• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh lịch sử “lâm nguy”, bất ngờ hành động của TT Trump

Thế giới 18/05/2018 12:14

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/5 đã tìm cách xoa dịu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh song phương sắp tới.

Vị thế của ông Kim Jong-un sẽ được bảo đảm trong mọi thỏa thuận và đất nước của ông ấy sẽ không chịu số phận như Libya của Muammar Gaddafi, trừ phi không đạt được thỏa thuận nào, ông Trump cho hay.

Đối thoại Mỹ - Triều đang đúng hướng

Trong số những phát biểu từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump cũng chỉ trích Trung Quốc về thương mại, và nói rằng theo như ông biết cuộc họp với ông Kim vẫn đang đi đúng hướng, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể bị ảnh hưởng bởi Bắc Kinh sau hai chuyến thăm gần đây tới Trung QUốc.

"Triều Tiên thực sự vẫn đang đối thoại với chúng tôi về thời gian và mọi thứ khác như không có gì xảy ra", ông Trump nói với các phóng viên khi bắt đầu một cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn một thỏa thuận cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "sự bảo vệ rất mạnh mẽ". (Nguồn: AFP)

Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông không theo đuổi "mô hình Libya" trong việc đưa Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã nhiều lần đề nghị mô hình giải giáp đơn phương như Libya cho Triều Tiên, gần đây nhất là vào ngày Chủ Nhật.

Ông Gaddafi đã bị lật đổ và giết chết sau khi Libya bị cuốn vào phong trào mùa xuân Ả Rập năm 2011 – sự kiện được cho là có các đồng minh NATO can dự -  những bên từng thúc đẩy Gaddafi từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt theo một thỏa thuận năm 2003.

Trong một tuyên bố hôm thứ tư đe dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều, Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Triều Tiên Triều Tiên, Kim Kye Gwan đã coi đề xuất của Bolton -về một thỏa thuận song phương tương tự với việc các thành phần hạt nhân của Libya được chuyển đến Mỹ - là “ngớ ngẩn”.

"Thế giới biết quá rõ rằng đất nước của chúng tôi không phải là Libya hay Iraq mà đã gặp số phận khốn khổ," Reuters dẫn lời ông Kim Kye Gwan nói.

Về phía Mỹ, ông Trump cho biết, thỏa thuận mà ông đang xem xét sẽ cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "sự bảo vệ rất mạnh mẽ".

"Ông ấy sẽ ở đó, sẽ lãnh đạo đất nước của mình và đưa đất nước của ông ấy trở nên giàu có", ông Trump nói.

"Mô hình Libya là một mô hình hoàn toàn khác. Chúng tôi đã phá hủy đất nước đó", ông Trump nói thêm, kịch bản này sẽ chỉ được đưa vào danh sách dự phòng "khả thi nhất" nếu không đạt được một thỏa thuận nào với Triều Tiên.

Ông Trump nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. "Chúng tôi không thể để quốc gia đó có vũ khí hạt nhân", ông Trump nói về Triều Tiên- hiện đang nghiên cứu các tên lửa có khả năng tấn công nước Mỹ.

Mỹ đã yêu cầu "phá hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược" chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã từ chối việc giải trừ vũ khí đơn phương và trong các cuộc đàm phán thất bại trước đây từng nói rằng, họ có thể xem xét từ bỏ kho vũ khí của mình nếu Mỹ bảo đảm sẽ  dỡ bỏ việc triển khai quân đội tại Hàn Quốc và rút cái gọi là chiếc ô hạt nhân tại  Hàn Quốc và Nhật Bản.

Kịch bản đổ vỡ?

Việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh trên,  lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên, sẽ là một đòn giáng lớn cho những gì có thể là thành tựu ngoại giao lớn nhất của Tổng thống Trump. Trước đó, một số người ủng hộ ông Trump đã từng cho rằng, với tiến trình thượng đỉnh này, ông Trump có thể sẽ xứng đáng với giải Nobel Hòa bình.

Trong khi đó, sự bất ổn hiện tại về vấn đề Triều Tiên diễn ra vào thời điểm ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và di chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem – điều dấy lên nhiều sự chỉ trích quốc tế và leo thang bạo lực đẫm máu tại biên giới Israel-Gaza.

Hôm thứ Tư, Bolton gạt sang một bên những nhận xét của Triều Tiên chống lại ông và nói rằng khả năng cao vẫn nghiêng về việc hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đạt được một cuộc họp thành công, nhưng chúng tôi sẽ không quay lưng lại mục tiêu của cuộc họp đó là phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", ông nói.

Trước đó, tuyên bố của Triều Tiên hôm thứ Tư đã đánh dấu một sự đảo chiều kịch tính trong những tháng gần đây và khiến các quan chức Mỹ phải  cảnh giác sau nhiều tháng nới lỏng căng thẳng.

Triều Tiên cũng đã hủy một cuộc đàm phán với Hàn Quốc vào ngày 16/5 và chỉ trích các cuộc tập trận chung quân sự của Mỹ - Hàn Quốc – điều hai nước đồng minh đã nói là sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên với Hàn Quốc hôm thứ Năm gọi chính phủ Hàn Quốc là "không biết gì và không đủ năng lực", đồng thời, đe dọa sẽ ngăn chặn tất cả các cuộc đàm phán với Seoul trừ khi nhu cầu của họ được đáp ứng.

Một số nhà phân tích và quan chức Hoa Kỳ tin rằng động thái này từ phía Triều Tiên có thể là nhằm thử nghiệm sự sẵn sàng của ông Trump đối việc với đưa ra các yêu cầu “mềm mỏng” hơn đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Triều Tiên cũng có thể cố gắng tận dụng sự xa cách rõ ràng trong thông điệp giữa Bolton và tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Ông Pompeo, người trở về từ chuyến thăm thứ hai tới Bình Nhưỡng tuần trước với những người Mỹ được trả tự tự do, đang có một lập trường về Triều Tiên ôn hòa hơn so với Bolton. Ông Pompeo đã nhấn mạnh về các lợi ích kinh tế, có thể bao gồm cả đầu tư của Hoa Kỳ, có thể chảy sang Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đồng ý phi hạt nhân hóa.

Còn ông Kim Kye Gwan từng nói rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy thương mại với Hoa Kỳ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ