích nghi nghiêm túc với đòn ngoài lề này của Mỹ", ông Ryabkov nói.

Theo ông, Iran thậm chí còn có nhiều kinh nghiệm hơn so với Nga trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt từ Washington.

"Vì vậy, chúng tôi tiếp nhận những đe dọa [của Mỹ] một cách bình tĩnh, chúng tôi không e ngại những dọa dẫm và sẽ mở rộng và phát triển một cách hệ thống quan hệ hợp tác với Cộng hòa Hồi giáo Iran, trong đó có cả lĩnh vực năng lượng nguyên tử hoàn toàn tuân theo luật pháp quốc tế và quốc gia, cho dù các đồng nghiệp Mỹ có đang làm gì", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Phát biểu trên của ông Ryabkov được đưa ra sau khi hôm thứ Sáu (3/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, bắt đầu từ ngày 4/5, Mỹ có thể áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với những người hỗ trợ cho việc nâng cấp nhà máy năng lượng hạt nhân Bushehr của Iran.

Sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra một loạt các trừng phạt tài chính và năng lượng ngặt nghèo cho Iran. Chúng bao gồm những hạn chế với mục đích khiến cho xuất khẩu dầu của Iran bị hạ xuống mức thấp nhất, từ đó bóp nghẹt nền kinh tế nước này.

Trung Quốc đã bỏ qua sức ép từ phía Mỹ và hứa tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran, trong khi một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Wahsington xem xét lại lập trường của mình.

Năm 1992, Iran đạt được một thỏa thuận với Nga liên quan tới giai đoạn đầu tiên của dự án Bushehr, có tên là Bushehr 1. Năm 2004, Nga và Iran ký kết một thỏa thuận nhằm xây dựng các lò phản ứng thứ hai và thứ ba của Bushehr.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ